Băn khoăn về điểm thi tuyển sinh vào 10, thí sinh có nên phúc khảo?

16/06/2024 07:06
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Việc phúc khảo là cơ hội, hy vọng cuối cùng đối với những thí sinh cận điểm đậu nguyện vọng 1, hoặc thấy điểm mình bất thường với thực tế làm bài.

Là giáo viên đang trực tiếp giảng dạy lớp 9, ôn thi và gần như năm nào cũng đi chấm thi tuyển sinh 10 môn Ngữ văn nên sau mỗi lần Sở Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi thì luôn có một số học sinh hỏi ý kiến tôi về chuyện phúc khảo bài thi.

Thực tế cho thấy, việc chấm thi tuyển sinh 10 hiện nay đang thực hiện theo một quy trình rất chặt chẽ, khoa học. Việc chấm thi rất ít xảy ra sai sót vì được chấm 2 vòng độc lập và nhiều bài còn được chấm kiểm tra thêm một lần nữa.

Tuy nhiên, qua nhiều khâu khác nhau, vẫn có những trường hợp sai sót xảy ra và nhiều thí sinh đã phúc khảo thành công. Năm nào cũng thấy báo chí phản ánh có những trường hợp tăng điểm đột biến sau khi phúc khảo.

Nhưng, đa phần những thí sinh xin phúc khảo không tăng điểm số. Thậm chí, có thí sinh còn bị điểm thấp hơn so với điểm công bố lần đầu. Vì thế, mỗi lần tư vấn cho học sinh, tôi luôn khuyên học sinh phải cần cân nhắc khi làm đơn phúc khảo.

phuc-khao-truong-lam-9923-818.jpg
Điểm phúc khảo của thí sinh ở Trường Trung học phổ thông chuyên Lam Sơn trong kỳ thi tuyển sinh 10 vừa qua (ảnh: Báo Lao động)

Vì sao đa phần thí sinh phúc khảo điểm không tăng lên?

Những năm gần đây, kỳ thi tuyển sinh 10 của đa số các địa phương, nhất là những trường thuộc khu vực đô thị, những trường trung học phổ thông chuyên rất áp lực, căng thẳng vì tỉ lệ chọi khá cao.

Cũng chính vì vậy, công tác coi thi, chấm thi luôn được các địa phương chú trọng thực hiện nghiêm túc, khách quan nhằm đảm bảo tính công bằng nhất có thể cho các thí sinh dự thi.

Đối với việc chấm thi tuyển sinh 10 hiện nay ở các địa phương đang được thực hiện các bước rất nghiêm ngặt, khách quan. Môn thi nào cũng giám khảo chấm hội đồng từ 5- 10 bài để thống nhất đáp án, thống nhất cách chấm với nhau.

Trong đó, Hội đồng chấm thi môn Ngữ văn luôn được quán triệt sâu sắc nhất vì môn thi này có phần khó chấm hơn các môn thi còn lại khi mà câu chữ trong bài văn của thí sinh có thể diễn đạt khác nhau.

Ngoài môn Ngữ văn ra, các môn thi khác đúng là đúng, sai là sai, không có những cách hiểu đa nghĩa, không có phần mở rộng và đương nhiên điểm được chấm đúng theo đáp án mà lãnh đạo sở đã phê duyệt nên những bất thường trong điểm số rất dễ được thí sinh phát hiện.

Thực tế, khi chấm thi, mỗi bài thi sẽ có 2 giám khảo chấm. Giám khảo 1 chấm trên phiếu điểm riêng, không để lại dấu vết nào trên bài thi; giám khảo 2 chấm trực tiếp trên bài thi và 2 giám khảo ngồi ở 2 phòng riêng biệt, thực hiện độc lập, khép kín.

Khi chấm xong, 2 giám khảo sẽ ngồi lại với nhau thống nhất từng ý nhỏ trong mỗi câu, mỗi bài thi. Nếu chấm trùng điểm với nhau thì thống nhất, nếu không trùng điểm, có sự lệch nhau thì 2 bên cùng thảo luận và thống nhất cho điểm.

Vì thế, việc chấm sai, chấm sót gần như rất ít có khả năng xảy ra vì 2 người chấm độc lập 2 lần, sau đó 2 giám khảo lại dò lại lần nữa để thống nhất điểm từng bài cho thí sinh. Đó là chưa kể các Hội đồng chấm thi luôn thực hiện chấm kiểm tra theo xác suất khoảng 15% thêm 1 lần nữa.

