Việt Nam tìm máy bay Malaysia và nhận xét rất xằng của 1 chuyên gia TQ

15/03/2014 08:41
Việt Dũng
(GDVN) - Chuyên gia Viện nghiên cứu Biển Đông, Đại học Hạ Môn, Tiến sỹ chính trị học nghiên cứu về Việt Nam Lý Vĩnh Long có bình luận về sự kiện.
Hình ảnh từ vệ tinh Trung Quốc (thông tin này sau đó đã bị Malaysia và các bên liên quan bác bỏ)
Hình ảnh từ vệ tinh Trung Quốc (thông tin này sau đó đã bị Malaysia và các bên liên quan bác bỏ)

"Việt Nam kiên trì mở rộng tìm kiếm, mở rộng ảnh hưởng ở Biển Đông"

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 13 tháng 3 dẫn các nguồn tin cho rằng, ngày 12 tháng 3, việc tìm kiếm đối với chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia có tiến triển bất ngờ.

Trong cuộc họp báo cùng ngày, Malaysia chính thức thừa nhận, radar quân dụng từng dò được một máy bay dân dụng vào lúc 2 giờ 15 phút sáng ngày 8 tháng 3, tuy còn chưa thể xác định có phải là MH370 hay không, nhưng sự trùng hợp về thời gian đã đem lại một phương hướng mới cho công tác tìm kiếm: Có lẽ máy bay hoàn toàn không mất liên lạc ở khu vực lân cận đảo Phú Quốc của Việt Nam như thiết tưởng trước đây, mà là chệch khỏi tuyến đường, quay sang eo biển Malacca.

Điều này có nghĩa là, một khi điều tra đối với radar đã có kết quả tiếp theo hoặc công tác tìm kiếm đã có nhiều manh mối hơn, tất cả nguồn lực sẽ từ Việt Nam chuyển tới eo biển Malacca.

Cùng ngày, ở Sở chỉ huy lâm thời tiền tuyến đảo Phú Quốc, Việt Nam, phó Tư lệnh vùng 5 Hải quân Lê Minh Thành lại cho biết, hoạt động tìm kiếm ngày 13 tháng 3 sẽ tiếp tục tăng cường, phạm vi tìm kiếm sẽ tiếp tục mở rộng.

Chuyên gia Viện nghiên cứu Biển Đông, Đại học Hạ Môn, Tiến sỹ chính trị học nghiên cứu về Việt Nam Lý Vĩnh Long cho rằng, sự kiên trì của Việt Nam, cùng với việc thừa nhận trách nhiệm tìm  kiếm của quốc gia có địa điểm xảy ra sự cố, còn có mong muốn "chủ đạo đối với Biển Đông".

Bên trong Trung tâm ứng dụng vệ tinh tài nguyên Trung Quốc
Bên trong Trung tâm ứng dụng vệ tinh tài nguyên Trung Quốc

Sau khi máy bay MH370 mất liên lạc, căn cứ vào thông tin do hãng hàng không Malaysia tuyên bố, ngày 9 tháng 3 Việt Nam đã thiết lập Sở chỉ huy tiền tuyến ở đảo Phú Quốc. Sau khi thiết lập, tìm kiếm nhanh chóng đã có kết quả, những vật thể nghi là bè cứu sinh... đã đem lại rất nhiều hy vọng. Đảo Phú Quốc đã trở thành tiêu điểm.

Việt Nam còn cho biết, đồng ý cho Trung Quốc, Singapore, Malaysia và Mỹ đến lãnh hải, không phận có liên quan để hợp tác. Cách làm này của Việt Nam đã thể hiện tinh thần nhân đạo.

Bài báo của TQ tự ý nhận định như sau: "Nhưng, đối với lực lượng tìm kiếm của Trung Quốc, truyền thông Việt Nam khẳng định, tàu đổ bộ cỡ lớn, tiên tiến nhất Tỉnh Cương Sơn của Hải quân Trung Quốc đến "vùng biển phía nam của Việt Nam" tham gia tìm kiếm.

Theo Lý Vĩnh Long, qua đây truyền thông Việt Nam phát đi tín hiệu Trung Quốc "can thiệp quá mức" (?-PV), qua đó Việt Nam muốn Đài Loan, Indonesia, Philippines, thậm chí Mỹ đưa ra phản ứng, xác nhận vai trò của Việt Nam ở khu vực này."

Lý Vĩnh Long bất chấp tinh thần nhân đạo của Việt Nam, nói ra nói vào cho rằng, 3 năm trước, "Việt Nam cố ý gọi 'Nam Hải' (cách gọi của Trung Quốc) là Biển Đông của Việt Nam. Trong công tác tìm kiếm ở vùng biển này, Việt Nam thể hiện mong muốn làm chủ đạo".

"Việt Nam không mong muốn nhìn thấy, trong công tác tìm kiếm ở khu vực Đông Nam Á, ASEAN, xuất hiện tình hình Trung Quốc đứng đầu". - đây là một nhận xét xằng bậy, rất thiếu tinh thần xây dựng của 1 cá nhân dưới mác chuyên gia Hạ Môn.

Không quân Việt Nam tìm kiếm máy bay chở khách Malaysia mất tích
Không quân Việt Nam tìm kiếm máy bay chở khách Malaysia mất tích

Theo bài báo, Việt Nam đang nỗ lực trở thành cường quốc hải quân của khu vực Đông Nam Á. Lý Vĩnh Long cho rằng, chi tiêu quân sự của Việt Nam đang liên tục tăng lên (ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm 2014 là 131,57 tỷ USD, chỉ đứng sau Mỹ).

Căn cứ vào truyền thông Mỹ tháng 2, chiếc tàu ngầm diesel lớp thứ hai mang tên Hồ Chí Minh trong lô 6 tàu ngầm Nga chế tạo cho Việt Nam gần đây đã bàn giao. Chiếc thứ nhất mang tên Hà Nội cũng đã biên chế cho Hải quân Việt Nam cách đây không lâu. Dưới sự giúp đỡ của Nga, đơn vị tàu ngầm hải quân đầu tiên của Việt Nam bắt đầu thành hình.

Theo bài báo, năm 2009 Việt Nam và Nga đã ký hợp đồng mua 6 tàu ngầm diesel lớp Kilo tổng trị giá 2,1 tỷ USD. Tàu ngầm Hà Nội và Hồ Chí Minh là 2 tàu ngầm của lô đầu tiên. Chiếc tàu thứ ba mang tên Hải Phòng sẽ bàn giao cho Việt Nam vào tháng 11 năm 2014.

Việt Nam đã trở thành khách hàng chủ yếu của vũ khí Nga. Ngoài tàu ngầm, Nga đang chế tạo tàu hộ vệ lớp Gepard cho Việt Nam và bán máy bay chiến đấu Su-30MK2 cho Hải quân Việt Nam sử dụng, có thể tấn công tàu chiến mặt nước và mục tiêu hải đảo.

Truyền thông Nga bình luận cho rằng: "Cùng với việc tàu ngầm lớp Kilo lần lượt bàn giao, biên chế, trong bối cảnh xung đột chủ quyền Biển Đông, sức chiến đấu của Hải quân Việt Nam sẽ được cải thiện rất lớn".

Phó Tư lệnh Không quân Việt Nam, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn cho biết, để tìm kiếm máy bay mất tích, Việt Nam đã triển khai hành động tìm kiếm cứu nạn quy mô lớn nhất cho đến nay.
Phó Tư lệnh Không quân Việt Nam, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn cho biết, để tìm kiếm máy bay mất tích, Việt Nam đã triển khai hành động tìm kiếm cứu nạn quy mô lớn nhất cho đến nay.

Máy bay MH370 không có nhiều khả năng gặp nạn trong địa giới Việt Nam

Tờ “Nhật báo Trung Quốc” ngày 13 tháng 2 dẫn lời chuyên gia Việt Nam cho rằng, máy bay chở khách mất tích MH370 của hãng hàng không Malaysia không có nhiều khả năng lắm gặp tai nạn ở trong khu vực của Việt Nam, nhưng lực lượng tìm kiếm Việt Nam vẫn duy trì tìm kiếm trong phạm vi rộng hơn.

Đại tá Vũ Thế Chiến, Phó Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, trong ngày thứ năm (ngày 12 tháng 3) của công tác tìm kiếm, Việt Nam tiếp tục sử dụng 8 máy bay, 9 tàu tìm kiếm máy bay mất tích. Toàn bộ khu vực tìm kiếm của Việt Nam đã mở rộng đến khoảng 88.000 km2, phạm vi tìm kiếm mở rộng về phía đông. Ngày 13 tháng 3, Việt Nam duy trì lực lượng tìm kiếm không đổi, sử dụng 3 máy bay (1 máy bay CASA và 2 máy bay An-26) mở rộng tìm kiếm ở phạm vi phía bắc khu vực chung giữa Việt Nam-Malaysia.

Trong ngày 12 tháng 3, có tổng cộng 31 tàu của các nước tham gia công tác tìm kiếm, trong đó có 9 tàu của Việt Nam, 9 tàu của Malaysia, 6 tàu của Trung Quốc, 3 tàu của Mỹ, 1 tàu của Thái Lan, 3 tàu của Singapore; có 22 máy bay tham gia tìm kiếm cứu nạn, trong đó có 8 máy bay của Việt Nam, 4 máy bay của Trung Quốc, 4 máy bay của Mỹ, 2 máy bay của Singapore.

Tàu Cảnh sát biển Việt Nam tham gia tìm kiếm máy bay chở khách Malaysia mất tích
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam tham gia tìm kiếm máy bay chở khách Malaysia mất tích
Tàu đổ bộ cỡ lớn Tỉnh Cương Sơn Type 071 của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc đến vùng biển nghi ngờ máy bay chở khách MH370 Malaysia mất tích
Tàu đổ bộ cỡ lớn Tỉnh Cương Sơn Type 071 của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc đến vùng biển nghi ngờ máy bay chở khách MH370 Malaysia mất tích
Việt Dũng