Vì sao PVC đi đến “thảm cảnh” như hôm nay?

23/06/2014 08:41
Duy Phong
(GDVN) - Nhiều năm thua lỗ, Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) đang làm nhiều nhà đầu tư xa lánh, còn cổ đông thì bất an cho tài sản của họ.

Tài sản dần “đội nón ra đi”

Thực tế phần lỗ lũy kế của PVC (mã chứng khoán PVX) đến hết quý I/2014 đã là hơn 3.405 tỷ đồng. Vốn điều lệ là 4.000 tỷ đồng, song vốn chủ sở hữu của DN này đến cuối quý I/2014 chỉ còn 672 tỷ đồng, giảm gần 175 tỷ đồng so với đầu năm.

Thống kê cũng cho thấy, PVC đã sử dụng phần lớn vốn điều lệ (3.428,7 tỷ đồng/4.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 85,7%) đầu tư góp vốn vào các đơn vị.

Tổng công ty PVC còn bảo lãnh vay vốn cho các công ty con nhưng không có khả năng thanh toán trong đó có Công ty CP Khách sạn Lam Kinh (Thanh Hóa).
Tổng công ty PVC còn bảo lãnh vay vốn cho các công ty con nhưng không có khả năng thanh toán trong đó có Công ty CP Khách sạn Lam Kinh (Thanh Hóa).

Đặc biệt, cuối năm 2011, khi nền kinh tế khủng hoảng, các đơn vị bộc lộ toàn bộ các yếu kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến tình trạng thua lỗ nặng.

Đến cuối quý I/2014, trích lập dự phòng phải thu khó đòi của DN này là 1.399 tỷ đồng, trong khi cuối năm 2013 là trên 1.324 tỷ đồng.

Trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn quý I/2014 của PVC cũng ghi nhận con số mới 1.404 tỷ đồng.

Ban kiểm soát PVC cho biết, trường hợp không có được sự hỗ trợ về vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và thu hồi được các khoản công nợ tồn đọng (phải thu khách hàng gần 463 tỷ đồng; phải thu khác trên 1.219 tỷ đồng), hoạt động sản xuất kinh doanh của PVC sẽ gặp nhiều khó khăn.

Dự kiến, tỷ lệ nắm giữ của PVN giảm từ 54,54% xuống tối thiểu 36% vốn điều lệ; giai đoạn 2013 - 2015 thực hiện sắp xếp các DN do PVC đang tham gia góp vốn, theo chủ trương thoái hết vốn, giải thể, sáp nhập, hoặc phá sản đối với 33 đơn vị…

Vì đâu nên nỗi?

Từ đầu năm 2012, PVC bắt đầu phạm phải những “sai lầm trầm trọng” là nguyên nhân khiến PVC lâm vào thảm cảnh như ngày hôm nay.

Tại thời điểm ngày 31/12/2012, hệ số bảo toàn vốn của PVC là 68,59 (nguồn vốn chủ sở hữu 2.743,75 tỷ đồng, trong khi đó vốn điều lệ là 4.000 tỷ đồng). Như vậy, PVC không bảo toàn được vốn từ cuối năm 2012.

Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí còn bị mất hết vốn khi đầu tư vào một số công ty, trong đó PVC đã "mất trắng" 147,3 tỷ đồng khi đầu tư vào Công ty CP Xi măng Hạ Long.
Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí còn bị mất hết vốn khi đầu tư vào một số công ty, trong đó PVC đã "mất trắng"  147,3 tỷ đồng khi đầu tư vào Công ty CP Xi măng Hạ Long.

Nguyên nhân được Đoàn kiểm tra của Tập đoàn Dầu khí xác định: Năm 2012, do hoạt động kinh doanh thua lỗ nên không có nguồn để trích quỹ khen thưởng và phúc lợi nhưng PVC vẫn chi khen thưởng và phúc lợi dẫn đến tại thời điểm ngày 31/12/2012, quỹ bị âm 7,5 tỷ đồng.

Hơn nữa, nợ quá hạn tăng cho thấy PVC chưa quyết liệt trong đòi nợ dẫn đến Tổng công ty trích lập quỹ dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tăng 439,7 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/nguồn vốn đầu tư của chủ sở hữu là 7.660/2.743= 2,79 lần, cho thấy vốn vay và nợ ở mức cao. Tổng công ty hoạt động chủ yếu bằng nguồn vốn chiếm dụng.

Ngoài ra, dẫn đến cảnh nợ nần như hôm nay là do PVC bảo lãnh vay vốn cho các đơn vị sai quy định, hoạt động kinh doanh của các đơn vị được bảo lãnh không hiệu quả, không có khả năng trả nợ dẫn đến Tổng công ty phải trả nợ thay và trích lập dự phòng vào chi phí của Tổng công ty mẹ.

PVC còn thực hiện ứng vốn cho các nhà thầu phụ cao hơn chủ đầu tư ứng vốn cho Tổng công ty.

Một sai lầm nghiêm trọng của PVC nữa là đầu tư ra ngoài ngành dàn trải. Hầu hết các công ty con kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ nặng nề, không có khả năng thanh. Tại thời điểm ngày 31/12/2013, PVC bị mất hết vốn khi đầu tư vào một số công ty như: Công ty CP Đầu tư bê tông công nghệ cao Sopewaco 10,2 tỷ đồng, Công ty CP Xi măng Hạ Long 147,3 tỷ đồng.

Tổng công ty PVC còn bảo lãnh vay vốn cho các công ty con nhưng không có khả năng thanh toán như: PVC Miền Trung, PVC ME, PVC HN, Công ty CP Khách sạn Lam Kinh, PVC SG, Công ty CP Đầu tư xây lắp DK IMICO, Công ty CP thiết bị nội ngoại thất DK (PVC METAL)…

PVC vay vốn ủy thác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đầu tư vào các công ty con, do không có nguồn trả nợ, quá thời gian trả nợ nên PVC đã phải trích lập dự phòng lên đến 249 tỷ đồng. 

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Ngày 25/1/2014, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 49/TB-VPCP về Ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong đó có nội dung: Yêu cầu Tập đoàn Dầu khí kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong việc kinh doanh thua lỗ gây khó khăn của Tập đoàn của Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam. Xử lý nghiêm các hành vi sai phạm. Báo cáo Bộ Công thương và yêu cầu Bộ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Duy Phong