Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị vừa được Bộ Chính trị ban hành đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Cùng với Thông báo số 20 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật, Quy định số 96 đã góp phần làm thay đổi căn bản công tác cán bộ trong đời sống chính trị của đất nước.
Để cung cấp góc nhìn toàn diện hơn đến độc giả, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Lấy phiếu tín nhiệm góp phần phát hiện tiêu cực
Phóng viên: Thưa Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, trong năm 2023, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm có ý nghĩa như thế nào trong công tác cán bộ hiện nay, thưa ông?
Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim: Việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn phải tuân thủ theo quy định lấy phiếu tín nhiệm trong chương trình hoạt động của tổ chức Quốc hội; căn cứ theo Quy định 96 ngày 02/02/2023 vừa mới đây của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu đoàn Nam Định. Ảnh: Mộc Trà. |
Căn cứ vào Luật Tổ chức Quốc hội, Đại biểu Quốc hội coi đây là trách nhiệm cần phải đề cao. Điều quan trọng nhất là bằng lá phiếu của mình, phải góp phần đánh giá chính xác mức độ tín nhiệm của Quốc hội và kể cả cử tri và nhân dân với tư cách là người đại diện.
Lấy phiếu tín nhiệm lần này, cần phải tỏ rõ chính kiến của Đại biểu Quốc hội thông qua nhận xét, đánh giá các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn đã thực hiện nhiệm vụ cử tri và Quốc hội giao như thế nào và đạo đức, lối sống như thế nào.
Theo tôi, đây là việc làm hết sức cần thiết, có đánh giá đúng mức độ hoàn thành nhiệm vụ thì mới có thể giúp cho cán bộ tiếp tục phát huy vai trò của mình, khắc phục hạn chế, khuyết điểm.
Việc hoàn thành nhiệm vụ được thể hiện ở 3 mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.
Lá phiếu tín nhiệm sẽ đánh giá được năng lực và uy tín của cán bộ, giúp các cơ quan chức năng quản lý đội ngũ cán bộ.
Bởi vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm có ý nghĩa sâu sắc, toàn diện và xác đáng đối với vấn đề đánh giá và sử dụng cán bộ. Đây là vấn đề rất cốt lõi.
Phóng viên: Thời gian qua, dư luận vẫn đang rất quan tâm đến những vụ việc tiêu cực của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, và đặc biệt băn khoăn về trách nhiệm nêu gương ở cán bộ hiện nay. Vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm có góp phần giải quyết vấn đề này, thưa ông?.
Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim: Điều khiến tôi cảm thấy đau lòng nhất chính là biểu hiện của một số cán bộ tha hóa, biến chất, chạy theo tự tư, tự lợi, vì lợi ích của cá nhân, của gia đình mà đánh đổi lợi ích chung, sai phạm của cá nhân họ làm ảnh hưởng đến uy tín của tập thể, tổ chức.
Chuyện này vốn đã tồn tại, không ít, diễn ra âm ỉ “trong bóng tối”. Hiện tại, do cơ chế chính sách và phương thức thực hiện kỹ lưỡng hơn, chặt chẽ hơn, cho nên các vụ việc tiêu cực mới bị phát hiện nhiều hơn.
Điều đó, chứng tỏ công tác chống tham nhũng, tiêu cực bây giờ đang tích cực, hiệu quả hơn.
Công tác lấy phiếu tín nhiệm sẽ góp phần trong việc đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, góp phần chỉ ra những biểu hiện tiêu cực mà có thể trước đó chưa được nêu ra, chưa bị phát hiện.
Phóng viên: Một vấn đề nữa, là tình trạng cán bộ biểu hiện né tránh, sợ sai, chờ đợi, không dám nghĩ dám làm, với tâm lý “ngồi không hưởng chế độ”... Để ngăn chặn triệt để tình trạng tương tự, cần có những giải pháp gì thưa ông?
Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim: Về tâm lý chờ đợi của cán bộ, không dám nghĩ dám làm, tôi đánh giá những cán bộ đó là không có bản lĩnh và thực sự là thiếu trách nhiệm và không có năng lực thực sự.
Bởi vì, trước những thử thách, những tình huống đặt ra, người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có khả năng giải quyết, thì mới là cán bộ năng động, sáng tạo và có bản lĩnh. Còn cán bộ lãnh đạo mà nằm yên, chờ đến khi “trải thảm”, đến khi có điều kiện thuận lợi mới làm thì cũng không có ý nghĩa gì trong công việc và cuộc sống cho lắm.
