Tuyển sinh 2012: Những ngành dễ đậu ở trường lớn

28/03/2012 16:44
Theo GDTPHCM
Nhiều ngành ở trường ĐH lớn có chỉ tiêu nhiều, điểm trúng tuyển không cao, ít thí sinh dự thi nên nhiều cơ hội trúng tuyển.
Kỳ thi tuyển sinh 2012, chỉ tiêu những ngành có điểm bằng hoặc cao hơn chút ít so với điểm sàn năm ngoái (khối A, D: 13 điểm, khối B, C: 14 điểm) ở nhiều trường vẫn giữ nguyên, thậm chí còn tăng lên. Điều này cho thấy nhu cầu nhân lực đang rất cần nhưng thí sinh ít quan tâm vì mải chạy theo ngành “hot”.
PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, tư vấn ngành nghề cho học sinh Trường THPT Ngô Quyền (quận 7, TP.HCM). Ảnh: QUỐC DŨNG
PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, tư vấn ngành nghề cho học sinh Trường THPT Ngô Quyền (quận 7, TP.HCM). Ảnh: QUỐC DŨNG
Mòn mỏi chờ thí sinh

Vài năm nay, nhiều ngành của Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM có điểm trúng tuyển chỉ ở mức 13-14 và phải xét tuyển thêm nguyện vọng như điều khiển tàu biển, vận hành khai thác máy tàu thủy, kỹ thuật tàu thủy, kỹ thuật cơ khí,…
Hiệu trưởng Nguyễn Văn Thư cho biết: “Nhiều doanh nghiệp ở châu Âu sang tuyển dụng sinh viên thực tập và trả học phí cho sinh viên học ngành điều khiển tàu biển, sau khi ra trường sinh viên được nhận luôn về làm việc nhưng năm nào ngành này cũng khó tuyển. Hay chuyên ngành xây dựng đường sắt-metro của ngành kỹ thuật công trình giao thông, là chuyên ngành hoàn toàn mới tại Việt Nam nhưng trường vẫn thiếu nguồn tuyển, mặc dù đây là ngành đang cần rất nhiều nhân lực”.
TS Nguyễn Kim Quang, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho hay năm nay chỉ tiêu cao nhất vẫn thuộc về các ngành khoa học cơ bản như toán học, vật lý học, sinh học với 250-300 chỉ tiêu mỗi ngành. Tuy nhiên, đây là những ngành có tỉ lệ “chọi” rất thấp và điểm trúng tuyển chỉ ở mức 14,5-15. Ngoài ra, các ngành khoa học vật liệu, hải dương học, địa chất cũng có điểm từ 14 đến 14,5. “Năm nay, trường bổ sung thêm khối thi A1 cho ngành toán học với hy vọng sẽ kéo được nhiều học sinh thích học toán vào ngành này” - ông Quang nói.
Trong khi đó, nhóm ngành nông lâm năm nào cũng trong tình trạng mòn mỏi chờ thí sinh. Rất nhiều ngành của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM có hồ sơ đăng ký dự thi còn ít hơn cả chỉ tiêu, trong khi điểm trúng tuyển chỉ bằng sàn. Do đó nếu lượng sức ở mức 13-15 điểm, thí sinh sẽ dễ dàng trúng tuyển vào ĐH, không chỉ vào các ngành nông lâm ở trường này mà còn các ngành cơ điện tử, công nghệ hóa học, công nghệ sinh học, kế toán, kinh tế… Các ngành sư phạm kỹ thuật của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng là cơ hội để thí sinh dễ đậu ĐH. Phó Hiệu trưởng Đỗ Văn Dũng cho biết: “Học sư phạm được miễn 100% học phí. Khi ra trường sinh viên được cấp hai bằng: bằng kỹ sư và bằng sư phạm. Như vậy thí sinh chọn ngành sư phạm sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn”.
Còn ở các trường nhóm khoa học xã hội, các ngành lịch sử, nhân học, triết học, xã hội học, khoa học thư viện, giáo dục học, lưu trữ học, công tác xã hội, quy hoạch vùng và đô thị… của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) chỉ ở mức 14,5 điểm, trong đó nhiều ngành chỉ tiêu cao hơn thí sinh dự thi. Trường ĐH Văn hóa TP.HCM thì tất cả các ngành đều bằng điểm sàn.
