Vì sao “Chiến bào” Pantsir-S1 bị “thất sủng” ở Nga?

16/09/2012 09:32
Trịnh Tuân (Nguồn: Izvestia)
(GDVN) - Bộ Tư lệnh Lục quân Nga đã từ chối tiếp nhận các tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 với lý do kết quả thử nghiệm của loại tên lửa này đã không đáp ứng được những yêu cầu đưa ra, hãng tin Izvestia cho hay.
“Những thử nghiệm cuối cùng tại trường bắn Ashuluk cho thấy rằng các đặc tính kỹ thuật của tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 không phù hợp với những yêu cầu của Quân đội.

Trên cơ sở đó, chúng tôi quyết định không mua loại tên lửa này.” – Izvestia dẫn nguồn tin từ Bộ Tư lệnh Lục quân Nga cho biết.

Tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 (định danh NATO SA-22 Greyhound) là một sản phẩm của Phòng thiết kế Tula dựa trên hệ thống tên lửa phòng không Tunguska.

Nhiệm vụ chính của tổ hợp tên lửa này bảo vệ các khu vực mục tiêu trọng yếu, các điểm dân cư và quân sự, đội hình đơn vị chiến đấu đang cơ động lên tới cỡ trung đoàn hoặc các tổ hợp phòng không khác như S-300/S-400/S-500. Pantsir-S1 cũng có khả năng tiêu diệt các mục tiêu mặt đất như xe tăng, xe bọc thép hạng nhẹ.

Hệ thống Pantsir-S1 trên khung gầm xe tải KAMAZ-6560 8x8.
Hệ thống Pantsir-S1 trên khung gầm xe tải KAMAZ-6560 8x8.

Trước đây, Bộ Quốc phòng trước đã mua 10 tổ hợp Pantsir-S1, hiện chúng đang được biên chế trong Lực lượng phòng thủ không gian (ASD) của Nga để “sát cánh” và bảo vệ các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumph.

Bộ Quốc phòng có kế hoạch mua khoảng 100 tổ hợp Pantsir-S1 để trang bị cho ASD trong 8 năm tiếp theo.

Việc lựa chọn tổ hợp tên lửa Greyhound để trang bị cho Quân đội Nga đã từng gây nhiều tranh cãi trong nhiều năm qua. Hàng loạt các cuộc thử nghiệm so sánh khả năng cũng như hiệu quả sử dụng của Pantsir-S1 và tổ hợp tên lửa phòng không Tor-M2 đã được tiến hành.

Hãng tin Izvestia trích dẫn nguồn tin từ khu phức hợp công nghiệp quân sự Nga cho biết rằng Pantsir-S1 đã không đạt được những kết quả mong đợi trong các cuộc thử nghiệm này.

Hệ thống Pantsir-S1 trên khung gầm xe tải KAMAZ-6560.
Hệ thống Pantsir-S1 trên khung gầm xe tải KAMAZ-6560.

Pantsir-S1 đã không thể bắn hạ các mục tiêu di động và nó khá cồng kềnh trong quá trình di chuyển. 

Nguồn tin cũng cho biết rằng, trong chiến tranh hiện đại, các hệ thống phòng không tầm xa thường tỏ ra vô hại đối với các cuộc tấn công tầm gần của đối phương.

Việc chống lại các mục tiêu như trực thăng và các máy bay cường kích, tên lửa hành trình bay thấp của đối phương sẽ hiệu quả hơn khi sử dụng các hệ thống pháo - tên lửa phòng không tầm gần.

Về phần mình, Phó Tổng Giám đốc Viện thiết kế Tula Yuri Savenkov nói với Izvestia rằng những tính năng kỹ chiến thuật cơ bản của tổ hợp tên lửa Pantsir-S1 không phải là vấn đề quá nghiêm trọng đối với Bộ tư lệnh Lục quân.

“Yêu cầu chủ yếu của quân đội đối với tổ hợp là khung gầm xe phóng. Quân đội muốn các tổ hợp tên lửa với khung gầm bánh xích trong khi Pantsir sử dụng khung gầm bánh hơi.”- Yuri Savenkov nhấn mạnh.

Hệ thống Pantsir-S1 trên khung gầm bánh xích.
Hệ thống Pantsir-S1 trên khung gầm bánh xích.

Theo người đứng đầu Viện Phân tích Chính trị và Quân sự Alexander Khramchikhin thì việc Pantsir không thể bắn hạ các mục tiêu di động trong các cuộc thử nghiệm gần đây là lý do chính khiến nó bị “thất sủng”.

"Nếu hệ thống không thể bắn rơi các mục tiêu di động, điều đó có nghĩa là nó sẽ không thể tiêu diệt các đầu đạn có điều khiển. Đồng nghĩa với đó là việc tổ hợp tên lửa sẽ dễ dàng bị hạ gục bởi pháo phản lực phóng loạt (MLRS) của đối phương. Cho tới khi vấn đề này được giải quyết thì việc bắt buộc phải mua các hệ thống Pantsir sẽ trở nên vô nghĩa", ông Khramchikhin nói.

Pantsir-S1 (tiếng Nga: Панцирь-С1, tên ký hiệu NATO SA-22 Greyhound) là một tổ hợp tên lửa - pháo phòng không, tổ hợp này có thể tiêu diệt các mục tiêu trong tầm ngắn và tầm trung.

Đây là một sản phẩm của KBP ở Tula, Nga. Tổ hợp này có thể được đặt trên khung gầm xe bánh xích hoặc bánh lốp, hoặc đặt trên các bệ, trụ cố định. Đây là một sự phát triển hơn nữa của tổ hợp 9M311 Tunguska SA-19/SA-N-11.

Pantsir-S1 được trang bị 12 tên lửa phòng không dẫn đường 9M335 có tầm bắn xa 12 km và trần bắn cao 8 km. Tổ hợp có thể đồng thời phóng 3 tên lửa cùng lúc để tiêu diệt mục tiêu. Ngoài ra, Pantsir-S1 còn được trang bị 2 pháo tự động một nòng 30 mm 2A72.

Dưới đây là một số hình ảnh hình ảnh về biến thể mới nhất của tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 với hệ thống radar phát hiện mới trong một chuyến viếng thăm của Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin tới Phòng thiết kế chế tạo vũ khí Tula:

Còn dưới đây là những hình ảnh bên trong xưởng chế tạo tên lửa phòng không Pantsir-S1 ở Tula, Nga:


Xem video tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1:


Trịnh Tuân (Nguồn: Izvestia)