Cần làm rõ cụm từ “giữ môn học Lịch sử”
Hôm 27/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về hoạt động giám sát chuyên đề, trong đó yêu cầu "tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới".
Liên quan tới vấn đề này, hôm 29/11, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia sử học đầu ngành cho rằng, việc "tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới” là chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Quốc hội.
“Nếu việc giữ lại môn Lịch sử được đưa vào nghị quyết của Quốc hội, thì mặc nhiên cả Chính phủ chứ không phải riêng gì Bộ Giáo dục & Đào tạo phải thực hiện nghị quyết này. Tuy nhiên, việc giữ lại môn Lịch sử mới chỉ làm rõ được khía cạnh, không cho phép xóa bỏ môn môn học này.
Tuy nhiên, chúng tôi băn khăn, giữ lại môn học này theo nghĩa như thế nào? Có bắt buộc học bộ môn này hay không? vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng. Chúng ta hãy chờ phản ứng của Bộ Giáo dục & Đào tạo xung quanh vấn đề này”, GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam băn khoăn.
GS. Phan Huy Lê (ảnh: Vnexpress.net). |
Cũng theo GS. Phan Huy Lê: “Giới sử học chúng tôi coi việc giữ được môn Lịch sử là thắng lợi bước đầu trong cuộc đấu tranh nhằm khẳng định tầm quan trọng, vị trí của môn Lịch sử trong hệ thống giáo dục, đời sống xã hội.
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết thêm: "Chúng tôi sẽ tiếp tục “chiến đấu” đến cùng, để môn Lịch sử không chỉ có mặt trong trương trình giáo dục, mà phải là môn cơ bản, bắt buộc.
Ở cấp THPT, môn Lịch sử không thể là môn tích hợp bởi nhu cầu về nhận thức của học sinh cấp học này không đơn thuần là học Lịch sử để biết, mà học để nắm chắc, vận dụng kiến thức lịch sử vào thực tế cuộc sống".
PGS. Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng cho rằng, nếu nói “giữ lại môn Lịch sử” thì rất mơ hồ, chưa làm rõ được vị trí, chỗ đứng của môn học này trong chương trình giáo dục đổi mới.
Vấn đề môn Lịch sử sẽ là môn độc lập hay tích hợp vẫn
Dự thảo chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục & Đào tạo nhận được sự quan tâm đặc biệt ở bộ môn Lịch sử. Theo đó, ở tiểu học, Lịch sử được tích hợp trong bộ môn Khoa học xã hội theo dạng bắt buộc, cấp THPT, môn học này được phân hóa trở lại trong các môn tự chọn. Cấp THPT sẽ chỉ còn 4 môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Toán, Công dân với Tổ quốc (tích hợp từ ba phân môn Giáo dục đạo đức, Lịch sử, Giáo dục quốc phòng an ninh). |
chưa được làm rõ trong nghị quyết của Quốc hội. Trường hợp nếu nghị quyết nói môn Lịch sử là môn học độc lập thì cũng chưa chắc môn học này đã trở thanh môn học bắt buộc.
Mặt khác, việc tích hợp hay không tích hợp môn Lịch sử là vấn đề cần được bàn thảo rất kỹ, chứ không thể quyết định được trong một sớm một chiều.
Bởi lẽ, đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện tích hợp (theo dự thảo) môn Lịch sử. Thế nhưng, những người viết sách chưa ai viết tích hợp bao giờ.
Mặt khác, từ trước tới nay, giáo viên cũng chưa bao giờ được đào tạo giảng dạy theo kiểu tích hợp.
Tại sao Bộ Giáo dục & Đào tạo thấy khó khăn như vậy mà lại làm ngay bây giờ? Trong khi đó, đơn vị có trách nhiệm vẫn chưa tiến hành thực nghiệm trên thực tế việc dạy, học theo kiểu tích hợp này. Bộ đưa ra quan điểm về tích hợp như vậy có quá sớm?”, PGS. Văn Như Cương nhận định.
