“Tôi dạy trò tri thức, học ở trò nghị lực vươn lên”

20/11/2023 06:31
Phạm Hằng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Gần nửa đời người, cô giáo Khánh vẫn miệt mài gieo chữ và thắp sáng ước mơ cho bao thế hệ học trò người dân tộc thiểu số phía Bắc.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Khánh - giáo viên Ngữ văn, Trường Hữu Nghị T78 (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) là một trong số những nhà giáo tiêu biểu vừa được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo năm học 2022-2023.

Sau vài đợt gió lạnh chuyển mùa, Hà Nội lại rạng rỡ trong nắng đông, sân trường Hữu Nghị T78 hôm ấy cũng rộn ràng hơn hẳn mọi khi, chốc chốc lại “nhóm ba nhóm bảy” học sinh tập văn nghệ ra về. Thấy cô ngồi trên hàng ghế đá, chúng đều rủ nhau nán lại, tíu tít chào.

Cận kề Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nhiều lứa học trò cũ cũng trở lại thăm trường. Thoáng thấy bóng cô, chúng lao tới ôm chầm như những đứa con lâu ngày tìm về với mẹ, tíu tít hàn huyên câu chuyện tự thuở xưa lắc xưa lơ.

Cảnh tượng xóa nhòa khoảng cách cô - trò khi ấy khiến tôi không khỏi cảm thán: Trường Hữu nghị T78 quả là một mái nhà!

27 năm thắp sáng ước mơ cho học sinh dân tộc thiểu số

Cô Nguyễn Thị Khánh sinh năm 1974, quê ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Lớn lên trong gia đình có mẹ từng dạy học, bản thân lại rất “mê” văn chương, nên từ thuở thiếu thời, cô đã hạ quyết tâm trở thành một nhà giáo.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cô Khánh về tỉnh Hà Tây (nay sáp nhập vào thành phố Hà Nội) để tiếp tục với nghề gieo chữ. Ngôi trường nội trú - Hữu Nghị T78 là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp của những năm tháng cô bắt đầu sự nghiệp. Về T78 là một cơ duyên, mà đến nay ngẫm lại, cô vẫn thấy đó là quyết định sáng suốt của cuộc đời mình.

Với đặc thù là trường dân tộc nội trú, hầu hết học sinh đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đi lại không thuận tiện, cha mẹ bận mưu sinh thường ít quan tâm đến. Nên khi vào học tại Trường Hữu Nghị T78, các em được chăm sóc, nuôi dưỡng tại trường, được nhà trường hỗ trợ mọi kinh phí học tập, sinh hoạt, ăn uống hàng ngày.

Thương học trò đang “tuổi ăn tuổi lớn” đã phải sống xa nhà, cô Khánh luôn sát sao quan tâm từ việc học tập đến chỗ ăn, chỗ ở của các em; đồng thời dành thời gian gần gũi, động viên, hỏi han, nắm bắt tâm tư, tình cảm của học sinh để có phương pháp giáo dục tốt nhất.

Hình ảnh một cô giáo dạy Văn với phong thái nhẹ nhàng, tâm lý cùng sự tận tụy xuất phát từ cái tâm yêu nghề, yêu trò đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng nghiệp và bao thế hệ học sinh trong trường.

Cô giáo Nguyễn Thị Khánh cùng học sinh Trường Hữu Nghị T78. Ảnh: NVCC.

Cô giáo Nguyễn Thị Khánh cùng học sinh Trường Hữu Nghị T78. Ảnh: NVCC.

Cũng chính tình yêu thương học trò đã giúp cô Khánh luôn giữ được “ngọn lửa” với nghề, đóng góp sức mình vào sự phát triển của Trường Hữu nghị T78, trở thành tấm gương sáng trong công tác quản lý, giảng dạy.

Lớp cô chủ nhiệm luôn đạt thành tích cao trong các hoạt động tập thể, các phong trào thi đua của trường.

