Tính điểm hệ số 2 trong kỳ thi tuyển sinh vào 10 hiện nay đã không còn phù hợp

01/07/2024 06:40
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Bỏ tính điểm hệ số 2 đối với môn Ngữ văn và Toán sẽ hướng đến công bằng cho tất cả các thí sinh dự thi, không có thí sinh nào phải nuối tiếc, phải “giá như” ...

Kỳ thi tuyển sinh 10 năm nay đã là kỳ thi cuối cùng của chương trình 2006 và trong kỳ thi tuyển sinh 10, nhiều tỉnh, thành phố vẫn đang áp dụng tính điểm hệ số 2 đối với môn Ngữ văn và Toán.

Việc tính điểm hệ số 2 đối với môn Ngữ văn và Toán thực ra đã bộc lộ nhiều bất cập vì nó đã không còn phù hợp với các văn bản của Bộ về việc hướng dẫn đánh giá, xếp loại học lực của học sinh cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.

Thực tế cho thấy, việc tính điểm hệ số 2 một số môn thi đã dẫn đến tình trạng nhiều học sinh gặp bất lợi trong việc tính điểm tổng bởi vì có những thí sinh tính điểm tổng 3 môn thi theo hệ số 1 thì cao nhưng nếu tính điểm hệ số 2 môn Ngữ văn và Toán lại thua điểm thí sinh khác.

Từ năm học 2024-2025 tới đây, lớp 9 sẽ thực hiện chương trình mới với mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực cho người học, liệu có còn tình trạng tính điểm hệ số 2 đối với Ngữ văn và Toán nữa không?

gdvn-kv-9053-4334.jpg
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: K.V

Bất hợp lý trong việc tính điểm hệ số 2 môn Ngữ văn và Toán

Hiện nay, đa phần các địa phương tổ chức thi tuyển tuyển sinh 10 đối với các trường Trung học phổ thông không chuyên đang lựa chọn thi tuyển bằng 3 môn thi: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh. Trong các môn thi này, có học sinh học giỏi cả 3 môn nhưng cũng nhiều thí sinh có lợi thế môn này nhưng lại gặp hạn chế ở môn thi khác.

Nếu một thí sinh giỏi môn tiếng Anh nhưng học không tốt môn Toán và Ngữ văn sẽ gặp bất lợi khi tính điểm tổng. Nhưng, những em giỏi Toán và Văn lại gặp thuận lợi trong kỳ thi tuyển sinh 10- nếu địa phương đó xét điểm hệ số 2 đối với 2 môn thi này.

Ví dụ: một thí sinh đạt 4,0 điểm Văn, 3,0 điểm Toán và 8,0 điểm tiếng Anh thì tổng 3 môn theo hệ số 1 là 15,0 điểm. Nhưng, tính theo hệ số 2 Văn và Toán sẽ ra 22,0 điểm.

Nhưng, cũng với điểm tổng hệ số 1 là 15,0 điểm như trên mà hoán đổi thành 8,0 điểm Văn, 3,0 điểm Toán và 4,0 điểm tiếng Anh thì tính hệ số 2 đã là 27,0 điểm. Sự chênh lệch sẽ khá xa nhau.

Trong khi, bắt đầu từ năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều về Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT.

Điểm mới của Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT là môn Ngoại ngữ đã có vị thế tương đương với môn Ngữ văn và môn Toán trong việc xếp loại, công nhận danh hiệu học tập cho học sinh. Cụ thể, tại khoản 6, Điều 2 đã hướng dẫn: “Thay thế cụm từ “của 1 trong 2 môn Toán, Ngữ văn" tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 của Điều 13 bằng cụm từ: “của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ”.

Khi thực hiện chương trình 2018, Bộ ban hành Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT đã bỏ hẳn sự ràng buộc các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ bởi việc xếp loại học lực, xét danh hiệu học tập được tính theo học lực của các môn mà học sinh đạt được trong quá trình học tập. Văn, Toán, Ngoại ngữ cũng bình đẳng ngang hàng như tất cả các môn học còn lại.

Vì thế, dù xét về văn bản nào trong việc đánh giá, xếp loại học lực của học trò đều cho thấy môn Ngoại ngữ hoàn toàn bình đẳng và có vị thế ngang bằng với Ngữ văn và Toán. Thế nhưng, phần lớn địa phương hiện nay vẫn đang có chủ trương nhân điểm hệ số 2 đối với Ngữ văn và Toán trong kỳ thi tuyển sinh 10.