Về quan điểm chung về Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục & Đào tạo, PGS. Văn Như Cương cho rằng, đây là chủ trương phù hợp, đúng đắn.
“Tôi đồng ý với Bộ Giáo dục & Đào tạo về quan điểm đổi mới này.
Ví dụ, trường hợp học sinh chuyên về Khoa học xã hội thì môn tự nhiên như Vật lý sẽ học nhẹ hơn. Nhưng học sinh chuyên về Khoa học tự nhiên thì học môn Vật lý nặng hơn.
Cách học này sẽ giúp chúng ta phân hóa học sinh ở cấp THPT nhằm định hướng nghề nghiệp cho các em.
Nếu không thực hiện điều này, thì học sinh sẽ phải học nặng các môn như nhau, như vậy không còn gọi là phân hóa nữa”, PGS. Văn Như Cương nhận định.
Thay đổi căn bản cách dạy, học lịch sử…
Các chuyên gia sử học cho rằng nhiều học sinh quay lưng lại với môn Lịch sử có trách nhiệm từ Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Mặt khác, để năng cao chất lương giáo dục bộ môn này trong trường hợp môn Lịch sử này đứng độc lập, bắt buộc, cần thay đổi căn bản về tư duy, cách dạy, học lịch sử hiện nay...
“Tôi rất buồn vì một số lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo cho rằng, tình trạng học sinh xa dần môn học này là do Lịch sử đứng độc lập như các môn khác, rồi từ đó đưa ra phương án tích hợp để chấm dứt tình trạng này. Tuy nhiên đây là sự ngụy biện, sai lầm và lẩn tránh trách nhiệm của đơn vị chủ quản.
Trong khi đó, chúng tôi từng cảnh báo về cách giảng dạy, cách học môn lịch sử cách đây 20 năm về trước. Có lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phải đưa ra “báo động đỏ” về tình trạng học sinh xa dần môn Lịch sử.
Tuy nhiên, đến nay Bộ Giáo dục & Đào tạo vẫn chưa có động thái để thay đổi. Do đó, để môn Lịch sử sa sút như hiện nay, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Bộ Giáo dục & Đào tạo”, GS Phan Huy Lê nhận định.
Từ những phân tích trên, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, cần thiết phải làm một cuộc “cách mạng” nhằm thay đổi toàn bộ hệ thống giáo dục chứ không riêng gì môn Lịch sử.
“Để nâng cao chất lượng dạy học nói chung, giảng dạy môn Lịch sử nói riêng, cần thiết phải thay đổi căn bản toàn bộ hệ thống giáo dục hiện nay. Thay đổi nhận thức, trương trình, sách giáo khoa, cách dạy, cách học, chúng ta mới mong có sự thay đổi.
PGS. Văn Như Cương (ảnh GDVN) |
Đồng quan điểm trên PGS. Văn Như Cương phân tích thêm: “Dạy học bộ môn Lịch sử không chỉ đơn thuần truyền đạt những con số thuần túy về số liệu (bắt được bao nhiêu giặc, bắn rơi bao nhiêu máy bay…), càng không nên coi đây là một môn chính trị. Nếu quan điểm, cách dạy và học như vậy thì rất khô khan.
Vấn đề nằm ở chỗ, học sinh học được những gì, vận dụng như thế nào từ những kiến thức lịch sử đó".
PGS. Văn Như Cương cho rằng, để học sinh không quay lưng với môn Lịch sử, trước mắt, cần thay đổi căn bản cách giảng dạy, học tập môn Lịch sử.
"Tôi lấy ví dụ, học lịch sử cổ đại, người dạy có thể lồng ghép các câu chuyện lịch sử liên quan tới bài học đó, nhằm tạo ra sự hứng thú cho học sinh.
Hoặc khi tường thuật chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, chúng ta có thể dùng hình ảnh tư liệu trực quan, clip mô tả diễn biến...
Cách dạy như vậy sẽ tạo ra sự hứng thú cho học sinh. Chuyện này chúng ta có thể làm được, nhưng thực tế rất thì lại bị xem nhẹ” PGS. Văn Như Cương nêu quan điểm.