Tư vấn tuyển sinh 2012: 2.500 học sinh Khánh Hòa dự tư vấn tuyển sinh

19/03/2012 16:15
Theo Tuổi trẻ
7g sáng ngày 18-3, 2.500 học sinh Khánh Hòa đã về Đại học Nha Trang dự tư vấn tuyển sinh 2012.

Ngay từ 6g30 sáng, những con đường đổ về ĐH Nha Trang, nhiều học sinh đã nô nức rủ nhau đi nghe tư vấn. Thời tiết tại Nha Trang buổi sáng mát mẻ, gió và nắng nhẹ tạo điều kiện thuận lợi cho chương trình diễn ra. Tại sân khấu ngoài trời, có thể nhận thấy có sự tham gia của học sinh các trường như THPT Hà Huy Tập, Nguyễn Thiện Thuật, Lê Quý Đôn, Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Văn Trỗi, Chu Văn An, Hermann Greiner, Dân tộc nội trú tỉnh, Hoàng Văn Thụ, Trung tâm giáo dục thường xuyên Nha Trang...

Vừa đến buổi tư vấn, các bạn được phát Cẩm nang tuyển sinh điện tử 2012 cùng nhiều thông tin khác cho kỳ thi. Nhiều bạn đã háo hức xem những thông tin mới về tuyển sinh, nhiều bạn đã thử trắc nghiệm ngành nghề ngay. Một học sinh háo hức hỏi khu vực tư vấn chuyên sâu của chương trình để hỏi về ngành khoa học xã hội.

Đến 7g30, học trò đã phủ kín sân khấu ngoài trời của Trường ĐH Nha Trang. Thành phần ban tư vấn cũng đã có mặt và sẵn sàng cho chương trình.

Trường ĐH Nha Trang, đơn vị chủ nhà đã tiếp đón học trò đến trường mình với những tiết mục đặc sắc như Tìm về nơi trú mưa, nhảy hiện đại...

Phát biểu tại lễ tai khạc, nhà báo Bùi Thanh nói: “Những chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm nay được tổ chức tại các cơ sở đào tạo của các trường ĐH lớn tại nhiều địa phương. Chúng tôi xin cám ơn sự phối hợp của Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn và Trường ĐH Nha Trang đã cùng với chúng tôi tổ chức chương trình này.

Các bạn học sinh thân mến, chúng ta đang bước vào giai đoạn hoàn thành hồ sơ đăng ký dự thi, đây là cơ hội của các bạn học sinh để đưa ra những quyết định cuối cùng. Chúng tôi đã gởi cho các bạn học sinh Cẩm nang tuyển sinh điện tử 2012 gồm nhiều thông tin quan trọng như điểm chuẩn, tỷ lệ chọi, thông tin tuyển sinh, ngành nghề...

Hôm nay, các thầy cô sẽ giúp các bạn giải tỏa những thắc mắc để lựa chọn ngành thi, trường thi để an tâm điền vào hồ sơ đăng ký dự thi của mình. Chúc các bạn học sinh một mùa thi thành công”.

Phát biểu tại buổi khai mạc, anh Nguyễn Văn Nhuận, phó bí thư Tỉnh đoàn Khánh Hòa cho biết, nhu cầu của các em học sinh sau khi tốt nghiệp THPT rất mong muốn có được thông tin về tuyển sinh. Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2012 do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn, Trường ĐH Nha Trang và Sở GD-ĐT Khánh Hòa thực hiện năm nay được tổ chức với quy mô lớn nhất.
Đông đảo học sinh Khánh Hòa đến tham dự buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2012 do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại trường ĐH Nha Trang sáng 18-3 - Ảnh: Tiến Thành
Đông đảo học sinh Khánh Hòa đến tham dự buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2012 do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại trường ĐH Nha Trang sáng 18-3 - Ảnh: Tiến Thành
Học sinh nhận thông tin tư vấn tuyển sinh, đĩa CD và báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Tiến Thành
Học sinh nhận thông tin tư vấn tuyển sinh, đĩa CD và báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Tiến Thành
Trao đổi thông tin tuyển sinh với bạn bè trước giờ khai mạc buổi tư vấn - Ảnh: Tiến Thành
Trao đổi thông tin tuyển sinh với bạn bè trước giờ khai mạc buổi tư vấn - Ảnh: Tiến Thành
NỘI DUNG TƯ VẤN:

Mở đầu phần tư vấn, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - cung cấp những thông tin mới nhất về kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012.

