"Tính thuế 45% để hạn chế thất thoát tài sản của nhà nước do tham nhũng"

19/03/2018 06:47
QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)
(GDVN) - "Con số 45% dựa trên cơ sở cách tính các loại thuế hiện hành và áp dụng mức phạt đối với những tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình một cách hợp lý".

LTS: Theo nội dung dự thảo luật phòng chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ: “Qua xác minh, nếu kết luận tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu thập đã kê khai hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý, thì cơ quan thuế sẽ xem xét thực hiện việc truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%". 

Một số ý kiến cho rằng, nội dung dự thảo này không phù hợp với công tác phòng chống tham nhũng hiện nay, thậm chí có thể khuyến khích cho tham nhũng có đất để sống.

Để làm rõ thêm vấn đề này, hôm 16/3, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đinh Văn Minh - Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ).

Tính thuế để hạn chế thất thoát tài sản do tham nhũng

Phóng viên: Thưa ông, một số ý kiến tỏ thái độ không đồng tình với nội dung dự thảo luật phòng chống tham nhũng quy định tính thuế 45% đối với tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý? Ông có thể nói rõ thêm về cơ sở của việc tính thuế này?

Tiến sĩ Đinh Văn Minh: Việc tính thuế như vậy nhằm mục đích giúp cơ quan có thẩm quyền không bị "bó tay" trong việc thu hồi những tài sản có nguồn gốc không rõ ràng, hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách không hợp lý, trong đó bao gồm cả tài sản có dấu hiệu/liên quan tới tham nhũng.

Hiện tại, việc thu hồi những tài sản tạm gọi là không minh bạch hoặc tài sản có nguy cơ do tham nhũng mà có bằng hình thức kiện dân sự cũng đang được tính toán, cân nhắc. Theo đó, nếu chủ sở hữu tài sản không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì phải trả lại cho Nhà nước.

Tiến sĩ Đinh Văn Minh - Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ). Ảnh đăng trên Báo Điện tử VOV.
Tiến sĩ Đinh Văn Minh - Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ). Ảnh đăng trên Báo Điện tử VOV.

Tuy nhiên, đây là phương án gặp nhiều rắc rối, bởi nếu khởi kiện để thu hồi tài sản thì ai đứng ra kiện? trong khi theo nguyên tắc tố tụng dân sự thì trách nhiệm chứng minh tài sản bất minh hay không bất minh thuộc về nguyên đơn (Nhà nước).

Hiện nay tài sản bất minh muốn thu hồi được phải thông qua con đường hình sự. Tuy nhiên việc thu hồi tài sản bằng cách này cũng gặp rất nhiều rất hạn chế.

Thậm chí khi đối tượng bị kết án vì hành vi tham nhũng thì việc thu hồi tài sản thất thoát cũng rất ít.

Trong 10 năm qua, con số thất thoát tài sản do tham nhũng là 60 nghìn tỷ nhưng chỉ thu hồi được khoảng 4 nghìn tỷ..

Do đó, tính thuế 45% đối với tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý dựa trên cơ sở tham khảo cách tính các loại thuế hiện hành và áp dụng mức phạt đối với những tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý.

Đây là cách làm linh hoạt để hạn chế sự thất thoát tài sản của Nhà nước đối với những tài sản không được giải trình một cách hợp lý hoặc có dấu hiệu tham nhũng.

Nói như ông có nghĩa là cơ quan có thẩm quyền bất lực trước tài sản, thu nhập không được giải trình một cách hợp lý cho nên mới đưa ra cách tính thuế như vậy?

Tiến sĩ Đinh Văn Minh: Nhận định đó là có cơ sở. Như đã nói việc thu hồi tài sản có được do hành vi tham nhũng hiện nay đạt tỷ lệ rất thấp. 

Do đó, việc dư luận nghi ngờ về những dinh cơ đồ sộ của những “cậu ấm, cô chiêu” mới tròn mười tám, đôi mươi là hoàn toàn có thể hiểu được.

Vấn đề là chúng ta chưa thể kiểm soát được đầu vào, đầu ra tài sản đó. Chúng ta mới chỉ kiểm soát tài sản của công chức và vợ cùng với con chưa thành niên của họ.