Dưới sự dìu dắt của một giáo viên say chuyên môn, trường có học sinh đạt huy chương Vàng, Bạc môn Ngữ văn Hội thi văn hóa thể thao các trường dân tộc nội trú toàn quốc năm 2011; có nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp trường, thi đại học đạt điểm giỏi, thủ khoa các trường đại học.

Trong công tác đoàn thể, xã hội, phục vụ cộng đồng, cô cũng là một cán bộ công đoàn năng nổ, nhiệt tình, 2 lần được tặng Bằng khen của Ban Chấp hành Công đoàn Bộ Giáo dục và Đào tạo các năm 2015 và 2017, nhiều năm là Công đoàn viên xuất sắc, hai giỏi; tham gia tích cực xây dựng tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào được tặng giấy khen của Ban Tuyên giáo Trung ương, huyện ủy Phúc Thọ năm 2017; tích cực tham gia có hiệu quả hoạt động từ thiện cho học sinh nghèo vượt khó.

Văn học là nhân học, dạy văn là dạy bài học làm người

Là một giáo viên Ngữ văn say chuyên môn, cô luôn theo đuổi phương châm giảng dạy theo lý tưởng của đại văn hào Maksim Gorky: “Văn học là nhân học”. Học văn là học cách làm người. Đồng thời, để bài giảng phù hợp với tư duy của học sinh dân tộc miền núi, cô đã áp dụng phương pháp giảng dạy khoa học, hướng các em tới duy hình ảnh nhiều hơn tư duy trừu tượng.

Những năm gần đây, cô Khánh cũng có nhiều sáng kiến, giải pháp giúp nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục, quản lý của nhà trường, như: Sáng kiến “Đổi mới một số biện pháp quản lý các hoạt động ra vào trường và kiểm diện nhằm nâng cao chất lượng quản lý học sinh, sinh viên nội trú của Trường Hữu Nghị T78” năm 2022; sáng kiến “Giáo dục, hoàn thiện kỹ năng sống cơ bản cho học sinh qua hoạt động phong trào của giáo viên chủ nhiệm Trường Hữu Nghị T78” năm học 2022-2023.

Trong 27 năm đồng hành cùng những lứa học sinh dân tộc thiểu số, với cô Khánh, là một hành trình có cả nước mắt lẫn tiếng cười.

Có những năm tháng bộn bề khó khăn, lương giáo viên còn thấp, cơ sở vật chất của trường cũng nhiều thiếu thốn. Có những học sinh đến lớp không đồng đều về lứa tuổi, thậm chí có những học sinh bằng hoặc hơn tuổi thầy, cô giáo.

Khó khăn là vậy nhưng cô Khánh và đồng nghiệp chẳng hề nao núng tinh thần. Dạy ban ngày chưa đủ, tối đến, các thầy cô tiếp tục lên lớp phụ đạo học sinh những bài chưa hiểu. Những hôm rét mướt, những lúc mưa phùn gió bấc nhưng cô và trò ai nấy đều bền lòng vượt qua mọi gian nan.

27 chuyến đò tri thức đã qua, nhưng nhiều kỷ niệm vẫn còn ở lại. Trong đó, có câu chuyện cảm động về lớp 12C khóa 2003-2006 đã làm thay đổi tư duy giảng dạy của cô Khánh trong suốt những năm học qua: “Năm ấy, lớp tôi chủ nhiệm có 3 em học sinh nghỉ học không phép, uống rượu và làm vỡ cửa kính khiến điểm thi đua của lớp “đội sổ”. Do vội vàng kết luận hiện tượng vi phạm đạo đức của các em mà không tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân, tôi đã phạt các em rất nặng.

