Tin bão khẩn cấp và các chỉ đạo ứng phó với bão số 9

19/12/2021 09:21
Theo baochinhphu.vn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vị trí tâm bão số 9 (bão RAI)lúc 07 giờ ngày 19/12 ở vào khoảng 13.0N; 111.4oE, cách Bình Định khoảng 245km, cách Khánh Hòa khoảng 260km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất cấp 14-15 (150-185km/h), giật trên cấp 17. Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 15-20km/h.

Do ảnh hưởng của rìa phía Tây Bắc bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, trạm khí tượng tại đảo Lý Sơn đã quan trắc được gió mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Dự báo vị trí và đường đi của bão số 9. Ảnh NCHMF

Dự báo vị trí và đường đi của bão số 9. Ảnh NCHMF

Hồi 07 giờ ngày 19/12, vị trí tâm bão ở khoảng 13,0 độ Vĩ Bắc; 111,4 độ Kinh Đông, cách Bình Định - Phú Yên khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-185km/giờ), giật trên cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 07 giờ ngày 20/12, vị trí tâm bão ở khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc; 111,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 16.

Vùng nguy hiểm trên biển, ven biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 10,5 đến 18,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 114,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản, đê, kè biển trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 07 giờ ngày 21/12, vị trí tâm bão ở khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 113,4 độ Kinh Đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 260km về phía Nam Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 đến 48 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 14,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 108,0 đến 116,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Đông Đông Bắc, mỗi giờ đi 10-15km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 07 giờ ngày 22/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 260km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Đông, mỗi giờ đi được 10-15km, suy yếu thành một vùng áp thấp.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai:

- Vùng biển phía Tây khu vực Giữa Biển Đông: cấp 4

- Ở vùng biển ven bờ từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên: cấp 3

Cảnh báo gió mạnh và sóng lớn trên biển: Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh, ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10; ở khu vực Giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 8-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-15, giật trên cấp 17; sóng biển cao từ 9,0-11,0m; biển động dữ dội.

Vùng biển ngoài khơi Thừa Thiên Huế - Phú Yên có gió mạnh cấp 7-8, sau tăng lên cấp 9-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 14; sóng biển cao từ 6,0-8,0m; biển động dữ dội; ở vùng biển ven bờ (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 13; sóng biển cao từ 2,0-5,0m; biển động dữ dội.

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Trong hôm nay và ngày mai 20/12, trên đất liền ven biển các tỉnh/thành phố Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, có gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 7; ven biển các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8.

Cảnh báo mưa lớn: Ngày và đêm nay (19/12), ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên sẽ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 150mm. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Bão số 9 chưa suy yếu nhanh như dự báo

Tối 18/12, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) tiếp tục tổ chức họp trực tuyến thảo luận về công tác dự báo bão số 9. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ông Lê Công Thành tham dự và chỉ đạo tại cuộc họp.

Nhận định về bão số 9, ông Lê Thanh Hải, Tổng thư ký Hội KTTV Việt Nam cho rằng, trong ba giờ qua bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc và lệch dần lên phía Bắc, mưa sẽ giảm dần, tập trung chủ yếu trong đêm 18 và ngày 19/12. Cường độ bão vẫn duy trì đạt cấp 13 -14 trong đêm 18/12 và suy yếu bắt đầu từ sáng 19/12 khi di chuyển dịch dần lên phía Bắc. Vùng biển ngoài khơi Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi tiếp tục có gió mạnh cấp 11 - 12 trong đêm 18 và ngày 19/12 sau đó gió sẽ giảm dần.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường nhất trí về các phân tích xu thế, diễn biến của cơn bão. Tuy nhiên, cần lưu ý cường độ cơn bão vẫn chưa suy giảm theo dự báo trước đó, vì vậy, cần xem xét kỹ mức độ ảnh hưởng đến đất liền của bão số 9.

