Quy định lấy phiếu tín nhiệm: Có căn cứ rõ ràng để cho cán bộ thôi giữ chức vụ

10/02/2023 06:39
Thủy Tiên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quy định 96 là một bước tiến, đi liền với kết quả lấy phiếu tín nhiệm là sự sắp xếp lại cán bộ nếu tín nhiệm thấp trên 50%.

Vừa qua, Quy định 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị vừa được Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký ban hành.

Những điểm mới trong quy định này nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn trong dư luận.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đã đánh giá, những điểm mới trong quy định này chính là một bước tiến để nâng cao chất lượng cán bộ trong cả hệ thống chính trị.

Phóng viên: Thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, ông đánh giá có như thế nào về những điểm mới trong Quy định 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc: Theo tôi, việc lấy phiếu tín nhiệm kỳ này theo Quy định 96 của Bộ Chính trị là một kênh rất quan trọng để đánh giá cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Đồng thời, đi liền với đánh giá cán bộ, là sự sắp xếp lại cán bộ theo kết quả đánh giá đó: Tín nhiệm thấp thì có thể phải miễn nhiệm, từ chức, nhưng người được tín nhiệm cao thì cũng có cơ hội thăng tiến hơn. Đây là một điểm rất quan trọng!

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Ảnh: Thủy Tiên

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Ảnh: Thủy Tiên

So với trước đây, mặc dù cũng đã có chủ trương lấy phiếu tín nhiệm, cũng có 3 mức (tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp), nhưng cũng chỉ là một kênh “tham khảo”. Qua theo dõi của tôi, khi đó, phần lớn các đồng chí được tín nhiệm cao, chỉ có rất ít các đồng chí có phiếu tín nhiệm thấp, mà số phiếu tín nhiệm thấp so với phiếu tín nhiệm cao của chính một đồng chí đó cũng rất thấp. Tuy nhiên, sau khi bỏ phiếu, cũng chỉ là một kênh để nắm tình hình cán bộ lãnh đạo, quản lý chứ chưa có sự sắp xếp lại nhân sự.

Vì vậy, theo tôi, đây là một bước tiến, đi liền với bỏ phiếu tín nhiệm và kết quả bỏ phiếu chính là gắn liền với việc cán bộ từ chức và miễn nhiệm cán bộ.

Một điểm nữa, trước đây, Bộ Chính trị cũng đã có Quy định số 41-QĐ/TW việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Tuy nhiên, qua theo dõi của tôi, có rất ít đồng chí tự rút khỏi vị trí lãnh đạo của mình, cũng như một số đồng chí không từ chức cũng không được cơ quan có trách nhiệm sắp xếp lại công việc, còn có sự nghe ngóng giữa người đang giữ chức vụ với tập thể cơ quan lãnh đạo... như vậy chưa đạt hiệu quả.

Chính vì vậy, theo tôi, Quy định số 96 này chính là bước tiếp tục cụ thể hóa Quy định 41 của Đảng về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Kết luận 20 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.

Lần này, Quy định 96 đã nêu rõ, thông qua lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá cán bộ, nếu không đạt được yêu cầu tín nhiệm cần thiết sẽ miễn nhiệm. Những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định mà không chờ đến hết nhiệm kỳ hoặc hết thời hạn bổ nhiệm.

Có thể nói, quy định lần này rõ ràng hơn, cụ thể hơn và chặt chẽ hơn, để tất cả các cấp dễ thực hiện hơn và việc bỏ phiếu tín nhiệm cũng được thực hiện ở diện rộng hơn so với trước đây.

Về phạm vi, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, thành phần ghi phiếu và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, Quy định nêu rõ các trường hợp lấy phiếu tín nhiệm là cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc.

Về tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm, là phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu).

Như vậy, người bỏ phiếu tín nhiệm cũng cần đề cao trách nhiệm, phải dựa vào ít nhất 2 tiêu chí cơ bản đó để bỏ phiếu cho chính xác, không nên bỏ phiếu theo cảm tính, quý ai, thích ai thì “tín nhiệm cao”, ghét ai, hoặc thấy ai không hợp với mình thì “tín nhiệm thấp”, làm như thế thì kết quả sẽ bị sai lệch đi, không phản ánh đúng thực chất.