Xã hội luôn luôn vận động và phát triển, nếu ta chỉ đứng im một chỗ, không nhúc nhích thì khác nào “vật cản”. Cán bộ lãnh đạo mà do dự không làm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, tức là tự biến mình trở thành “vật cản” cho sự tiến bộ của xã hội, và hơn nữa là cho tiến trình phát triển của đất nước... Như vậy, vô hình trung kéo lùi tiến trình vận động của lịch sử.
Có thể, có người sẽ tưởng rằng, họ dừng lại như vậy là “bước dừng chiến thuật”, nhưng không thể được! Anh chờ “nước sôi lửa bỏng” qua đi, mới bắt đầu làm thì đâu còn ý nghĩa gì? Họ không tạo ra một tác nhân tích cực nào mà chờ “nước lên thì thuyền lên”, luôn bị động trong công việc, những cán bộ như vậy cần phải xem lại.
Giống như một câu nói của nhân vật Paven Coocsaghin: “Đến khi áo đủ cơm đầy, mới ra tay vùng vẫy, thì khác nào én nhạn chiều đông muốn bay mà không cất cánh”.
Đối với những cán bộ “ngồi không” như vậy, tôi gọi đó là cán bộ “ký sinh”, sống “tầm gửi”; không phải là một nhân tố tích cực, không phải một tế bào mạnh để phát triển. Đó là sự thoái hóa, vì trong tiến trình phát triển, hướng về phía trước thì không cho phép ai đứng lại “bình chân như vại”.
Là cán bộ, phải tích cực, phải năng động và sáng tạo, nếu ai không làm được thì nên lùi bước, nhường vị trí cho những người xứng đáng. Xung quanh chúng ta biết bao người tài giỏi, nhiều người mong muốn được làm việc, cống hiến cho xã hội, làm cho sức sống của xã hội mạnh mẽ lên.
Thứ nhất, với tư tưởng hễ cứ làm là sợ sai, nhưng sao đối với nhiều việc tiêu cực vừa qua lại không sợ? Nếu làm việc đặt cái tâm, cái đức vào, không tơ tưởng tư lợi, thì đâu phải lo lắng nhiều đến thế.
Thứ hai, bản thân là lãnh đạo quản lý lại không nắm được đội ngũ cán bộ của mình, để cán bộ làm sai mà không biết, cho nên vừa làm vừa run, vừa ký vừa run. Đó chính là do không nắm được cán bộ dưới quyền, không nắm được nhiệm vụ; lại còn nghiệp vụ chuyên môn yếu, nên để người khác lôi kéo, đến khi sa ngã mới giật mình, ân hận, thì đã quá muộn màng...
Phóng viên: Vậy, theo ông, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các cán bộ lãnh đạo, quản lý có thể trở thành một trong những giải pháp ngăn tình trạng trên? Đặc biệt, tiêu chí “gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước” cũng được nhấn mạnh trong Quy định 96. Ông đánh giá thế nào về nội dung này?
Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim: Đây cũng là một dịp để những người có chức vụ quyền hạn được Quốc hội bầu và phê chuẩn tự nhận thấy ưu, khuyết điểm của bản thân và những điều cần phải phấn đấu, tu dưỡng. Để họ nhìn lại vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình đã làm đến đâu, cần tiếp tục phấn đấu hơn nữa trong công việc.
Mặt khác, tổ chức cũng thông qua đó động viên, hỗ trợ giúp đỡ để cán bộ hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Điều này cũng phải đáp ứng sự mong đợi của cử tri, thấy việc lấy phiếu tín nhiệm là có tác dụng tích cực, qua phiếu tín nhiệm để thấy sự đánh giá đúng, sắp xếp bố trí cán bộ phù hợp. Đặc biệt, cần có cơ chế phát hiện trong xã hội những người có tài năng, đức độ, có đủ phẩm chất để có thể sẵn sàng thay thế những người có năng lực, phẩm chất yếu kém, thoái hóa biến chất.
Quy định số 96 vừa ban hành, trong việc đánh giá mức độ tín nhiệm của cán bộ đang được dư luận quan tâm đặc biệt là “sự gương mẫu của bản thân cán bộ và vợ, chồng, con cái cán bộ đó trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Nội dung này là một tiêu chí rất quan trọng, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Thực tế đã có nhiều vụ việc tiêu cực có sự liên đới của cán bộ, người thân của cán bộ.