Vậy nên, sau khi chấm thi và công bố điểm, một số học sinh phúc khảo nhưng gần như không có sự thay đổi về điểm số. Điều này cho thấy 2 giám khảo chấm lần 1 rất sát, cẩn thận bởi chỉ cần một chút sơ suất là ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của thí sinh.

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có những trường hợp thí sinh phúc khảo thành công. Việc thay đổi kết quả phần nhiều là do người đánh mật mã không khớp; ráp phách và bài thi không khớp; hoặc nhập điểm sai và dò điểm không cẩn thận.

Nhiều trường hợp trúng tuyển sau khi phúc khảo bài thi

Hiện nay, việc thí sinh phúc khảo sau khi biết điểm thi là chuyện bình thường, đúng hướng dẫn hiện hành của ngành Giáo dục nên gần như kỳ thi tuyển sinh 10 ở các địa phương đều có thí sinh xin phúc khảo.

Khi biết điểm thi, nếu điểm thi thấy bất thường thì thí sinh làm đơn phúc khảo rất dễ dàng. Bởi lẽ, những năm gần đây, khi công nghệ thông tin phát triển nên sau khi thi tuyển sinh 10 thì môn nào cũng sẽ có đáp án được đăng tải trên một số tờ báo, website giải đề thi.

Thí sinh thi xong sẽ dò lại đáp án (các em thường lưu giữ giấy nháp) xem mình đúng sai những câu nào. Hơn nữa, khi điểm thi có vấn đề, học sinh thường hỏi giáo viên đang dạy mình. Việc xin đáp án chính thức sau khi đã chấm thi đối với các giám khảo không khó.

Vì vậy, những bất thường ở điểm số của thí sinh sẽ dễ dàng nhận thấy.

Khi biết điểm mình không tương xứng với phần làm bài, thí sinh hãy mạnh dạn làm đơn phúc khảo. Các em đến trường mình đăng ký dự thi xin đơn và thầy cô trực ở đây sẽ hướng dẫn cụ thể. Những đơn phúc khảo sẽ chuyển về sở và bộ phận chuyên môn sẽ chấm phúc khảo cho các em.

Việc phúc khảo có thể không tăng điểm nhưng ít nhất là sẽ giải tỏa tâm lý cho thí sinh đã dự thi. Sau này, các em không phải băn khoăn, nuối tiếc về những chuyện đã qua. Nhưng, cũng có thể điểm phúc khảo sẽ tăng, thậm chí tăng đột biến như một số trường hợp báo chí đã phản ánh trong thời gian qua.

Lúc đó, các em có cơ hội đậu nguyện vọng 1- trường mà các em đã đăng ký dự thi. Hoặc cũng có thể đậu nguyện vọng 2, 3 mà các em đã đăng ký.

Việc phúc khảo là cơ hội, hy vọng cuối cùng đối với những thí sinh cận điểm đậu nguyện vọng 1, hoặc thấy điểm mình bất thường với thực tế làm bài.

Việc chênh lệch điểm thi giữa thí sinh này với thí sinh khác nhiều khi chỉ cần hơn kém nhau 0,05 điểm trong kỳ thi tuyển sinh 10 là số phận đã khác nhau. Vì thế, sau mỗi kỳ thi đi qua, nhiều trường hợp thí sinh thực hiện phúc khảo lại bài thi của mình và một số em đã được thay đổi kết quả từ rớt thành trúng tuyển.

Bởi vậy, nếu như thấy điểm số bất thường so với thực tế làm bài của mình, thí sinh cứ mạnh dạn làm đơn phúc khảo nhưng cũng cần phải cân nhắc kĩ lưỡng.Việc phúc khảo phải dựa trên cơ sở thực tế làm bài của mình. Thí sinh cần tìm hiểu, so sánh kĩ đáp án của đề thi với bài làm của mình trước khi làm đơn phúc khảo.

Việc phúc khảo có thể thành công và cũng có thể không thành công nhưng ít nhất là các thí sinh có thêm một niềm hy vọng. Bởi, sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi luôn chừa một khoảng thời gian nhất định để giải quyết những khâu phát sinh như việc phúc khảo của thí sinh xong thì các trường mới công bố điểm chuẩn đầu vào.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI