Xứng đáng ngồi chủ chốt Hội đồng Giáo sư, sao không công khai lý lịch khoa học?

22/02/2020 06:25
Đỗ Thơm
(GDVN) - "Đã là khoa học thì phải minh bạch, huống hồ đó là vị trí chủ chốt trong Hội đồng Giáo sư nhà nước", Giáo sư Phạm Gia Khải nói.

Theo dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của các cấp hội đồng giáo sư bản mới nhất nêu rõ, danh sách ủy viên Hội đồng Giáo sư nhà nước kèm theo lý lịch khoa học của các ủy viên được công bố công khai, cập nhật thường xuyên trên Trang thông tin điện tử của Hội đồng Giáo sư nhà nước.

Như vậy, các thành viên còn lại của Hội đồng Giáo sư nhà nước như Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước…sẽ không phải công khai lý lịch khoa học.

Giáo sư Phạm Gia Khải. Ảnh: VOV
Giáo sư Phạm Gia Khải. Ảnh: VOV

Trước điểm mới này của dự thảo, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Gia Khải – một trong những giáo sư đầu ngành lĩnh vực y tế cho rằng, nếu không công khai tất cả thành viên mà chỉ công khai lý lịch khoa học của của ủy viên Hội đồng Giáo sư nhà nước là một bước thụt lùi về tính minh bạch và khách quan công bằng trong chính đội ngũ xét duyệt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư.

“Đã công khai lý lịch khoa học của các ủy viên Hội đồng Giáo sư nhà nước thì phải công khai hết tất cả các thành viên.

Đặc biệt, nếu theo dự thảo thì các thành viên không công khai đều là các vị chủ chốt như Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước, đó là không được.

Các vị trí chủ chốt thì càng phải công khai lý lịch khoa học để những người do họ xét duyệt tâm phục, khẩu phục nếu đủ tiêu chuẩn hoặc bị loại”, Giáo sư Khải nêu quan điểm.

Giáo sư Khải đặt câu hỏi, lý do gì mà lại không công khai những người này.

“Nếu xứng đáng thì tội gì không công khai. Không có lý do gì là cấm kỵ ở đây cả.

Các vị làm khoa học bao giờ, công trình thế nào?. Trình độ ngoại ngữ ra sao? Không công khai là không được.

Thực tế tôi cũng tham gia vào hội đồng giáo sư nhiều năm thì nhận thấy, có vị có bằng cấp ngoại ngữ thật nhưng trình độ thực thì kém, kém cả ứng viên.

Đã là khoa học thì phải minh bạch, huống hồ đó là các vị trí chủ chốt trong Hội đồng Giáo sư nhà nước, những người có vai trò "cầm cân nảy mực" trong xét phong giáo sư, phó giáo sư”, Giáo sư Phạm Gia Khải nhấn mạnh.

Vì sao có thành viên Hội đồng Giáo sư không phải công khai lý lịch khoa học?
Vì sao có thành viên Hội đồng Giáo sư không phải công khai lý lịch khoa học?

Theo tìm hiểu của phóng viên, một trong những tiêu chuẩn cơ bản của thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước, Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư cơ sở tại Quyết định 37/2018/QĐ-TTg nêu rõ, thành viên phải “Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, lý lịch rõ ràng; Trung thực, có uy tín chuyên môn khoa học cao, có kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín hoặc xuất bản ở nhà xuất bản có uy tín trong 05 năm liền kề với thời điểm được bổ nhiệm thành viên Hội đồng….”, vì thế rõ ràng cần phải công khai lý lịch khoa học của tất cả các thành viên.

Được biết, lý lịch khoa học của các thành viên Hội đồng giáo sư bao gồm kê khai thông tin cá nhân; trình độ học vấn (quá trình đào tạo Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Tiến sĩ khoa học, năm tốt nghiệp, bậc đào tạo, chuyên ngành, cơ sở đào tạo; trình độ ngoại ngữ (trình độ nghe, nói, đọc, viết); nghiên cứu khoa học ( sách chuyên khảo, sách giáo trình, tên sách, mức độ tham gia, mã số chuẩn quốc tế ISBN (nếu có)) ...

Đỗ Thơm