Việt Nam chắc chắn hấp dẫn hơn với Mỹ về quốc phòng, an ninh

25/09/2014 14:46
Hồng Thủy
(GDVN) - Chính hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông đã nâng cao ý thức cấp bách ở Việt Nam về đa dạng hóa các đối tác an ninh.
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiệm vụ trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam những ngày giàn khoan Trung Quốc 981 hạ đặt trái phép. Ảnh: Reuters.
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiệm vụ trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam những ngày giàn khoan Trung Quốc 981 hạ đặt trái phép. Ảnh: Reuters.

Tờ DW của Đức ngày 25/9 bình luận, tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc (thực tế là việc Trung Quốc nhảy vào tranh cướp lãnh thổ) đã góp phần vào sự thay đổi chính sách đối ngoại của Việt Nam. Người Việt hy vọng rằng mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ và động lực hiện đại hóa quốc phòng của mình có thể ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Quan hệ Việt - Trung đã trở nên căng thẳng kể từ khi Bắc Kinh đơn phương triển khai giàn khoan 981 và đội tàu hộ tống hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Điều này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ và rộng khắp trên toàn quốc. Tuy nhiên khi Trung Quốc rút giàn khoan 981, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đã đi Bắc Kinh trong tháng 8 nhằm nỗ lực hàn gắn quan hệ song phương.

Nhưng nhiều nhà phân tích tin rằng căng thẳng gần đây trên Biển Đông đã thúc đẩy nhiều người Việt Nam ủng hộ đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế và một sự thay đổi chiến lược đối với Washington. Việt Nam cũng đã chào đón nhiều quan chức cấp cao Hoa Kỳ, trong đó có 4 Thượng nghị sĩ và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Martin Dempsey sang thăm.

Việt Nam đang tìm kiếm các quan hệ ngoại giao và quân sự chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ, đồng thời Washington cũng đang tiến gần hơn tới việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam giúp người việt đối phó với những thách thức từ hải quân Trung Quốc trên Biển Đông.

Gregory Poling, một chuyên gia về Đông Nam Á từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) nói với DW rằng chính hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông đã nâng cao ý thức cấp bách ở Việt Nam về đa dạng hóa các đối tác an ninh và tham gia chặt chẽ hơn với sức mạnh quân sự thường trú trong khu vực - Hoa Kỳ.

Chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey thu hút sự quan tâm, chú ý đặc biệt của dư luận.
Chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey thu hút sự quan tâm, chú ý đặc biệt của dư luận.

Poling nhận xét, Việt Nam và Mỹ đã tăng cam kết song phương trong nhiều năm qua và được thúc đẩy mạnh mẽ dưới chính quyền Obama. 2 quốc gia đã theo đuổi quan hệ gần gũi hơn về kinh tế, rõ ràng nhất là các cuộc đàm phán hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương  TPP đang diễn ra cũng như các mối liên kết chính trị và quân sự.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã có chuyến thăm lịch sử tới vịnh Cam Ranh năm 2012, hải quân chung 2 nước đã tham gia một cuộc diễn tập chung không chiến đấu. Và bước ngoặt thực sự mở ra trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2013, trong đó ông và Tổng thống Obama đã ký một thỏa thuận hợp tác toàn diện mới.

Những gì diễn ra trong các tháng gần đây, đặc biệt là trong bối cảnh xảy ra vụ giàn khoan 981, Việt Nam ngày càng gia tăng mối quan tâm về việc thúc đẩy hợp tác song phương với Hoa Kỳ, đặc biệt là quốc phòng - an ninh. Poling nhận xét, Việt Nam chắc chắn hấp dẫn hơn với Mỹ trong tất cả các lĩnh vực nêu trên, và còn nhiều hơn nữa.

Ký ức về cuộc chiến đang ngày càng xa, và kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 2015 sẽ tạo ra bước ngoặt mang tính biểu tượng và tình cảm cho quan hệ Việt - Mỹ.

Tuy nhiên theo Gregory Poling, không nên nhìn mối quan hệ Việt - Mỹ đang phát triển là 1 chiều. Biển Đông đã khiến cho các cuộc thảo luận hợp tác an ninh trở nên gần gũi hơn, nhưng sự phát triển tổng thể quan hệ Mỹ - Việt những năm gần đây lớn hơn nhiều cho với riêng lĩnh vực hợp tác quốc phòng.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là bình thường.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là bình thường.

Về phản ứng của Bắc Kinh, ông Poling cho biết tới thời điểm hiện tại Trung Quốc đã không giấu giếm sự khó chịu của họ và tỏ ra tức giận hết sức trước việc các nước Đông Nam Á gia tăng cam kết an ninh với Hoa Kỳ, mối quan hệ Việt - Mỹ chặt chẽ hơn sẽ không ngoại lệ. Tuy nhiên cho đến nay Bắc Kinh vẫn kiềm chế các hành động "trả đũa công khai" chống lại các nước này.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 24/9 dẫn lời Tôn Tiểu Nghinh, một học giả từ Viện Nghiên cứ Đông Nam Á - Viện Khoa học xã hội Quảng Tây cho rằng, dù Mỹ luôn nói sẽ dỡ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, nhưng Washington sẽ không nhanh chóng hành động.

Học giả Trung Quốc này ngầm lên giọng đe dọa, một nước muốn mua vũ khí để đối đầu với láng giềng lớn là hành vi không tự lượng sức mình (!?) mặc dù chính Thời báo Hoàn Cầu đưa tin, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nói rõ quan điểm, Mỹ dỡ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam là chuyện bình thường.

Thời báo Hoàn Cầu nói rằng khi được hỏi động thái trên có chọc tức Trung Quốc hay không, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ cười. Hãng tin AP, Bưu điện Hoa Nam thì dẫn lời ông khẳng định: "Nếu chúng tôi không mua vũ khí từ Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ mua từ các nước khác. Tại sao Trung Quốc cần phải bận tâm vì điều đó?"

Hồng Thủy