Nên chọn ngành vừa sức học
TS Lê thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM, khuyên: “Chúng ta thường nhắc nhở thí sinh hãy chọn ngành mình yêu thích. Tuy nhiên, thích là chủ quan nhưng bản thân có phù hợp ngành đó hay không thì thí sinh nên tham khảo ý kiến của thầy cô, cha mẹ. Nếu mình thích học ngành nào đó ở trường A nhưng điểm cao, trong khi điểm trúng tuyển ngành đó tại trường B thấp nhưng bản thân không thích, vậy phải làm sao? Thí sinh nên chọn những trường phù hợp với tiêu chí như điều kiện kinh tế, đi lại... Nên chọn một trường có mức điểm trúng tuyển phù hợp với sức học của mình. Nếu hoàn cảnh khó khăn, thí sinh có thể “ăn cơm nhà học trường gần nhà” là phù hợp nhất”.
“Trong nhiều năm làm công tác tư vấn tuyển sinh tôi nhận thấy thí sinh chỉ tập trung đến các ngành học nhàn hạ, dễ kiếm việc làm chứ không quan tâm nhiều đến năng lực cũng như hiểu rõ về các ngành học đó. Ngành thời thượng, ngành “hot” có hào nhoáng bên ngoài. Tuy nhiên, mình chưa biết được mặt trái của nó như thế nào. Khi không tìm hiểu kỹ, vào học không thích thì không học được. Sau này ra trường không thể làm được vì không yêu thích. Do đó, tôi cho rằng đừng chọn ngành nào mà mình chưa hiểu rõ về nó, đừng chọn chỉ vì vẻ hào nhoáng bên ngoài, chọn ngành vì theo bạn bè. Cùng một ngành có nhiều trường đào tạo, nên chọn ngành theo sức học của bản thân sẽ giúp thí sinh định hướng mình sẽ vào được trường nào” - ThS Lâm Tường Thoại, Phó Chánh Văn phòng ĐH Quốc gia TP.HCM, nguyên Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế-Luật, cũng đưa ra lời khuyên.
Dễ đậu ở trường địa phương
Hiện nay ở các địa phương việc đào tạo đang gắn với nhu cầu tuyển dụng. TS Ngô Tấn Lực, Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang, cho biết: “Tại Tiền Giang, khối ngành kinh tế, y tế, khoa học xã hội nhu cầu còn khá lớn. Riêng ngành sư phạm, thí sinh cần hết sức cân nhắc vì nhân lực đã tương đối đủ”. Còn tại Bình Thuận, theo TS Trần Lương Công Khanh, Phó Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD&ĐT Bình Thuận, tỉnh Bình Thuận có thế mạnh về du lịch, nhu cầu liên quan nhân lực chế biến nông sản, sau thu hoạch, du lịch. Tỉnh đang có nhu cầu lớn với những hướng dẫn viên du lịch biết tiếng Nga và tiếng Anh.
ThS Nguyễn Vĩnh An, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, lưu ý: “Hiện nay thí sinh dự thi vào kinh tế nhiều, trong khi các ngành liên quan đến nông nghiệp như trồng trọt, nuôi trồng thủy sản có xu hướng ít thí sinh đăng ký thi. Trong khi đó, khu vực này hiện đang thiếu trầm trọng nhân lực những ngành này”.
Trong khi đó tại Đồng Tháp, ngành giáo dục tiểu học, giáo dục mầm non nhu cầu rất lớn nhưng thí sinh đăng ký hằng năm lại quá ít, trường không đủ để cung cấp cho tỉnh. Còn tại Trường ĐH Tây Nguyên, các ngành lâm sinh, bảo vệ thực vật, khoa học cây trồng, công nghệ sau thu hoạch, chăn nuôi, thú y… hồ sơ thiếu so với chỉ tiêu và điểm trúng tuyển luôn bằng sàn.

Điểm nóng

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Ôn thi Đại học

Tư vấn tuyển sinh

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

 Đổi mới Giáo dục

 Xem nhiều nhất trong tháng

Theo GDTPHCM