Một điểm nữa mà tôi đánh giá cao, đó là quy định rõ việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành vào năm thứ 3 của nhiệm kỳ, được xem là năm “bản lề”, rất quan trọng trong đánh giá cán bộ...

Phóng viên: Vậy ngoài ra, có điểm nổi bật nào đáng chú ý trong Quy định 96 khiến ông đặc biệt quan tâm?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc: Kỳ này, Quy định 96 cũng chỉ rõ, sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như trách nhiệm nêu gương của cán bộ là một trong những tiêu chí được xem xét khi lấy phiếu tín nhiệm.

Trước đây, cũng đã từng có những hiện tượng lợi dụng vị trí của người thân có cương vị trong bộ máy lãnh đạo, quản lý để làm những việc sai trái, nhất là trong vấn đề lợi ích kinh tế, tham nhũng, tạo “sân sau”, “lợi ích nhóm”... chính là lợi dụng thân tộc để tạo ra một số tiêu cực như vậy.

Lần này, Quy định 96 cũng đề cập đến vấn đề làm rõ, những cán bộ lãnh đạo, quản lý có hiện tượng để cho vợ con, anh em thân tộc lợi dụng vị trí của mình để trục lợi, hay làm những việc sai trái, tiêu cực hay không?

Trong lịch sử Việt Nam mình trước đây có câu “Một người làm quan cả họ được nhờ”, và người ta thường vin vào đó để làm những điều không đúng. Tôi cho rằng, thông qua Quy định 96 này, cũng là một giải pháp răn đe, để các cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng như người thân của họ không bị suy nghĩ sai lệch đó chi phối nữa, mà bản thân các cán bộ phải làm việc cống hiến cho đất nước, cho nhân dân. Người thân trong gia đình phải tìm cách bảo vệ, giữ gìn vị trí của chính bản thân cán bộ lãnh đạo, quản lý, để không làm những việc sai trái.

Mặt khác, ở một khía cạnh nào đó, tôi cũng cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm không chỉ là kênh đánh giá quan trọng đối với cán bộ, mà thông qua đó cũng là cách kiểm soát quyền lực... Thông qua lấy phiếu tín nhiệm, để nhắc nhở các cán bộ, Đảng viên giữ các chức vụ luôn luôn phải tu dưỡng, rèn luyện, theo những chuẩn mực, yêu cầu, quy định của Đảng, phải thật sự liêm chính, chí công vô tư như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy...

Đồng thời, Quy định này cũng góp phần tạo nên một hệ thống các giải pháp để tăng cường công tác giáo dục, công tác quản lý cán bộ thật chặt chẽ và thông qua đó để đánh giá cán bộ đúng thực chất. Cán bộ cũng tự “soi”, tự sửa mình nếu thông qua bỏ phiếu, mức độ tín nhiệm của mình không được cao... Bản thân cán bộ lãnh đạo, quản lý phải tự tu dưỡng, rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi để hướng tới mục tiêu mang lại cho sự nghiệp chung của Đảng và Nhà nước, cho nhân dân.

Phóng viên: Với những bước tiến như vậy, ông có kỳ vọng gì trong lần lấy phiếu tín nhiệm tới đây?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc: Tôi cho rằng, có Quy định 96 của Bộ Chính trị rồi, thì sắp tới sẽ có sự chuyển động tích cực trong toàn bộ hệ thống chính trị các cấp.

Chắc chắn, đợt lấy phiếu tín nhiệm tới đây sẽ như một đợt sinh hoạt chính trị, có thể tìm ra được những cán bộ ưu tú nhất, đồng thời, cũng phát hiện ra những cán bộ năng lực còn yếu hay uy tín còn thấp, thông qua đó, sắp xếp lại bộ máy cho ngày càng tốt hơn, hoàn thiện hơn.

Chắc chắn, mọi người đều hy vọng như vậy, và tôi cũng tin chắc rằng, đã có những quy định mới như thế này, chúng ta sẽ lấy phiếu tín nhiệm một cách khách quan, phản ánh đúng thực chất, có độ tin cậy cao hơn, để chọn được những cán bộ tốt, ưu tú, nòng cốt, đúng với mong muốn của nhân dân.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thủy Tiên