X-2 lần đầu tiên bay thử thành công
Sáng ngày 22/4, máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên X-2 Shinshin của Nhật Bản đã lần đầu tiên bay thử thành công. Máy bay này đã cất cánh từ sân bay Nagoya, sau khi bay được khoảng 30 phút, hạ cánh xuống căn cứ không quân Gifu.
Ngày 22/4/2016, máy bay chiến đấu tàng hình X-2 Shinshin Nhật Bản lần đầu tiên bay thử thành công từ sân bay Nagoya đến căn cứ không quân Gifu. Nguồn ảnh: Tân Hoa Xã. |
Theo hãng tin NHK Nhật Bản, máy bay chiến đấu tàng hình này được bắt đầu phát triển từ 7 năm trước với chi phí 39,4 tỷ yên, tương đương 350 triệu USD. Thân và động cơ máy bay X-2 đều do Nhật Bản tự sản xuất.
Thiết kế hình dáng của cánh và thân máy bay đã giúp cho nó tránh được radar dò tìm. X-2 cũng đã áp dụng công nghệ mới, làm thay đổi hướng phun của động cơ, giúp cho nó có tính cơ động tốt hơn.
X-2 dài 14,2 m, sải cánh 9,1 m, cao khoảng 4,5 m, lắp 2 động cơ của Công ty IHI Nhật Bản, là máy bay chiến đấu hạng nhẹ, kích cỡ của X-2 nhỏ hơn so với các máy bay chiến đấu tàng hình chủ yếu trên thế giới.
Chính phủ Nhật Bản luôn hết lời ca ngợi đối với máy bay chiến đấu X-2. Ngày 22/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản tiếp tục nhấn mạnh: X-2 bay thử có ý nghĩa to lớn, “đã đảm bảo năng lực công nghệ cần thiết cho nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu trong tương lai”.
Mỹ đã sở hữu và triển khai máy bay chiến đấu tàng hình F-22, trong khi Nga và Trung Quốc đang lần lượt phát triển các máy bay chiến đấu tàng hình T-50 và J-20/J-31. Như vậy, Nhật Bản trở thành nước thứ tư phát triển máy bay chiến đấu tàng hình.
Shinshin dùng để thử nghiệm
Xung quanh việc máy bay chiến đấu tàng hình X-2 Nhật Bản bay thử thành công, tờ Tân Kinh, Trung Quốc ngày 23/4 nhận xét, Nhật Bản đang quyết tâm đứng vào hàng ngũ các nước sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình.
Ngày 22/4/2016, máy bay chiến đấu tàng hình X-2 Shinshin Nhật Bản lần đầu tiên bay thử thành công từ sân bay Nagoya đến căn cứ không quân Gifu. Nguồn ảnh: Tân Hoa Xã. |
Nhà quan sát quân sự Trung Quốc Từ Dũng Lăng cho rằng, máy bay chiến đấu Shinshin đã thể hiện Nhật Bản có tham vọng mạnh mẽ trong việc độc lập nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu.
Căn cứ vào kế hoạch của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, sau khi bay thử lần đầu tiên, Shinshin sẽ tiến hành thử nghiệm thời gian 2 năm. Trước tháng 3/2019, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ cân nhắc có bổ sung mua loại máy bay này làm máy bay chiến đấu hay không.
Theo Từ Dũng Lăng, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới “phiên bản trang bị” của Nhật Bản nhanh nhất cũng phải 3 – 5 năm tới mới xuất hiện.
Hàn Húc Đông từ cơ quan nghiên cứu chiến lược của Đại học Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, máy bay chiến đấu Shinshin vẫn là sản phẩm thử nghiệm, còn chưa hoàn thiện về công nghệ.
Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 23/4 cũng cho rằng, Shinshin vẫn chưa phải là máy bay chiến đấu thực sự, mà nó được dùng để thử nghiệm công nghệ tàng hình và công nghệ đẩy véc-tơ.
Về lý thuyết, thành công của Shinshin giúp cho Nhật Bản trở thành nước thứ tư có thể độc lập chế tạo máy bay tàng hình, sau Mỹ, Trung Quốc và Nga. Nhưng để Shinshin trở thành máy bay chiến đấu thực sự thì còn phải đi một con đường dài.
Shinshin có thể tích quá nhỏ, không có khoang đạn bên trong, không trang bị radar điều khiển hỏa lực… Do đó, nó phải được tiến hành cải tạo rất lớn về thiết kế trước khi trở thành máy bay chiến đấu.
Thúc đẩy Mỹ bán vũ khí trang bị tiên tiến hơn
Đài truyền hình CCTV Trung Quốc ngày 23/4 dẫn lời Đỗ Văn Long, một Đại tá quân đội cho rằng, đối với Nhật Bản, chiếc máy bay này là một “cần câu cá”. Họ hy vọng Mỹ bán máy bay chiến đấu F-22 cho mình. Nếu hiện nay chưa mua được F-22 thì họ nhất định phải khẳng định trước Mỹ về ý định tự nghiên cứu máy bay cao cấp.
Ngày 22/4/2016, máy bay chiến đấu tàng hình X-2 Shinshin Nhật Bản lần đầu tiên bay thử thành công từ sân bay Nagoya đến căn cứ không quân Gifu. Nguồn ảnh: Tân Hoa Xã. |
Vì vậy trong tương lai, loại máy bay chiến đấu này có thể là một tiêu chuẩn hoặc con bài để mua máy bay chiến đấu tiên tiến hơn của Mỹ.