Về cơ bản kỳ thi tuyển sinh năm nay vẫn tổ chức theo hình thức ba chung: chung đợt, chung đề và sử dụng chung kết quả để xét tuyển. Vẫn có ba đợt thi: đợt 1 diễn ra ngày 4 và 5-7 cho khối A, A1, V, đợt 2 ngày 9 và 10-7 cho khối B, C, D và các khối năng khiếu, đợt 3 ngày 25 và 16-7 thi CĐ cho tất cả khối. Các môn lý, hóa, sinh và ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian 90 phút.

Các môn còn lại thi tự luận, thời gian 180 phút. Tuy nhiên, năm nay Bộ GD-ĐT bổ sung thêm khối thi A1. Khối thi này sẽ thi vào đợt 1 cùng khối A, V. Các trường tùy điều kiện của mình có thể bổ sung khối A1 chứ không thay đổi các khối thi truyền thống trước đây. Thí sinh không trúng tuyển NV1 nếu có điểm thi từ điểm sàn của Bộ GD-ĐT sẽ được các trường cấp hai giấy chứng nhận kết quả để xét tuyển NV2, 3 vào các trường ĐH-CĐ còn chỉ tiêu. Bộ GD-ĐT không qui định số đợt xét tuyển và thời gian của mỗi đợt xét tuyển.

Các trường tự quyết định thời gian xét tuyển và số đợt xét tuyển của mình. Hạn chót xét tuyển các nguyện vọng là ngày 30-11. Thời gian xét tuyển, qui định xét tuyển của mỗi trường khác nhau nên thí sinh cần hết sức lưu ý để nộp hồ sơ xét tuyển cho phù hợp.

Năm nay các trường sẽ tự quyết định nhận giấy chứng nhận kết quả bản gốc hay bản photo để xét tuyển. Do đó, thí sinh cần theo dõi thông tin xét tuyển của các trường để nộp giấy chứng nhận phù hợp, tránh trường hợp không được xét tuyển.

Đến nay, Bộ GD-ĐT cũng đã quyết định phát hành cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2012 nhưng không bắt buộc thí sinh phải mua quyển này.

Thí sinh không được dùng cuốn sách này của những năm trước đây để đăng ký dự thi vì mã ngành năm nay thay đổi hoàn toàn so với trước đây. Muốn thi vào trường nào, thí sinh phải vào trang web của các trường để xem thông tin mã ngành, mã trường cho chính xác.

Các bạn cũng có thể tham khảo thông tin này trên báo Tuổi Trẻ, Cẩm nang tuyển sinh điện tử của báo Tuổi Trẻ vừa tặng cho các bạn để có được những thông tin này và làm hồ sơ đăng ký dự thi cho chính xác.

Năm nay Bộ GD-ĐT không cho phép các trường áp dụng điều 33 mà sẽ xét tuyển thẳng thí sinh là người dân tộc thiểu số. Nếu đủ điều kiện của trường, thí sinh sẽ được vào học thẳng ngành mình đăng ký, nếu chưa đủ điều kiện các em phải học bồi dưỡng kiến thức trong một năm trước khi vào học chính thức. Học sinh đọat giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia được tuyển thẳng vào ĐH-CĐ. Học sinh đoạt giải nhất, nhì, ba được tuyển thẳng vào ĐH, đạt giải khuyến khích được tuyển thẳng vào CĐ.