Về sau tìm hiểu, tôi mới biết, gia đình 1 trong 3 học sinh vi phạm khi ấy xảy ra câu chuyện rất đau lòng, nên em mới cùng các bạn rủ nhau uống rượu cho vơi đi nỗi buồn. Đó cũng là lần đầu tiên trước học trò tôi nói lời xin lỗi ấp úng như ngậm hột thị. Các em cũng cúi đầu nhận lỗi trước tôi, cô trò đều rưng rưng khóc. Nhưng cũng từ hôm ấy, giữa tôi và các em đã không còn khoảng cách nào nữa, cô trò trở nên gần gũi, thấu hiểu, sẻ chia với nhau nhiều hơn”.

Cô giáo Nguyễn Thị Khánh chụp ảnh cùng một số cựu học sinh Trường Hữu Nghị T78 trong lần trở lại thăm trường. Ảnh: NVCC.

Cô giáo Nguyễn Thị Khánh chụp ảnh cùng một số cựu học sinh Trường Hữu Nghị T78 trong lần trở lại thăm trường. Ảnh: NVCC.

Với cô giáo Khánh, tình yêu thương, lòng nhân ái là đức tính quan trọng của con người và với những người làm “nghề trồng người” thì đó là yếu tố tiên quyết của sự thành công hay thất bại trong nghề nghiệp.

“Đã có lúc tôi là người ích kỷ. Tôi chỉ nghĩ đến thành tích thi đua của lớp để ghi thêm vào bảng thành tích chủ nhiệm của mình, nghĩ là kỷ luật nghiêm khắc thì mới có hiệu quả giáo dục học sinh, mà chưa thật sự nghĩ đến hoàn cảnh cụ thể của các em khi mắc lỗi. Yêu quý học sinh không có nghĩa là “cho roi, cho vọt” mà phải là chia ngọt sẻ bùi”, cô Khánh trải lòng.

Những kỷ niệm ngày ấy đã cho cô thấy rằng, chủ nhiệm lớp không chỉ có niềm vui, có sự vất vả, gian khổ mà có cả những đau đớn, có khi phải rơi nước mắt. Giáo viên chủ nhiệm lớp không phải lúc nào cũng đúng, cũng hoàn hảo, nhưng quan trọng nhất là phải biết quan tâm tới học trò bằng tình yêu thương chân thành. Chính tình yêu thương chân thành sẽ giúp giáo viên tìm ra những phương pháp tích cực nhất để giáo dục các em.

Hay câu chuyện về cậu học trò nhỏ người dân tộc Hmông với cô cũng là ký ức không thể nào phai: “Tên em ấy là Sùng Mí Say, quê Hà Giang. Hoàn cảnh gia đình cực kỳ khó khăn, bản thân vóc dáng nhỏ bé nhưng em truyền cho tôi nghị lực phi thường vượt lên số phận, em cho tôi thêm tình yêu người, nhiệt huyết với nghề, em cho tôi niềm hạnh phúc người thầy... và thật nhiều niềm lạc quan tin tưởng vào tương lai rộng mở của các em học sinh dân tộc thiểu số. Và Say cũng là một trong rất nhiều học trò của Trường Hữu Nghị T78 đã đi học rất xa để tương lai về gần!”.

Hay rất nhiều thế hệ học trò của Trường Hữu Nghị T78 đã trưởng thành dưới sự dìu dắt của cô Nguyễn Thị Khánh.

Và trên khắp dải đất “hình chữ S” này, có biết bao thầy cô giáo cũng đang ngày đêm tận tụy với những chuyến đò tri thức. Những công lao khó nhọc ấy không sao kể hết. Đó chính là người đã góp phần tạo nên những thế hệ tương lai đạo đức, giỏi giang để xây dựng Tổ quốc ngày một giàu mạnh, vinh quang.

Một số thành tích tiêu biểu của cô giáo Nguyễn Thị Khánh:

Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp Cụm Đan Phượng - Phúc Thọ. Nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường.

Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh (năm 2002), cấp cụm (2011).

Huân chương Hữu Nghị của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (2022); Bằng khen của Ủy ban Dân tộc (2022); Chiến sĩ thi đua cơ sở năm học 2022-2023.

Phạm Hằng