Thông qua đẩy nhanh nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu Shinshin, Nhật Bản có thể ép Mỹ bán công nghệ cao cho Nhật Bản. Như vậy, cùng với dây chuyền sản xuất F-22 có thể khởi động trở lại, khả năng Nhật Bản sẽ “có phần” trong số 194 máy bay chiến đấu F-22 sản xuất bổ sung mới.
Ngoài ra, nếu máy bay chiến đấu tàng hình F-35 sản xuất ở Nhật Bản, dựa theo thông số kỹ thuật hiện nay, Nhật Bản chắc chắn không hài lòng. Thông qua Shinshin để gây sức ép, F-35 bán cho Nhật Bản sẽ không khác với các nước khác, bảo đảm cùng loại, cùng thế hệ với Mỹ.
Nếu sở hữu loại máy bay tác chiến này, năng lực tấn công đường không của Nhật Bản sẽ tăng mạnh. Cho dù Shinshin không được sản xuất hàng loạt, nhưng nhờ sức ép gây ra cho Mỹ, Nhật Bản có thể nhận được trang bị có năng lực mạnh hơn, công nghệ cao hơn từ Mỹ.
Đỗ Văn Long nghĩ rằng, máy bay chiến đấu Shinshin không phải dùng để phô trương năng lực tác chiến của Nhật Bản, mà nhằm mua sắm vũ khí trang bị nhiều hơn, mới hơn, mạnh hơn của Mỹ.
Ngày 22/4/2016, máy bay chiến đấu tàng hình X-2 Shinshin Nhật Bản lần đầu tiên bay thử thành công từ sân bay Nagoya đến căn cứ không quân Gifu. Nguồn ảnh: Tân Hoa xã. |
Đối phó Trung Quốc
Tờ Nihon Keizai Shimbun Nhật Bản cho rằng, Nhật Bản thông qua thúc đẩy nghiên cứu phát triển Shinshin để theo đuổi các nước đã tiến hành tự sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới, duy trì và tăng cường ưu thế dẫn trước của Nhật Bản trong lĩnh vực quân sự hàng không.
Đặc biệt, Nhật Bản phát triển loại máy bay này là đã cân nhắc tới việc “Trung Quốc sẽ nhanh chóng trang bị máy bay chiến đấu tàng hình J-20, hơn nữa trong tương lai, Nhật-Trung có thể xảy ra đối đầu và xung đột trên không ở biển Hoa Đông”.
Một số nhà phân tích quân sự Nhật Bản cho rằng, Nhật Bản cần nhanh chóng thúc đẩy nghiên cứu sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình mới, “lấy Trung Quốc làm đối tượng để tiến hành chuẩn bị chiến lược”.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, Shinshin không có nhiều khả năng thay thế F-35, việc nghiên cứu phát triển loại máy bay này là một “chương trình chính trị”, ngoài tác động đến Mỹ, Nhật Bản còn muốn tăng cường tiếng nói trong lĩnh vực an ninh châu Á.
Bài viết tự tin cho rằng, sức mạnh quân sự tổng thể của Trung Quốc đã từng bước đẩy Nhật Bản về phía sau. Ngoài sức mạnh hạt nhân, thực lực của Không quân Trung Quốc bao gồm xây dựng hệ thống công nghệ hàng không đã đi trước Nhật Bản, máy bay chiến đấu tàng hình J-20 là một đại diện.
Ngày 22/4/2016, máy bay chiến đấu tàng hình X-2 Shinshin Nhật Bản lần đầu tiên bay thử thành công từ sân bay Nagoya đến căn cứ không quân Gifu. Nguồn ảnh: Tân Hoa Xã. |
Công nghiệp quân sự Nhật Bản bị Mỹ kiềm chế về tổng thể, quốc phòng Nhật Bản một phần lớn lệ thuộc vào quan hệ đồng minh quân sự Mỹ-Nhật. Nhưng các công nghệ như điện tử, vật liệu của Nhật Bản rất tiên tiến, có tiềm năng trỗi dậy nhanh chóng và toàn diện về quân sự. Đây luôn là mối quan tâm trong địa-chính trị châu Á-Thái Bình Dương.
Theo bài báo, Mỹ luôn phản đối Nhật Bản phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa chiến lược và vũ khí thông thường tiên tiến mang tính tấn công. Nhưng, những năm gần đây, thái độ của Mỹ đã thay đổi.
Washington đã nhấn mạnh hơn đóng góp của Nhật Bản đối với an ninh châu Á, khuyến khích Nhật Bản chia sẻ trách nhiệm. Ý đồ rõ ràng nhằm đối phó với sự trỗi dậy (và bành trướng) của Trung Quốc.
Bài báo cho rằng, Trung Quốc không nhất thiết phải quá lo lắng về máy bay chiến đấu tàng hình Shinshin. Trong nhiều thời điểm, Trung Quốc không thể ngăn cản hành động của Nhật Bản, Trung Quốc không có các “đòn bẩy” để tác động vào Nhật Bản như Mỹ.
Điều duy nhất Trung Quốc có thể làm là “chạy nhanh hơn”, lấy sự “tiến bộ” của mình (ra sức phát triển mọi loại vũ khí trang bị tiên tiến) để thúc đẩy tình hình an ninh Đông Á có lợi cho Trung Quốc. Thời báo Hoàn Cầu kết luận như vậy chẳng khác nào Trung Quốc đang ra sức thúc đẩy chạy đua vũ trang trong khu vực. Điều này gắn chắt với tham vọng bành trướng của Bắc Kinh – PV.
Ngày 22/4/2016, máy bay chiến đấu tàng hình X-2 Shinshin Nhật Bản lần đầu tiên bay thử thành công từ sân bay Nagoya đến căn cứ không quân Gifu. Nguồn ảnh: Tân Hoa xã. |