Nếu học sinh đoạt giải học sinh giỏi nhưng không sử dụng quyền tuyển thẳng mà dự thi thì làm hồ sơ và dự thi bình thường như những thí sinh khác.

* Em phân vân là đã chọn được ngành nhưng chưa chọn được trường, không biết nên chọn trường “tên tuổi” hay là trường vừa vừa?

- TS Lê Thị Thanh Mai: Thời điểm này, hầu hết các em đã xác định được mình thích ngành nào, khối nào. Cô cung cấp thông tin để các em để kiểm chứng lại nguyện vọng của mình. Nhiều bạn vẫn “không biết thích gì hết” nhưng có em lại nói “em thích làm giám đốc”, “em thích làm du lịch”...

Đây là những ý thích chủ quan của các em, các em xem liệu những điều mình thích có phù hợp với mình không bằng cách trao đổi với cha mẹ, thầy cô giáo giảng dạy cho các em sẽ tư vấn thêm cho các em.
Báo Tuổi Trẻ cũng tặng cho các em phần quà là CD trắc nghiệm về đề thi, ngành nghề. Các em nên tận dụng những thông tin từ đây để xác định ngành, nghề của mình. Sức học của các em liên quan đến khối thi nào thì chọn khối thi phù hợp nhất. Có em vẫn thi hai khối để tăng cơ hội trúng tuyển.

Tuy nhiên, cô vẫn khuyên các em nên tập trung một khối thi duy nhất. Về thông tin của các trường, hiện một ngành có nhiều trường đào tạo, các em nên chọn trường yêu thích, phù hợp sức học và khảo sát thông tin về học phí, xe cộ đi lại, chính sách hỗ trợ của nhà trường dành cho sinh viên, hoàn cảnh gia đình của bản thân...

Nhiều em do hoàn cảnh gia đình ở xa có thể chọn những bậc học như trung cấp, CĐ để ra trường đi làm ngay. Dù trong tình huống nào đi chăng nữa, nếu các em nỗ lực thì Chính phủ và các trường đều có hỗ trợ cho người học để các em có thể đến trường.
Học sinh lắng nghe thầy cô trong ban tư vấn giải đáp - Ảnh: Tiến Thành
Học sinh lắng nghe thầy cô trong ban tư vấn giải đáp - Ảnh: Tiến Thành
Một học sinh đặt câu hỏi với thầy cô trong ban tư vấn nhóm ngành sư phạm - xã hội nhân văn - luật - quân đội - công an - Ảnh: Tiến Thành
Một học sinh đặt câu hỏi với thầy cô trong ban tư vấn nhóm ngành sư phạm - xã hội nhân văn - luật - quân đội - công an - Ảnh: Tiến Thành
* Thí sinh thi tự do phải làm hồ sơ như thế nào, nếu thi ở TP.HCM thì nộp hồ sơ ở đâu?

- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng: Thí sinh đang học phổ thông thì nộp tại trường mình đang học. Thí sinh tự do nộp hồ sơ tại các điểm do Sở GD-ĐT quy định. Các em Khánh Hòa thi tại khu vực TP.HCM.

- Th.S Trần Ngọc Anh: Em có thể nộp tại Sở GD-ĐT, trường học năm trước và điểm nào đó thuận tiện nhất cho các em.

* Cùng một ngành giữa hai trường thì phải làm sao?

- TS Lê Thị Thanh Mai: Em coi điểm chuẩn của ngành đó giữa hai trường và xem mình có cơ hội vào ngành nào. Xem hai trường này về cơ sở vật chất, điều kiện hỗ trợ người học. Trường hợp hai trường đều giống nhau thì nên chọn trường truyền thống vì sẽ tạo sự yên tâm cho các em nhiều hơn.

* Em muốn thi vào ngành quản trị tài chính của Trường ĐH Nông lâm nhưng nhiều người nói cơ hội việc làm ít, có phải như vậy không?

- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng: Đây là chuyên ngành của ngành quản trị kinh doanh. Hiện nay hầu như các trường ĐH đa ngành nào cũng đào tạo các ngành kinh tế. Tuy nhiên, các trường có truyền thống đào tạo ngành kinh tế như Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Ngoại thương… thì sẽ có điểm chuẩn cao.

Trong khi các trường khác thì có điểm chuẩn thấp hơn. Nếu các em cảm thấy tự tin về sức học của mình thì cứ mạnh dạn lựa chọn những trường truyền thống nhóm ngành kinh tế để dự thi, còn nếu sức học vừa phải thì nên cân nhắc.

* Em muốn dự thi hai ngành vào Trường ĐH Nha Trang có được không?

- TS Đỗ Văn Ninh: Khi đăng ký dự thi các em chỉ đăng ký một ngành, khi trúng tuyển rồi các em có thể đăng ký học ngành thứ hai.

* Cách làm đơn xét tuyển NV2?

- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng: Khi bạn trượt NV1 nhưng điểm bằng điểm sàn CĐ trở lên thì trường sẽ phát cho bạn phiếu điểm. Các bạn điền thông tin về trường, ngành và gởi đến trường muốn theo học. Năm 2012, Bộ GD-ĐT cho phép kéo dài đến 30-11, bạn nên xem thử trường đó có xét NV2 hay không, ngành nào, nhận giấy điểm bản gốc hay photo...để làm theo quy định của trường. Có thể gởi đường bưu điện hoặc trực tiếp.

* Trường nào cũng cam kết đầu ra về việc làm cho sinh viên nhưng tại sao nhiều sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp?

- ThS Lâm Tường Thoại: Đây là câu hỏi khó với chúng tôi. Ở tuổi các em cũng có nhiều nỗi lo cho tương lai của mình. Các trường chọn ngành nghề để đào tạo là phục vụ nhu cầu của xã hội, phát triển đất nước…

Không có nghĩa một sinh viên trúng tuyển ĐH rồi ra trường chắc chắn sẽ có việc làm nhưng thực tế các em phải phấn đấu mới có tương lai tốt. Một nhà tuyển dụng sẽ chọn một người phù hợp với nhu cầu của họ. Đó là kiến thức chuyên môn, kỹ năng sống và hành vi đạo đức. Các em phải rèn luyện toàn diện như vậy thì đảm bảo các em sẽ có việc làm. Các em nên tập trung học hành, rèn luyện cho tốt đi thì cơ hội việc làm.

- TS Phạm Tấn Hạ: Thực tế, nhiều sinh viên làm trái ngành nghề. Mục tiêu đào tạo một sinh viên ra trường thích ứng với môi trường làm việc. Sau bốn năm học ĐH làm sao các bạn phải thích nghi được với môi trường làm việc, có thể làm đúng nghề đào tạo hoặc trái nghề. Nếu có sự chuẩn bị tốt thì các bạn không lo phải mình thất nghiệp.
* Em muốn học ngành sinh học y dược (ngành công nghệ sinh học) thì có thể học thêm để lấy bằng dược sĩ không?

- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng: Công nghệ sinh học phục vụ cho y học, nông nghiệp, chế biến thực phẩm...em muốn nói đến phục vụ y dược. Rất nhiều sinh viên công nghệ sinh học vẫn làm trong ngành dược như chiết xuất cây làm nguyên liệu cho sản xuất thuốc. Học bằng hai tại các trường hiện nay không khó khăn lắm.

Trường ĐH Y dược TP.HCM hiện có hệ đào tạo chính quy văn bằng hai ngành dược sĩ ĐH. Điều kiện dành cho các em tốt nghiệp cử nhân hóa, sinh, bác sĩ y học cổ truyền, đa khoa, răng hàm mặt...Thời gian học ba năm.

* Em muốn thi vào một trường ĐH, trường này có hệ CĐ nhưng hệ CĐ không thi thì em sẽ làm thế nào để dự tuyển vào hệ CĐ của ngành đó?

- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng: Hầu hết các trường ĐH có nhóm ngành CĐ không tổ chức thi ĐH mà chỉ xét tuyển NV2. Các bạn cứ thi ĐH một ngành cao hơn của ngành đó. Nếu trên điểm sàn có thể dùng điểm đó để xét tuyển vào các trường khác. Nếu muốn học CĐ trong trường ĐH, các bạn cứ thi ĐH như bình thường và dùng điểm này xét tuyển NV2.

* Theo các thầy cô nên tập trung thi một khối hay hai khối? Bạn em khuyên em thi hai khối…

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Thi một hay hai khối là tùy các em. Trong quá trình học THPT các em được dạy các môn. Dù sao cũng nên thử sức ở hai khối thi để có cơ hội đậu nhiều hơn.

- TS Nguyễn Kim Quang: Các trường THPT đào tạo cho các em đầy đủ kiến thức nhiều môn học, tuy nhiên năng khiếu của các em ở các môn học khác nhau. Vì vậy các em phải tự xác định năng lực, sở trường của mình để có lựa chọn đúng đắn.

Nếu lượng sức mình không đủ khả năng học nhiều môn thì nên chọn một khối thi. Tôi khuyên các em nên tập trung một khối thi thế mạnh của mình để có kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, nếu có điều kiện các em cũng có thể dự thi thêm một khối nữa để thử sức và có thêm cơ hội trúng tuyển.

* Ngành tài chính ngân hàng học ở trường nào ra có giá trị?

- Th.S Lâm Tường Thoại: Về vấn đề bằng cấp, có nhiều thông tin để nhiều người nghĩ rằng có sự phân cấp trong bằng cấp. Tuy nhiên, các em cần lưu ý: Bằng cấp được cấp chung nhiều trường trong cả nước, chỉ khác tên trường; bằng cấp có giá trị toàn quốc chứ không phải một khu vực; các trường đào tạo một “phần cứng” chung theo quy định của Bộ GD-ĐT về một ngành giữa các trường, chỉ có một phần nhỏ là thế mạnh của từng trường.

Điều quan trọng là em phải học được những gì về kiến thức, kỹ năng để đối diện với nhà tuyển dụng. Nếu em tốt nghiệp tại trường nổi tiếng nhưng em không đủ kỹ năng thì cũng không được ưu tiên. Em nên lưu ý những điều này. Do đó, em cứ chọn trường phù hợp với khả năng của mình.

* Những trường không tổ chức thi thì làm hồ sơ đăng ký dự thi thế nào?

- ThS Lê Văn Hiển: Theo thông tin mới nhất từ Bộ GD-ĐT năm nay có 141 trường ĐH, CĐ không tổ chức thi chỉ tổ chức xét tuyển. Nếu thí sinh có NV1 vào các trường không tổ chức thi thì chọn một trường có cùng khối thi, ngành muốn xét tuyển để thi nhờ. Việc này các em cần chú ý để làm hồ sơ chính xác.

Có thể tham khảo cách làm hồ sơ đăng ký xét tuyển trên báo Tuổi Trẻ. Nếu các em trúng tuyển thì trường có NV1 sẽ gửi giấy báo trúng tuyển. Nếu không trúng tuyển nhưng đạt điểm sàn thì trường tổ chức thi sẽ gửi giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh để đăng ký xét tuyển các nguyện vọng còn lại ở các trường khác.

* Em định thi vào ngành công tác xã hội và Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn. Ngành này yêu cầu gì, làm việc ở đâu?

- TS Phạm Tấn Hạ: Ngành này đào tạo những người ra làm việc trong ngành công tác xã hội. Làm công việc này, bạn cần có tính cộng đồng, hướng thiện tương đối nhiều. Tôi sẽ nói kỹ hơn trong phần tư vấn chuyên sâu.

* Em có nguyện vọng thi vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, xin tư vấn cho em cách ghi mã ngành của trường này?

- TS Nguyễn Thị Thanh Mai: Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có điểm chuẩn cho tất cả các ngành. Việc đăng ký ngành dự thi chỉ mang tính tham khảo. Nếu trúng tuyển sau ba học kỳ đầu các em sẽ được định hướng lại và đăng ký ngành học của mình.

* Mỗi học sinh được nộp mấy hồ sơ đăng ký dự thi? Nếu làm hồ sơ sai có bị gì không?

- TS Nguyễn Thị Thanh Mai: Theo qui định hiện nay Bộ GD-ĐT không giới hạn việc nộp hồ sơ. Nhưng các em lưu ý giá mỗi hồ sơ là 80.000đ, nhưng ở trường tổ chức thi còn tốn kém gấp 10 lần. Vì vậy các hồ sơ ảo sẽ rất tốn kém cho chính các em và xã hội. Tôi khuyên các em hết sức cân nhắc trong việc làm hồ sơ đăng ký dự thi.

Đối với những ngành có tổ chức thi nhiều khối thì các em nên làm hai bộ hồ sơ thi để có thêm cơ hội trúng tuyển. Làm sai hồ sơ đăng ký dự thi làm cho chúng ta phân tâm, phải xử lý nhiều việc do sai sót.
Tôi khuyên các em nên cẩn thận khi làm hồ sơ để tránh sai sót. Đặc biệt năm nay, các mã ngành đều thay đổi nên càng phải chú ý để ghi thật chính xác. Bên cạnh đó, việc ghi ngày tháng năm sinh cũng phải chú ý.

Làm hồ sơ mất tối đa 15 phút, các em nên tập trung để làm cho chính xác. Các em cần ghi lại số điện thoại liên hệ của mình để khi các các bộ tiếp nhận hồ sơ phát hiện sai sót có thể liên hệ các em để chỉnh sửa.

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Các đối tượng, khu vực cũng rất quan trọng. Đây là những thông tin để cộng điểm ưu tiên. Nếu khai hồ sơ như vậy thí sinh sẽ được cộng điểm, nên nếu khai không chính xác cũng rất nguy hiểm. Thực tế đã có trường hợp sinh viên trúng tuyển nhưng do khai sai hồ sơ về đối tượng nên đã bị buộc thôi học.
Danh sách ban tư vấn

Nhóm Khoa học tự nhiên - kỹ thuật - công nghệ

1. TS Lê Thị Thanh Mai - ĐH Quốc gia TP.HCM

2. PGS.TS Đỗ Văn Dũng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM

3. TS Nguyễn Văn Thư - hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM

4. TS Nguyễn Kim Quang - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM)

5. TS Đỗ Văn Ninh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nha Trang

Nhóm ngành kinh tế - y dược - nông lâm

1. TS Trần Thế Hoàng - trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

2. ThS Hứa Minh Tuấn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính - marketing

3. ThS Lâm Tường Thoại - chuyên viên tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM)

4. PGS. TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM

5. BS Trương Quang Thuận - hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Khánh Hòa

6. TS Trần Danh Giang - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nha Trang

7. Th.S Huỳnh Trương Lệ Hồng - phó trưởng ban đào tạo khoa điều dưỡng kỹ thuật y học ĐH Y dược TP.HCM.

Nhóm ngành sư phạm - xã hội nhân văn - luật - quân đội - công an

1. TS Phạm Tấn Hạ - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM)

2. ThS Lê Văn Hiển - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM

3. Ông Phạm Hoàng Đức - quyền trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Văn hóa, nghệ thuật và du lịch Nha Trang

4. ThS Trần Ngọc Anh - phụ trách phòng giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Khánh Hòa

5. ThS Nguyễn Thị Hằng - trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Sư phạm trung ương Nha Trang

Điểm nóng

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Ôn thi Đại học

Tư vấn tuyển sinh

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đườn

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Theo Tuổi trẻ