Qua phân tích kỹ lưỡng của các dự báo viên, sự cố gắng của cả hệ thống dự báo trong những ngày qua đã được minh chứng bằng kết quả dự báo tương đối sát với tình hình, diễn biến thực tế của cơn bão. Từ những thông tin dự báo kịp thời toàn bộ hệ thống từ trung ương đến các địa phương đã chủ động triển khai các phương án chuẩn bị ứng phó với cơn bão.

Tuy nhiên, về những tình hình tiếp theo Thứ trưởng Lê Công Thành yêu cầu các đơn vị chức năng cần tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến khó lường của cơn bão.

Đây là cơn bão hiếm gặp trong 30 năm qua với cường độ mạnh cấp 14, giật cấp 17, cơn bão đi vào vĩ tuyến thấp, tiếp tục duy trì cường độ mạnh, vì vậy, các đơn vị chuyên môn cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích các yếu tố động lực, nhiệt lực tác động đến cơn bão để có những dự báo tiếp theo sát với tình hình thực tế.

Cơn bão vẫn có khả năng chưa suy yếu nhanh như dự báo, vì vậy cần tham khảo thêm thông tin từ các trung tâm dự báo trên thế giới về tính bất thường của bão số 9, nghiên cứu thêm các kịch bản có thể xảy ra. Theo dõi sát sao lượng mưa, cung cấp thông tin cho các hồ chứa nước, hồ thủy điện tại khu vực miền Trung có phương án tích trữ nước phù hợp.

Bão số 9 là một cơn bão rất mạnh vì vậy, các Đài KTTV khu vực chịu ảnh hưởng của cơn bão cần chủ động theo dõi sát sao diễn biến của bão số 9, cập nhật kịp thời thông tin đến các đơn vị chức năng tại địa phương để điều chỉnh phương án ứng phó kịp thời.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn trên biển và trên đất liền khi có lệnh.Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn trên biển và trên đất liền khi có lệnh.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh

Để chủ động ứng phó hiệu quả với diễn biến của siêu bão RAI, Bộ Tổng Tham mưu vừa có điện khẩn, yêu cầu các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ ứng trực cứu hộ, cứu nạn ở các cấp, chủ động nắm chắc tình hình diễn biến bão; triển khai các biện pháp phòng, chống bảo đảm an toàn cho bộ đội, doanh trại, kho tàng và vũ khí trang bị.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư tại những nơi xung yếu để sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp và ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố, nhất là đối với các đơn vị đóng quân trong khu vực ảnh hưởng của bão.

Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo lực lượng biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển có khả năng ảnh hưởng bão phối hợp với chính quyền địa phương và chủ tàu tiếp tục rà soát, nắm rõ tất cả các phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển và các hoạt động trên biển;

Tổ chức theo dõi sát diễn biến của bão, thông tin, hướng dẫn cho các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng của bão thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.

Quân chủng Hải quân, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện đang làm nhiệm vụ trên biển, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn trên biển khi có lệnh.

Quân chủng Phòng không - Không quân, Binh đoàn 18 sẵn sàng lực lượng, phương tiện bay cứu hộ, cứu nạn trên biển và trên đất liền khi có lệnh.

Công điện yêu cầu Bộ Tư lệnh Quân khu 3, 4, 5, 7 tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với các đơn vị đứng chân trên địa bàn tăng cường cập nhật diễn biến mới của bão;

Tham mưu, phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát, chuẩn bị phương án để chủ động ứng phó với các tình huống; triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”;

Sẵn sàng điều động lực lượng, phương tiện kịp thời sơ tán nhân dân ứng phó, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả do bão gây ra, không để bị động, bất ngờ.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ chú ý thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và bảo đảm an toàn cho lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ.

Các cơ quan, đơn vị khác theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thuộc quyền làm tốt công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão, chuẩn bị bảo đảm tốt hậu cần, kỹ thuật phục vụ hoạt động ứng phó thiên tai.

Theo baochinhphu.vn