Tôi cho rằng, đây là một câu chuyện khó, vì muốn đánh giá mức độ tín nhiệm của cán bộ liên quan sự gương mẫu của vợ chồng, con cái cán bộ một cách khách quan vẫn phải bắt đầu từ việc nắm bắt dư luận, rồi mới đi vào làm rõ bản chất vấn đề. Tất cả các công đoạn đó phải làm việc theo tinh thần cẩn trọng, nhưng cái hạn chế nhất hiện nay là cán bộ không tự giác nhìn thấy sai lầm, khuyết điểm. Tuy nhiên, dù khó đến đâu vẫn phải làm, vì đó là một trong những tiêu chí cần thiết để đánh giá cán bộ. Bản thân là cán bộ lãnh đạo, quản lý thì không có lý nào để vợ chồng, con cái, người thân làm điều tiêu cực mà mình không hề hay biết.
Để việc lấy phiếu tín nhiệm có giá trị đích thực
Phóng viên: Để việc lấy phiếu tín nhiệm diễn ra một cách công tâm, mang lại kết quả chính xác, khách quan, cần những lưu ý gì, thưa Đại biểu?
Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim: Để việc bỏ phiếu tín nhiệm chính xác, thể hiện đúng với kết quả mà các chức danh đã hoàn thành nhiệm vụ trong nửa nhiệm kỳ của Quốc hội, cần phải có những bước chuẩn bị chặt chẽ.
Đối tượng được bỏ phiếu tín nhiệm cần phải trình bày đầy đủ về quá trình làm việc, kết quả tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu một cách toàn diện, kể cả việc làm gương - không những của cán bộ mà vợ con, người thân cần phải nhìn nhận một cách rõ ràng. Vì thế, bản tự kiểm điểm ưu khuyết điểm trong quá trình làm việc tu dưỡng đó phải được cung cấp sớm cho Đại biểu Quốc hội, ít nhất 10-15 ngày.
Để bảo đảm chính xác, Đại biểu Quốc hội cũng cần phải có đủ thông tin, tìm hiểu và có một quá trình theo dõi, giám sát cán bộ, để tránh việc cảm tính, lợi dụng phiếu của mình làm thiệt hại đến danh dự, uy tín của người khác. Như vậy, việc ghi phiếu tín nhiệm đòi hỏi Đại biểu Quốc hội phải có quá trình tìm hiểu về cán bộ đó một cách công phu, cụ thể và rõ ràng, không chạy theo dư luận, thiếu căn cứ xác đáng.
Với những đồng chí được “tín nhiệm cao” thì cần tiếp tục phát huy những kết quả đã làm được, để luôn xứng đáng trọng trách và Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Tuy nhiên, với người “tín nhiệm thấp” quá tỷ lệ 50%, tôi đề nghị cần phải xem xét chuyển đổi vị trí công tác (hạ tầng chức vụ) hoặc yêu cầu từ chức. Bối cảnh công tác quản lý cán bộ hiện nay, bắt buộc phải làm như vậy, phải hướng tới mục tiêu như vậy thì việc lấy phiếu tín nhiệm mới có giá trị đích thực.
Cho nên, các khâu, các việc từ người được lấy phiếu tín nhiệm với người có quyền ghi phiếu tín nhiệm phải xác định được trách nhiệm của mình theo tinh thần có trách nhiệm cao trước Đảng, trước Nhân dân. Tất cả đều hướng tới nhiệm vụ trọng tâm là phấn đấu xây dựng và bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ có năng lực và phẩm chất, nghĩa là đủ đức, đủ tài để hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất mà Quốc hội, Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Lấy phiếu tín nhiệm, tuy là việc quan trọng, cần thiết, nhưng đây là một việc làm bình thường trong vấn đề xem xét đánh giá cán bộ, sắp xếp, bố trí, sử dụng đúng cán bộ thường kỳ. Không thể coi đó chỉ là thủ tục hành chính, làm qua loa, hình thức, lãng phí công sức…
Phóng viên: Ông có kỳ vọng gì trong lần lấy phiếu tín nhiệm tới đây, thưa đại biểu?
Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim: Tôi mong rằng, Quốc hội thông qua việc chủ động theo dõi, giám sát của Đại biểu Quốc hội, sẽ giúp sức cho việc xây dựng, bồi dưỡng, bố trí một đội ngũ cán bộ ngang tầm với nhiệm vụ.
Và cũng theo cách làm của Quốc hội, mỗi tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị hãy làm tốt nhiệm vụ lấy phiếu tín nhiệm ở cơ quan đơn vị mình, để “chung lưng đấu cật” với cuộc đấu tranh chống tham nhũng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch bộ máy Nhà nước trong giai đoạn ngày nay.
Chỉ có như vậy, xã hội mới phát triển, khát vọng hùng cường và thịnh vượng của đất nước Việt Nam theo mục tiêu của Đại hội XIII của Đảng mới có thể thực hiện thành công.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!