Chiều 27/11 Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về “tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa 13 về hoạt động chuyên đề, hoạt động chất vấn”, Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Dư luận nói chung tỏ ra phấn khởi vì môn Lịch sử đã “được giữ lại” còn người viết thì lại không hoàn toàn nghĩ như vậy.
Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã giải tỏa phần nào bức xúc của người dân, của các nhà khoa học và thầy cô giáo bộ môn Lịch sử song lại không rõ ràng là “giữ” môn Lịch sử như thế nào?
Giữ lại với tư cách là môn học độc lập giống như Toán học và Ngữ văn hay giữ lại với ý nghĩa là môn học cần phải được giảng dạy?
Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới (Ảnh: trung tâm báo chí quốc hội) |
Nếu “giữ” Lịch sử theo hướng là môn học cần được giảng dạy thì rõ ràng Bộ GD&ĐT không hề có ý định bỏ môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mà chỉ “tích hợp” Lịch sử với các môn khác.
Và điều này có nghĩa là lãnh đạo ngành Giáo dục “đã tuân thủ” đầy đủ nghị quyết của Quốc hội từ trước khi Nghị quyết được ban hành. Điều này sẽ khuyến khích lãnh đạo Bộ GD&ĐT “yên tâm” tích hợp môn Lịch sử vì không làm trái nghị quyết của Quốc hội.
Vấn đề ở đây không phải là “chơi chữ” mà có điều gì đó như một sự “thỏa hiệp” giữa bên phản đối và bên ủng hộ “tích hợp” môn Lịch sử.
Thiết nghĩ cần có một sự giải thích rõ ràng từ phía Quốc hội về việc cần thiết phải giữ Lịch sử như một môn học bắt buộc, không tích hợp với môn khác hay chỉ nên tích hợp ở khối tiểu học, còn THCS và THPT thì để là môn độc lập, bắt buộc?
Dù thế nào thì khi Quốc hội đã phải đưa môn Lịch sử vào nghị quyết cũng cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của môn học này trong việc giáo dục thế hệ trẻ.
Chủ tịch nước: Lịch sử là cội nguồn của sức sống, là sự trường tồn của dân tộc(GDVN) - Sứ mạng của khoa học lịch sử vì vậy là hết sức nặng nề, nhưng cũng hết sức vẻ vang. Với ý nghĩa đó Chủ tịch nước luôn đánh giá cao vai trò của lịch sử. |
Vấn đề là vì sao những người lãnh đạo ngành Giáo dục không nhận thấy điều này sớm hơn, ngay từ khi các nhà khoa học, các thầy cô giáo và dư luận xã hội đã góp ý, đã phân tích, đã cảnh báo?
Năm nay, phiên trả lời chất vấn của các bộ trưởng trước Quốc hội được dư luận đánh giá là “nhiều Bộ trưởng trả lời như học sinh tiểu học”.
Minh chứng cho sự “tiểu học” ấy có thể dẫn giải một số ý kiến tại diễn đàn Quốc hội mà báo chí đăng tải, chẳng hạn sự “cố chấp” trong lời giải trình của người đứng đầu ngành Giáo dục trước Quốc hội về “tích hợp” môn Lịch sử.
Sự “vui vẻ” trong câu trả lời chất vấn của Bộ trưởng Văn hóa-Thể thao-Du lịch. Sự “lan man” trong diễn giải của Bộ trưởng Nội vụ khiến “Chủ tịch Quốc hội truy gắt Bộ trưởng Nội vụ về cấp hàm”. [1] Sự “vòng vo” trong trả lời của Bộ trưởng Xây dựng,… [2] và một số lĩnh vực khác.
Tình trạng “chất lượng trả lời chất vấn ngày càng đi xuống” kéo dài năm này qua năm khác liệu có phải do không ít vị Bộ trưởng chỉ quen đọc giấy, không quen “nói vo” hay còn cho thấy “chuẩn tiểu học” không phải là do dư luận ghét bỏ mà là một thực tế dễ nhận, dễ thấy (2).
Có lẽ người dân còn phải kiên nhẫn chờ đợi, phải cho cơ quan chức năng thêm nhiều thời gian để “phát hiện, bồi dưỡng” nhân tài… cấp bộ!
Trở lại vấn đề “tích hợp” môn Lịch sử và hoạt động của lãnh đạo ngành Giáo dục, từng có ý kiến cho rằng báo chí phản biện “hơi mạnh” về chỉ đạo điều hành của cá nhân một số lãnh đạo bộ?
Có nên trao đổi thẳng thắn với nhau, rằng sự “phản biện hơi mạnh” ấy đúng hay sai? Vì mục đích câu kéo độc giả hay vì mục đích giúp cho những người hoạch định chính sách nhận rõ bất cập trong cung cách quản lý, điều hành của mình?
Ngoài Giáo dục, không có ngành thứ hai nào khác được xác định là “quốc sách hàng đầu” trong các văn kiện của Đảng, được thừa nhận trong Hiến pháp.
