Vụ xử kẻ chặt tay cướp SH: Cái ác đã được gieo mầm từ lâu

27/12/2013 11:09
Theo Mai Lê/ Một Thế Giới
(GDVN) - “Tao biết con tao bị tử hình thì tao chuẩn bị dao giết con Thúy (nạn nhân bị chặt tay, cướp SH) tại tòa”.

Mẹ bị cáo Hồ Duy Trúc (tức Tuấn, 20 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) sau khi nghe con bị tử hình đã la hét và hăm dọa các nạn nhân như vậy.

Một người thân của bị cáo Trúc thì gào thét: “Một lũ nhà giàu hùa nhau đẩy thằng Trúc bị tử hình, ai kêu đeo hột xoàn, đi xe tay ga chi cho nó chém. Nó đâu có giết người, đâu có ai chết mà xử tử, một bản án vô nhân đạo”. 

Thân nhân của Hồ Duy Trúc gào thét tại sân tòa án - Ảnh: Quang Nguyễn
Thân nhân của Hồ Duy Trúc gào thét tại sân tòa án - Ảnh: Quang Nguyễn

Chị gái bị cáo Trúc đã la ó, dùng tay đập xe cấp cứu trong sân, dùng đá ném vào nơi làm việc của các thư ký, thẩm phán. Thậm chí không ít lời đe dọa sẽ “xử” HĐXX và bị hại vì đã nhớ mặt cũng được buông ra. Lực lượng cảnh sát tư pháp phải đóng tất cả cửa ra vào phòng làm việc của Tòa án.

Cảnh hỗn loạn đó đã xảy ra tại Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ngay sau khi HĐXX tuyên tử hình kẻ cầm đầu băng cướp ép xe, chặn đầu, dùng mã tấu chém người cướp của từng gây kinh hoàng tại thành phố Hồ Chí Minh thời gian vừa qua. 

Bản án nghiêm khắc  đã được dư luận đồng tình nhưng những hình ảnh về sự náo loạn do người nhà của các bị cáo gây ra ngay chốn công đường và sự lúng túng, bị động của cảnh sát hỗ trợ tư pháp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự uy nghiêm của cơ quan bảo vệ luật pháp.

Chỉ trong vòng 5 tháng, băng cướp 9x này đã sử dụng hung khí rất nguy hiểm, thực hiện 15 vụ “chém trước, cướp sau” (chưa kể 2 vụ chưa xác định được bị hại). Mức độ nguy hiểm cho xã hội mà băng cướp này thực hiện là sẵn sàng chém xả vào người nạn nhân nhằm chiếm đoạt bằng được tài sản của họ bất chấp họ có chống cự hay không. Trong đó có nhiều vụ chém vào những vị trí trọng yếu như cổ, gáy… hoặc chém dã man gây thương tích đến 47%. 

Có 3 trường hợp các bị cáo không chém được bị hại do bị hại bỏ chạy. Điều đó cho thấy tính chất manh động, táo tợn của các bị cáo. Sau khi cướp được tài sản thì các bị cáo tháo chạy, bỏ mặc người bị hại với những nhát chém chí mạng. Họ không chết là do được cứu chữa kịp thời chứ không phải các bị cáo “đâu có giết người, đâu có ai chết” như người nhà bị cáo Trúc đã gào thét uất hận tại Tòa án.  

Mặc dù mới 20 tuổi đầu nhưng Hồ Duy Trúc đã mang một lý lịch bất hảo, trước đó bị cáo đã từng thực hiện nhiều vụ cướp ở địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Trốn vào TP HCM bị cáo lại cầm đầu băng nhóm tổ chức thực hiện hàng loạt vụ chém người cướp tài sản. 

Bản thân Trúc trực tiếp chém 3 nhát làm đứt lìa cổ tay phải của chị Nguyễn Ngọc Thúy lấy xe SH và thực hiện 14 vụ khác với vai trò là người lấy xe, người cản trở bị hại, tổng giá trị tài sản chiếm đoạt là 610 triệu đồng nên đã phạm vào điểm b, khoản 4, điều 133 bộ luật Hình sự, có mức hình phạt cao nhất là tử hình. 

Trúc không chỉ lạnh lùng, tàn nhẫn, mất hết nhân tính khi thực hiện tội phạm mà vẻ lỳ lợm, không gợn chút ăn năn của y tại phiên tòa cũng cho thấy không còn khả năng cải tạo đối với kẻ máu lạnh này. Qua phản ứng của người thân bị cáo Trúc tại tòa án càng chứng tỏ cái ác trong bản chất bị cáo đã được nuôi dưỡng từ trong gia đình từ tấm bé.

Rất nhiều những người thân của các tử tội đã đau đớn, vật vã ngất lịm sau khi tòa tuyên án nhưng hiếm có người nào tỏ ra hung hãn, ích kỷ và vô trách nhiệm như mẹ và chị bị cáo Trúc. 

Chí ít, qua 2 ngày xét xử họ cũng phải thấy được tội ác mà con em mình đã gây ra và ý thức về sự trừng phạt của luật pháp, sự hối hận và tự trách mình đã không nuôi dạy con em chu đáo để ra nông nỗi này…

Ngược lại, họ đổ lỗi: “Một lũ nhà giàu hùa nhau đẩy thằng Trúc bị tử hình, ai kêu đeo hột xoàn, đi xe tay ga chi cho nó chém”. Đó là sự hằn học, đố kỵ vô lý đã dung dưỡng mầm mống tội ác. Nói cách khác là chính gia đình Hồ Duy Trúc đã góp phần “đẩy thằng Trúc bị tử hình“. Tội ác và sự trừng phạt - đó là 2 mặt của một vấn đề mà người nhà của bị cáo Trúc phải nhận thức để không còn manh nha ý thức trả thù người bị hại và các thành viên HĐXX như đã đe dọa tại hội trường xét xử vừa qua.

Theo Mai Lê/ Một Thế Giới