Sáng ngày 24/2, đoàn công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng lãnh đạo một số bộ ngành đã đến thăm và làm việc tại Đại học Đà Nẵng.
Chấm dứt quy hoạch “treo” 20 năm đối với làng đại học
Thủ tướng đã dần đầu đoàn công tác đến kiểm tra hiện trường dự án làng đại học Đà Nẵng (nằm giữa ranh giới hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng). Đây là dự án treo suốt 20 năm qua, gây nhiều bức xúc trong nhân dân, dư luận.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các Trường đại học. Ảnh: An Nguyên |
Theo thiết kế, dự án này có tổng diện tích gần 300 ha nhưng đến nay vẫn còn hàng chục ha bị vướng đền bù, giải tỏa.
Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện hai tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng cần hơn 1.650 tỷ đồng để giải tỏa mặt bằng, khởi động lại dự án này.
Ông đề nghị Trung ương hỗ trợ và địa phương cũng sẽ quyết tâm, xem xét, tính toán kinh phí hợp lý để triển khai.
“Tự chủ đại học không phải để tăng học phí” |
Ông Thơ cũng đề xuất dành một phần đất thương mại cho Đại học Đà Nẵng khai thác sử dụng. Mục đích nhằm tạo thêm nguồn thu khi thực hiện cơ chế tự chủ vào năm 2018.
Sau khi lắng nghe đại diện chính quyền địa phương, các Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ tài chính... trình bày về những vướng mắc đối với dự án làng đại học Đà Nẵng.
Thủ tướng cho rằng, cần phải quy hoạch nơi đây thành một khu đô thị đại học tầm cỡ, quy mô ở khu vực.
“Sớm chấm dứt quy hoạch treo 20 năm đối với làng đại học Đà Nẵng. Chính phủ đồng ý đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn đối với dự án làng đại học Đà Nẵng.
Trong đó, dành kinh phí tập trung đền bù giải tỏa. Hình thành nên hình hài của một khu đô thị đại học Đà Nẵng” Thủ tướng yêu cầu.
Nâng cao tự chủ đại học
Khi đến thăm Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Thủ tướng đặt vấn đề: “Nếu trao cho trường quyền tự chủ đại học một cách toàn diện thì Trường sẽ như thế nào?”.
Ông Lê Kim Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, xu thế tự chủ đại học là tất yếu và nhà trường sẽ thực hiện cơ chế này vào năm 2018.
Trường được giao cơ chế tự chủ nhưng Luật còn vướng như “mạng nhện” |
Tuy nhiên, ông Hùng cũng băn khoăn khi thực hiện tự chủ đối với các ngành khối kỹ thuật thì kinh phí để mua sắm trang thiết bị, vật chất rất tốn kém.
Trước băn khoăn này, Thủ tướng nói: “Tự chủ đại học không phải là cắt giảm hết nguồn ngân sách, các trường không nên lo lắng về vấn đề này”.
Làm việc với lãnh đạo Đại học Đà Nẵng, Thủ tướng cũng đã lắng nghe những khó khăn, vướng mắc cũng như kiến nghị của Trường.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng đồng ý với việc thành lập một số Trường đại học mới như: Đại học Việt – Anh, Đại học Sư phạm kỹ thuật... (trực thuộc Đại học Đà Nẵng).
Tuy nhiên, các Trường này cũng phải thực hiện cơ chế tự chủ đại học để có cơ hội bứt phá, phát triển.
Góp ý để phát triển nhà trường, Thủ tướng đề xuất, Đại học Đà Nẵng phải đi đầu trong đổi mới, sáng tạo.
Phấn đấu trở thành môi trường đào tạo tiên tiến, đẳng cấp, lọt vào tốp 50 trường đại học hàng đầu của Châu Á vào năm 2035.
Dựa trên những kết quả nghiên cứu khoa học, áp dụng vào thực tiễn để giải các vấn đề kinh tế- xã hội mà khu vực, đất nước đang gặp phải.
“Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước, giáo dục và đào tạo Việt Nam đã có sự chuyển mình, đã có lối ra.
Đặc biệt qua tìm hiểu thực tiễn, hợp tác và nghiên cứu quốc tế như hội nghị về nâng cao chất lượng đào tạo đại học tại Đà Nẵng vừa qua thì thì cách làm đã dần dần vào quỹ đạo. Phát triển theo hướng tự chủ, tự trị đại học” Thủ tướng nói.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị Đại học Đà Nẵng nên xung phong đi đầu trong lĩnh vực tự chủ, tự trị đại học nhằm góp phần vào sự chuyển mình của nền giáo dục nước nhà.
Trong đó, không chỉ riêng Đại học Đà Nẵng tự chủ mà các trường thành viên cũng thực hiện các bước tự chủ, tự trị.
Bên cạnh những ưu điểm thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ ra một số khuyết điểm mà Đại học Đà Nẵng cần phải thay đổi.
Cụ thể như Trường chưa có nhiều công trình nghiên cứu khoa học lớn, có giá trị lớn gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Hiệu quả xã hội mang lại từ các nghiên cứu còn ít, hệ thống cơ sở vật chất còn rải rác manh mún, kể cả trường lớp thư viện, chậm được hoàn thiện hiện đại.