Việt Nam đối thoại về văn hóa, tôn giáo tại Hội đồng nhân quyền

13/03/2015 19:51
Ngọc Quang
(GDVN) - Các nội dung liên quan tới nhân quyền cũng là một trong những vấn đề sẽ được đối thoại tích cực tại IPU-132 tổ chức tại Việt Nam.

Trong hai ngày 10 và 11/3, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (trụ sở tại Geneva) đã tiến hành hai phiên đối thoại với Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo và tín ngưỡng và Báo cáo viên đặc biệt về quyền văn hóa, trong đó báo cáo về kết quả chuyến thăm Việt Nam trong hai năm vừa qua.

Trong báo cáo cũng như trình bày trước Hội đồng Nhân quyền, Báo cáo viên đặc biệt về tôn giáo và tín ngưỡng Heiner Beilefeldt đã đánh giá cao sự hợp tác và tạo điều kiện của các cơ quan chức năng Việt Nam trong suốt thời gian chuyến thăm.

Báo cáo ghi nhận những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc thúc đẩy, bảo vệ quyền tự do tôn giáo, đặc biệt là sự phát triển số lượng tín đồ, chức sắc tôn giáo cũng như các cơ sở thờ tự tại khắp các tỉnh trong những năm vừa qua.

Trong báo cáo kết quả chuyến thăm Việt Nam (18-29/11/2013) trình lên Hội đồng Nhân quyền, Báo cáo viên đặc biệt về quyền văn hóa Farida Shaheed đã tập trung ghi nhận những kết quả nổi bật của Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ cũng như cải thiện các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là việc mở rộng tiếp cận của người dân với giáo dục và văn hóa tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. 

Việt Nam luôn nỗ lực trong các vấn đề văn hóa, tôn giáo, nhân quyền. ảnh minh họa: TTXVN.
Việt Nam luôn nỗ lực trong các vấn đề văn hóa, tôn giáo, nhân quyền. ảnh minh họa: TTXVN.

Với tư cách là nước liên quan, đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực vào đối thoại với các báo cáo viên đặc biệt; đại diện của Việt Nam đã làm rõ khung pháp lý và các nỗ lực trong việc thúc đẩy sự thụ hưởng các quyền văn hóa, trong đó có hoạt động biểu diễn, các hình thức sáng tạo nghệ thuật mới; đồng thời khẳng định cam kết tiếp tục hoàn thiện pháp luật trong nước, nâng cao nhận thức của người dân và tiếp tục hợp tác, đối thoại xây dựng với Báo cáo viên đặc biệt cũng như các Thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền.

Trước đó, tại một buổi hội thảo quốc tế vào tháng 9/2014 do Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức, chia sẻ về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ - ông Phạm Dũng nêu rõ, Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, tín đồ tôn giáo chiếm 1/4 dân số cả nước. 

Chính sách của Đảng, nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân và quyền này đ ã được ghi trong Hiến pháp, hệ thống văn bản pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và được thực thi có hiệu quả trong cuộc sống.

Trong những năm qua, nhiều tôn giáo đã được nhà n ước công nhận. Đến nay, cả nước có 14 tôn giáo, 38 tổ chức tôn giáo, trên 24 triệu tín đồ, 78.000 chức sắc và hơn 23.000 cơ sở thờ tự. Sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam diễn ra sôi nổi và đang có chiều hướng gia tăng.

Nhu cầu văn hóa tín ngưỡng tôn giáo chính đáng ấy luôn được nhà nước tạo điều kiện đáp ứng, đông đảo tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo phấn khởi, tích cực tham gia xây dựng cuộc sống "tốt đời, đẹp đạo”, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tôn giáo cùng với các tín ngưỡng đã hòa vào dòng chảy văn hóa Việt Nam, làm phong phú thêm nét văn hóa đa dạng của người Việt.

Bà Delphine Malard, Bí thư thứ nhất - Trưởng ban Ban Chính trị, Báo chí và Thông tin - Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, Liên minh châu Âu có một nguyên tắc rõ ràng là đảm bảo quyền tự do tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng như là quyền cơ bản của mỗi con người. Điều này phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền phổ quát, đã được phê chuẩn bởi Việt Nam. Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên cam kết tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở khắp mọi nơi và cho tất cả mọi người.

Bà Delphine Malard cũng đánh giá cao về những thay đổi chính sách tôn giáo của Việt Nam trong thời gian qua.

Ngọc Quang