Do đó, đối tượng có dấu hiệu tham nhũng dễ dàng chuyển tài sản cho con cái họ (đã thành niên) đứng tên, hoặc chuyển cho người khác để tránh sự kiểm soát của Nhà nước.

Kê khai tài sản hiện nay còn nặng tính hình thức. Trong bài sử dụng ảnh minh họa trong cuốn "tuyển tập tranh biếm quan tham" do Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng phát hành.
Kê khai tài sản hiện nay còn nặng tính hình thức. Trong bài sử dụng ảnh minh họa trong cuốn "tuyển tập tranh biếm quan tham" do Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng phát hành.

Luật phòng chống tham nhũng cũng chưa có nội dung kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi công dân. Do đó, trường hợp, nếu một ông công chức chuyển tài sản cho con cái hoặc bà con họ hàng thì chúng ta cũng chịu.

Ví dụ, trường hợp của bà Trần Vũ Quỳnh Anh khi đang là trưởng phòng thuộc Sở Xây dựng Thanh Hóa thì thuộc đối tượng chúng ta kiểm soát, nhưng khi dư luận nghi ngờ về tài sản thì bà Quỳnh Anh không còn làm công chức nữa.

Do đó, các cơ quan cũng không có lý do để thực hiện việc buộc bà Quỳnh Anh phải giải trình và áp dụng các biện pháp xác minh.

Pháp luật cũng chưa cho phép đụng đến tài sản của công dân một cách tùy tiện, trừ trường hợp nó liên quan tới vụ án hình sự nào đó.

Còn nếu bỗng dưng đi hỏi công dân, "tại sao anh có nhiều tiền, nhiều nhà như vậy?", thì chúng ta không thể làm được.

Không thể kiểm soát được thu nhập ngoài của cán bộ

Theo ông, làm thế nào để kiểm soát tốt thu nhập, tài sản, tránh tình trạng cán bộ lý giải việc sở hữu tài sản theo kiểu "buôn chổi đót, lá chít", hoặc cả triệu bản kê khai tài sản, nhưng chỉ phát hiện vài người vi phạm do kê khai không trung thực?

Tiến sĩ Đinh Văn Minh: Về cơ bản chúng ta vẫn phải chấp nhận những cách giải thích đó bởi không kiểm soát được thu nhập đầu vào của cán bộ, công chức.

Ở nhiều nước trên thế giới, cán bộ công chức chủ yếu thu nhập bằng lương, nên việc kiểm soát tài sản rất đơn giản.

Nhưng ở nước ta, thu nhập của cán bộ công chức đâu phải chỉ có lương. Nếu chỉ bằng đồng lương hiện nay thì bất kỳ các bộ, công chức nào có xe đều khó giải trình, trừ trường hợp trúng xổ số hay được thừa kế từ ông bà cha mẹ. 

"Tính thuế 45% để hạn chế thất thoát tài sản của nhà nước do tham nhũng" ảnh 3

“Tham nhũng 100 tỷ đồng - 45% thuế = yên tâm tham nhũng”

Tuy nhiên, thực tế ở nước ta cho thấy, ngoài lương cán bộ công chức còn nhiều khoản thu nhập khác (hợp pháp) mà lương chỉ là một phần trong tổng số thu nhập đó.

Nhưng tiếc rằng chúng ta không thể kiểm soát được những nguồn thu nhập bên ngoài đó.

Điều này dẫn đến những nghi vấn về tính minh bạch tài sản của cán bộ mặc dù những nguồn thu nhập ngoài lương đó là chính đáng. Cho nên khó thể nói rằng, lương của ông chỉ có bấy nhiêu mà sao lắm tài sản thế!

Thanh tra Chính phủ đã đề xuất nhiều giải pháp để kiểm soát thu nhập của cán bộ, trong đó có việc kiểm soát đầu vào thu nhập cán bộ thông qua tài khoản ngân hàng. Thậm chí 100 nghìn đồng từ ngân sách cũng phải chuyển qua tài khoản, ngân hàng.

Bên cạnh đó, cần phải tính đến việc kiểm soát thu nhập công chức trên dựa trên nền tảng kiểm soát toàn bộ xã hội chứ không thể làm riêng đối với cán bộ, công chức được.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)