Việc nhân điểm hệ số 2 đối với một số môn thi trong kỳ thi tuyển sinh 10 năm nay cũng như những năm vừa qua chỉ có một ưu điểm là bớt cảm giác điểm thấp khi các địa phương công bố điểm chuẩn vào các trường Trung học phổ thông thấy cao hơn cách tính hệ số 1.

Nhiều trường có điểm chuẩn từ 20-25 điểm, mọi người nhìn vào thì cao nhưng thực tế nếu chia bình quân chỉ 4-5 điểm/ môn thi- nếu tính điểm hệ số 1.

Trong khi, theo hướng dẫn hiện hành của Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều về Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT thì điểm dưới 5 là Yếu; dưới 3,5 là điểm Kém.

Khi thực hiện chương trình mới, thi tuyển sinh 10 có cần thiết tính điểm hệ số 2 đối với Ngữ văn và Toán?

Khi thực hiện chương trình 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn việc đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Theo đó, mọi môn học đều có vai trò bình đẳng với nhau.

Xếp loại học lực, xét danh hiệu học tập thì môn nào cũng như môn nào, cứ đủ số môn theo điểm quy định là được xếp học lực loại Tốt và đạt danh hiệu học tập: Học sinh Xuất sắc, hoặc Học sinh Giỏi.

Điều đáng chú ý là trong những năm qua, một số địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ninh Bình…đang thực hiện tính điểm hệ số 1 đối với tất cả các môn thi tuyển sinh 10 vào các trường Trung học phổ thông không chuyên.

Điều dễ nhận thấy, những địa phương này luôn có điểm chuẩn vào lớp 10 công lập khá cao. Điểm trung bình các môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông cũng thường nằm ở tốp đầu.

Vấn đề còn lại, những địa phương khác trên cả nước có dám mạnh dạn từ kỳ thi năm sau sẽ đồng loạt bỏ cách tính điểm nhân hệ số 2 đối với môn Ngữ văn và Toán trong kỳ thi tuyển sinh 10 hay không?

Thực tế, nếu bỏ tính điểm hệ số 2 đối với môn Ngữ văn và Toán cũng không ảnh hưởng gì đến số lượng tuyển sinh đầu vào lớp 10 công lập ở các địa phương.

Bởi vì tính điểm hệ số 2 môn Toán, Ngữ văn hay tính điểm hệ số 1 cả 3 môn thi thì phương án tuyển sinh ở các trường Trung học phổ thông vẫn tuyển đầu vào theo thứ tự từ trên xuống đến chỉ tiêu cuối cùng và số lượng tuyển đầu vào được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ khi chưa thi.

Nhưng, bỏ tính điểm hệ số 2 đối với môn Ngữ văn và Toán sẽ hướng đến công bằng cho tất cả các thí sinh dự thi, không có thí sinh nào phải nuối tiếc, phải “giá như” điểm môn tính hệ số 1 là môn tính điểm hệ số 2…

Đồng thời, sẽ tránh được tình trạng học lệch, học tủ mà hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện cho học trò.

Chương trình 2018 với nhiều mục tiêu mới; phương pháp tiếp cận mới; dạy và học cũng có nhiều điểm mới. Vì thế, chúng tôi hy vọng từ kỳ thi năm sau, tất cả các Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ đồng lòng tính điểm hệ số 1 đối với tất cả các môn thi trong kỳ thi tuyển sinh 10.

Thực tế, kỳ thi tuyển 10 do các địa phương ban hành kế hoạch, tổ chức tất cả mọi khâu- đồng nghĩa nắm sự chủ động về mọi mặt đối với kỳ thi. Nên tính điểm hệ số 2 một số môn thi hay tính điểm hệ số 1 tất cả các môn thi hoàn toàn nằm trong quyền tham mưu và tự quyết của lãnh đạo Sở.

Việc tính điểm hệ số 1 tất cả các môn thi không chỉ đơn thuần là đem lại sự công bằng cho các thí sinh dự thi mà còn góp phần minh bạch chất lượng giáo dục của các nhà trường đối với cả điểm “đầu ra” của cấp Trung học cơ sở và “đầu vào” của cấp Trung học phổ thông một cách rõ ràng, tường minh nhất.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH