Vụ sạt lở ở Thái Nguyên: San sẻ từng can nước vì mất điện

17/04/2012 11:14
Ngọc Khánh
(GDVN) - Do sạt lở đất, hệ thống lưới điện đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 21/31 xã trong toàn huyện đã bị mất điện hoàn toàn, đến giờ vẫn chưa có điện trở lại.
Hôm nay (17/4) đã bước sang ngày thứ 3 của vụ sạt lở đất. Tại bãi thải số 3 của mỏ than Phấn Mễ (Công ty Gang thép Thái Nguyên), hàng vạn khối đất đá chôn vùi 12 nóc nhà trong tích tắc. Kéo theo đó, 4 cột điện đi qua bãi thải đã bị sập đổ hoàn toàn. Sáng qua – 16/4, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã dựng lại một số cột điện và tiến hành kéo cáp.

21/31 xã, thị trấn huyện Đại Từ bị mất điện ngay khi xảy ra sự cố sạt lở đất kinh hoàng. Ảnh: Ngọc Khánh
21/31 xã, thị trấn huyện Đại Từ bị mất điện ngay khi xảy ra sự cố sạt lở đất kinh hoàng. Ảnh: Ngọc Khánh

Ngày thứ 3 mất điện, đời sống của hàng nghìn hộ dân ở 21 xã, thị trấn đã bị đảo lộn vì mất điện. Không điện đồng nghĩa với không đèn thắp sáng, không nước để ăn uống, mọi sinh hoạt bị đảo lộn. Nhiều hộ gia đình phải thuê máy phát điện với giá từ 40.000đ - 50.000 đồng/giờ. Cô Nguyễn Thị Sinh (xóm Khưu, Phục Linh) thuê máy phát điện theo giờ. “Để tiết kiệm, nhà tôi tranh thủ bơm nước vào bể chứa, nấu cơm, sạc pin cho đầy rồi lại trả. 3 ngày nay, nhà tôi mất gần 500.000 đồng tiền thuê máy phát rồi đấy”, cô Sinh cho biết.

Người dân phải thuê máy phát điện để tranh thủ bơm nước, nấu cơm. Ảnh: Ngọc Khánh
Người dân phải thuê máy phát điện để tranh thủ bơm nước, nấu cơm. Ảnh: Ngọc Khánh

Tương tự như nhà cô Sinh, nếp sinh hoạt của gia đình chú Trần Văn Truyền ở xóm Khuân, cũng bị đảo lộn. Không kịp đi sát gạo, mấy bữa qua, chú Truyền phải đi vay gạo hàng xóm để nấu ăn. Nhà có 2 con nhỏ nhưng mất điện nên không học bài buổi tối được. Chú Truyền cho biết: “Tôi bảo bọn trẻ đi học về tranh thủ học bài ban ngày, tối học bằng đèn sẽ không hiệu quả. May mà thời tiết còn chưa nắng nóng nên đỡ khổ hơn chứ vào mùa nắng nóng thì “toi”. Chúng tôi cũng mong muốn sớm có điện trở lại chứ như thế này thì khổ lắm”.

Hết nước sinh hoạt, mọi người phải san sẻ cho nhau từng can nước. Ảnh: Ngọc Khánh
Hết nước sinh hoạt, mọi người phải san sẻ cho nhau từng can nước. Ảnh: Ngọc Khánh

Theo ghi nhận, người dân ở một số xã của Đại Từ đều dùng tới nước giếng khơi độ sâu 13 -15m. Do miệng giếng bị bịt kín nên không thể múc được nước để dùng. Mọi người san sẻ cho nhau từng can nước. Nước vo gạo dùng rửa rau, quần áo phải tích lại để giặt cho tiết kiệm. Thậm chí, nhiều người phải đi hơn 5 cây số để đến nhà người thân ở những xã có điện sạc nhờ điện thoại, tắm giặt.

Điện lực Thái Nguyên đang khẩn trương khắc phục sự cố để sớm có thể cung cấp điện trở lại cho người dân. Ảnh: Ngọc Khánh.
Điện lực Thái Nguyên đang khẩn trương khắc phục sự cố để sớm có thể cung cấp điện trở lại cho người dân. Ảnh: Ngọc Khánh.

Có mặt tại mỏ than Phấn Mễ những ngày này, phóng viên dạo quanh một số khu vực bị mất điện vào buổi tối. Trong cái không khí đau buồn, hãi hùng vì mất người, mất của, những mái nhà leo lét ánh đèn nến càng khiến cho miền trung du này thêm phần hoang vu hơn. Do không có điện nên nhiều người dân không cập nhật được thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng. Khi tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân hỏi tình hình cứu nạn vụ sạt lở này. Mọi người mong muốn sớm có điện trở lại để ổn định cuộc sống.
Ngọc Khánh