Câu chuyện Mỹ bán vũ khí sát thương cho Việt Nam lại làm nóng dư luận trong chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey. |
Reuters ngày 23/9 đưa tin, hai quan chức cấp cao chính phủ Mỹ nói với hãng tin này, các cuộc thảo luận về việc Washington nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam đang diễn ra và có thể dẫn đến 1 quyết định vào cuối năm nay.
Mỹ muốn hỗ trợ Việt Nam bằng cách tăng cường khả năng giám sát và bảo vệ bờ biển bằng máy bay trinh sát không vũ trang P-3. Máy bay này cũng sẽ cho phép Việt Nam theo dõi các hoạt động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
"Tâm trạng đang thay đổi, và đó là điều chúng tôi đang tìm kiếm một cách nghiêm túc. Những gì chúng tôi đã tìm thấy là một đối tác, trong đó lợi ích của chúng tôi đang hội tụ", quan chức này nói với điều kiện giấu tên.
Động thái dỡ bỏ lệnh cấm vận sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ hơn 2 thập kỷ đang được tăng tốc với một loạt các chuyến thăm viếng ngoại giao - quân sự cấp cao song phương trong những tháng gần đây.
Hai giám đốc điều hành cấp cao trong ngành công nghiệp vũ khí Mỹ nói với Reuters, họ mong đợi chính phủ Mỹ sớm dỡ bỏ lệnh cấm này với Việt Nam. "Có rất nhiều thảo luận xung quanh việc bán vũ khí cho Việt Nam. Đây là lĩnh vực đầy hứa hẹn đối với chúng tôi", một trong 2 người nói với Reuters.
Quan hệ Việt - Trung dễ bị tổn thương trong vấn đề Biển Đông một lần nữa rơi vào khủng hoảng khi Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam hồi tháng 5.
Trong lúc Việt Nam đã bắt tay vào chương trình hiện đại hóa quân sự trị giá hàng tỉ USD, khả năng giám sát của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Việc Trung Quốc triển khai giàn khoan 981 đã khiến người Việt bất ngờ. Bắc Kinh cũng bất ngờ di chuyển giàn khoan về gần đảo Hải Nam vào giữa tháng 7.
Sử dụng giàn khoan khổng lồ và hạm đội tàu hộ tống khiêu khích, xâm phạm vùng biển Việt Nam là thủ đoạn nguy hiểm của Trung Quốc. |
John McCain, một cựu tù binh trong Chiến tranh Việt Nam là 1 trong 4 nghị sĩ Mỹ đã thảo luận về việc dỡ bỏ lệnh cấm này với các nhà lãnh đạo Việt Nam trong thời điểm quan hệ Việt - Trung căng thẳng sau khủng hoảng vụ giàn khoan 981.
Trong tháng 8 vừa qua, chỉ 6 ngày sau khi Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey thăm chính thức Việt Nam, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Tư lệnh Hải quân Việt Nam đã lên đường sang thăm Mỹ để thảo luận về việc tập trận hải quân chung với Hoa Kỳ.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ thăm Washington vào đầu tháng 10 hội đàm với Ngoại trưởng John Kerry. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel dự kiến sẽ thăm Việt Nam vào cuối năm nay.
Phuong Nguyen, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington bình luận, Việt Nam dường như không đi quá xa vào quỹ đạo của Mỹ. Việt Nam hiểu rõ rằng Trung Quốc sẽ mãi mãi nằm bên cạnh nhà mình và Việt Nam cần có một chính sách đối ngoại độc lập.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel cảnh báo chống lại những nhận xét cường điệu trong quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam. "Tôi không tin rằng Việt Nam đang đánh đổi mối quan hệ lâu dài với Trung Quốc, mặc dù vấn nhấn mạnh tới khả năng xung đột quân sự, để đổi lấy một mối quan hệ độc quyền hay liên minh với Hoa Kỳ", ông Russel cho biết.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel. |
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ bình luận, vị trí chiến lược của Việt Nam là một lý do tốt để Mỹ hợp tác chặt chẽ hơn. Việc Washington nới lỏng lệnh cấm vận này không phải chuyện gì xấu. "Chúng tôi đã sẵn sàng, và sẽ xem xét nó trong mối quan tâm tổng thể của Mỹ, giúp các nước đang phát triển như Việt Nam trong lĩnh vực và năng lực hàng hải. Và chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều thành công để gặp hái hơn nữa."
Việt Nam đã trở thành khách hàng vũ khí lớn nhất của Nga với tàu ngầm Kilo, máy bay Su-30MK2, tàu khu trục và tàu hộ tống hiện đại cũng chủ yếu từ Nga.
Tuy nhiên, máy bay trinh sát P-3 có thể sẽ lấp đầy khoảng cách đối với Việt Nam. Hiện tại nhà sản xuất Lockheed Martin cho biết có 435 chiếc P-3 so họ chế tạo và đang phục vụ ở biên giới. Tạp chí phong ngự IHS Jane dẫn nguồn tin 1 giám đốc của hãng Lockheed Martin cho biết, Việt Nam có thể yêu cầu đặt mua 6 chiếc P-3 và có vẻ như chính phủ Mỹ chấp thuận yêu cầu này.