Tại hội thảo về trường học hạnh phúc đã có đề xuất cho rằng nên bỏ xếp thứ tự học sinh theo điểm số. Bởi cuối năm học, nhiều giáo viên sẽ tổng kết điểm của học sinh theo môn, xếp thứ tự rồi phát cho phụ huynh. Điều này đã vô tình gây nên áp lực gánh nặng tinh thần không nhỏ đối với các em học sinh và cả phụ huynh.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thu Biên – Phó Giám đốc Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phenikaa bày tỏ, vẫn nên xếp thứ tự học sinh theo điểm số nhưng thông tin xếp thứ tự này không nên công khai trước toàn lớp hay toàn trường mà chỉ cho học sinh và phụ huynh biết.
Học sinh Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa trong giờ học (Ảnh: Website nhà trường). |
Theo cô Biên, nếu không xếp hạng học sinh theo thứ tự sẽ rất khó để giáo viên và gia đình nắm được khả năng của các em để đưa ra những mục tiêu, kế hoạch học tập cụ thể. Tuy nhiên, các giáo viên, nhà trường chỉ nên cho bố mẹ và học sinh biết được thứ tự này.
Cách làm như vậy sẽ hạn chế được việc học sinh bị so sánh với những bạn học khác, giúp các em luôn có cái nhìn thiện cảm với mọi người, không ghen ghét hay đối kỵ với người khác. Từ đó, tạo cho các em sự tự tin hơn vào bản thân. Bởi theo cô Biên, mỗi con người trong chúng ta đều có năng lực theo một cách khác nhau nên mọi sự so sánh đều là khập khiễng.
Không chỉ đánh giá theo điểm số, học sinh nên được đánh giá thông qua các hoạt động, các cuộc thi lớp, trường và chọn ra một số học sinh tiêu biểu của các hoạt động, cuộc thi đó. Qua đó, các em cũng nhận ra những thế mạnh riêng của bản thân và tìm được động lực xuất phát từ nội tại.
Không những vậy, khi tuyên dương và động viên những học sinh có nỗ lực, cố gắng, các nhà trường nên áp dụng những tiêu chí là học sinh có thành tích tốt nhất và học sinh có nỗ lực nhiều nhất để động viên, khích lệ tinh thần phấn đấu cho các em có sự nỗ lực thay vì chỉ có thành tích.
Bởi, trường học hạnh phúc là một môi trường giúp cho các em học sinh tự tin, không có những áp lực quá lớn và cảm thấy được tôn trọng, nhìn nhận. Có thể em học sinh đó không giỏi về môn Toán, tiếng Việt nhưng có thể giỏi về giáo dục thể chất, giỏi về nghệ thuật.
Tuy nhiên, việc thông báo số thứ tự xếp hạng cho phụ huynh có thể có một số bậc cha mẹ vẫn tạo áp lực cho con, đặt áp lực con phải có thứ hạng cao.
Vậy nên, cô Biên cho rằng, sau mỗi lần thông báo điểm như vậy, chính giáo viên là người đã dạy học trực tiếp cho học sinh nên tư vấn cho bố mẹ các em là mục tiêu mong muốn của gia đình có phù hợp với con của mình hay không để cùng xây dựng lộ trình đạt được mục tiêu tốt hơn. Và phải có quá trình để trau dồi và thay đổi chứ không nên bắt ép các em phải thay đổi luôn. Sự thống nhất giữa giáo viên, bố mẹ và học sinh trong công tác giáo dục là rất quan trọng.
Bỏ xếp thứ tự học sinh theo điểm số không phải giải pháp cốt cán
Cũng bàn về vấn đề trên, ông Lê Thanh Kính – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, mục đích trong việc xây dựng mô hình trường hạnh phúc là các em học sinh có hứng thú với việc học tập và thoải mái khi đến trường. Và việc bỏ sắp xếp thứ tự theo điểm số không phải giải pháp cốt cán để thực hiện được mục tiêu trên.
Quan trọng là cách làm của giáo viên khi đánh giá điểm sao cho phù hợp và không mang tính chê bai, để học sinh thấy rằng không phải vì thua các bạn mà các em không hạnh phúc, áp lực mà giúp các em có động lực phấn đấu cao hơn.
Nhìn vào thực tế có thể thấy, việc xếp thứ tự học sinh theo điểm số có thể giúp những em nỗ lực, phấn đấu để đạt được kết quả mong muốn như đang từ hạng 2, hạng 3 lại cố gắng nhiều hơn để lên hạng nhất như mục tiêu mình mong muốn.
Vậy nên, thay vì đề xuất trên, chúng ta cần phải tập trung vào đào tạo, tăng cường tập huấn các kỹ năng, cách ứng xử của giáo viên đối với học sinh để làm sao các thầy cô luôn nhẹ nhàng trong dạy học, giáo dục với học trò.
Hơn nữa, cần xây dựng sự đoàn kết nội bộ với các thầy cô trong nhà trường, xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc cho giáo viên bởi giáo viên phải hạnh phúc thì học sinh mới hạnh phúc.
Trong khi đó, cô Trần Thị Dung Huế - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Đài (Hà Tĩnh) cho hay, trên thực tế, có khá nhiều phụ huynh vì xếp thứ tự theo điểm số mà tạo áp lực lên các con.
Tuy nhiên, theo cô Huế, nếu không xếp thứ tự học sinh theo điểm số sẽ khó có thể tạo động lực phấn đấu, sự tiến bộ cho các em học sinh. Quan trọng là giáo viên phải có cách làm ra sao để cho học sinh, phụ huynh không bị nặng nề về điểm số qua việc xếp thứ tự mà từ đó nhằm tạo ra các phong trào thi đua học tập cho các em; biết nhẹ nhàng, khéo léo trong việc thông báo điểm số theo thứ tự đến với phụ huynh và học sinh.
Vậy nên, cô Huế mong rằng, lãnh đạo nhà trường không nên quá tạo áp lực cho các thầy cô trong việc thi đua về điểm số mà chỉ nên ghi nhận chất lượng của những lớp học khi nhận thấy có sự tiến bộ, cố gắng của học sinh.
Ngoài ra, chính các bậc cha mẹ cần đồng hành, phối hợp cùng giáo viên và nhà trường để nắm được mức điểm và thứ tự như vậy đã phù hợp với năng lực thực tế của con mình hay chưa, không nên đặt ra mục tiêu quá sức với các con.