Một lĩnh vực mà Đảng, Quốc hội, Nhà nước xác định là “quốc sách hàng đầu” thì đương nhiên cũng cần người lãnh đạo, cả về tâm thế lẫn trình độ phải “hàng đầu”, nghĩa là nếu không vượt trội thì cũng không thể thấp hơn lãnh đạo các ngành khác?
Quốc hội đã có quyết định hợp lòng dân(GDVN) - Quốc hội đã lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, nhân dân, các cực chiến binh và đã nhận thấy những bất cập của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể". |
Việc bố trí nội dung, thời lượng, vị trí một môn học trong chương trình phổ thông, nói là nhỏ thì không phải nhỏ nhưng nói là lớn thì cũng không hẳn là lớn, nói là bình thường thì có lẽ hợp lý nhưng tại sao cả xã hội “sôi sục” như vậy?
Đơn giản vì nó gắn với Lịch sử dân tộc mà việc giảng dạy môn học Lịch sử trong trường phổ thông chỉ là một phần nhỏ trong đó.
Đơn giản vì nó động chạm đến lòng yêu nước, ý chí quật cường của người Việt trong dựng nước và giữ nước suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm.
Đơn giản vì những kẻ xâm lược, bành trướng đến từ đông hay tây, đến từ bắc hay nam đều mong muốn xóa bỏ lịch sử dân tộc Việt, đều muốn người Việt công nhận rằng tổ tiên của mình là nòi giống Gô Loa hay là con cháu Khổng Tử.
Đơn giản là như thế nên người dân nhận thấy rõ ràng, nhà giáo nhận thấy rõ ràng, truyền thông nhận thấy rõ ràng, chỉ có một vài người lãnh đạo ngành Giáo dục, một số ít nhà khoa học thuộc lĩnh vực tự nhiên là chưa thấy rõ ràng.
Một lĩnh vực quan trọng được xác định là quốc sách hàng đầu, được Đảng và chính quyền quan tâm như thế, được dư luận xã hội theo sát như thế, được truyền thông “phản biện hơi mạnh” như thế lẽ ra phải có nhiều biến chuyển mới đúng, sao lại phải để Quốc hội lên tiếng?
Về chỉ đạo điều hành của Bộ, không thiếu bài báo trên Nhandan.com; Anninhthudo.vn; Vietnamplus.vn, Vietnamnet.vn; Giaoduc.net.vn… đề cập đến thực trạng đội ngũ giảng viên các ĐH ngoài công lập.
Nhiều bài báo cho thấy có trường cả ban giám hiệu đều dùng bằng “lệch chuẩn”, trường dùng danh sách giảng viên “ma” đệ trình nhưng vẫn được Vụ GDĐH-Bộ GD&ĐT chấp nhận cho phép mở ngành, thậm chí là đào tạo trình độ thạc sĩ.
Vào lúc “chiều dần buông màu tím” cho phép mở ngành theo cơ chế “xin cho” phải chăng cũng là mảnh đất màu mỡ để người ta sẽ có, sẽ được “vẳng bên tai lời nói tâm tình”?
Tâm lý “tiểu nông” trong giáo dục đã được đề cập nhiều, sự phổ cập “tiểu học” cũng đã được cảnh báo. Liệu có nên nói thêm rằng cả hai cái sự “tiểu” đó chỉ là hậu quả “tiểu” thứ ba, “tiểu” thứ tư mà chúng ta có thể đặt tên là “tiểu quý tử” và “tiểu trí”?
Chuyện “tiểu quý tử” thì khỏi bàn, chỉ cần lướt qua mấy bài báo về chuyện “cả họ làm quan, Tổng công ty gia đình” như ở Mỹ Đức - Hà Nội, Công ty môi trường Đà Nẵng hay ở Tổng công ty Bảo hiểm an toàn hàng hải miền Nam là sẽ rõ.
Đồ thị đời người với điểm xuất phát là “tiểu quý tử”, được trang bị trình độ “tiểu học” trong môi trường giáo dục “tiểu nông” tất yếu sẽ hình thành nhóm người “tiểu trí”, liệu đó có phải là “hồng phúc” của dân tộc?
Để “đổi mới toàn diện giáo dục” thì không thể bảo thủ, không thể “mũ ni che tai” trước những lập luận xác đáng của dư luận xã hội. Tuy nhiên muốn “đổi mới toàn diện giáo dục” thì không thể không “đổi mới toàn diện xã hội” mà trước hết là đổi mới đội ngũ những người hoạch định chính sách.
Nếu giáo dục không phải là nơi đào tạo nên những cá nhân “đại trí, đại dũng” thì chẳng lẽ “quốc sách hàng đầu” phải dành cho “trường đời”?
Tài liệu tham khảo:
[2] http://www.tamguong.vn/nong/Chu-tich-Quoc-hoi-truy-gat-Bo-truong-Noi-vu-ve-cap-ham-711303.html