Tôi thấy các thầy cô không làm chủ nhiệm thật sướng và thảnh thơi

23/08/2021 07:09
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bị nhiều áp lực bủa vây nên không ít thầy cô giáo có tư tưởng xin không muốn làm chủ nhiệm cũng là chuyện thường tình.

Bài viết “Khi thầy cô đùn đẩy nhau làm chủ nhiệm, nhà trường phải làm sao?” của tác giả Hương Mai đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 22/8 đã phản ánh thực trạng xảy ra trong nhiều trường học hiện nay và cũng là tiếng lòng của nhiều nhà giáo đã và đang làm công tác chủ nhiệm lớp, một công việc được đánh giá là áp lực nặng nề từ mọi phía nhưng ưu đãi gần như bằng không.

Giáo viên chủ nhiệm lớp có quyền lợi gì?

Điều 8 Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT quy định như sau:

+ Giáo viên chủ nhiệm lớp ở cấp tiểu học, ở trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật được giảm 3 tiết/tuần.

+ Giáo viên chủ nhiệm lớp ở cấp trung học cơ sở (cấp 2) và cấp trung học phổ thông (cấp 3), trường chuyên, trường bán trú được giảm 4 tiết/tuần.

Ảnh minh họa, nguồn: teach.vn.

Ảnh minh họa, nguồn: teach.vn.

Như vậy, theo các quy định trên, định mức tiết dạy của giáo viên chủ nhiệm tiểu học sẽ chỉ còn 20 tiết/tuần, giáo viên chủ nhiệm trường cấp 2 còn 15 tiết/tuần, giáo viên chủ nhiệm trường cấp 3 còn 13 tiết/tuần...

Tuy nhiên, tại một số địa phương nhiều trường trung học cơ sở mỗi tuần đã lấy 0.5 tiết của mỗi giáo viên chủ nhiệm chuyển sang qua cho tổ giám thị. Vì thế, số tiết giáo viên chủ nhiệm được nhận thực chất chỉ có 3,5 tiết/tuần.

Áp lực tứ phía bao vây

Ngoài những ưu đãi là giảm trừ một số tiết dạy trong tuần như trên thì giáo viên chủ nhiệm hầu như không được nhận thêm một quyền lợi gì cả. Ngược lại, áp lực lại dồn trên vai quá nhiều, chúng tôi quen gọi là bị áp lực bao vây tứ phía.

a/ Từ phía nhà trường

Trăm thứ bà giằng đều đổ lên đầu giáo viên chủ nhiệm như học sinh chưa ngoan, hay vi phạm nội quy thì tại giáo viên chủ nhiệm giáo dục chưa nghiêm, chưa tốt. Học sinh đánh nhau, do giáo viên chủ nhiệm lơ là công tác chủ nhiệm, chưa gần gũi, chưa thấu hiểu các em.

Học sinh lười học, do giáo viên chủ nhiệm chưa nhiệt tình quan tâm. Học sinh nộp các khoản tiền chậm, ủng hộ tiền ít, không mua sách vở…do giáo viên chủ nhiệm làm công tác chủ nhiệm yếu. Học sinh bỏ học, do giáo viên chủ nhiệm chưa biết vận động các em ra lớp…

Mệt hơn nữa là với những trường học có nhiều phong trào thi đua, nhiều hoạt động ngoài giờ thì giáo viên chủ nhiệm luôn là người cực nhất. Các thầy cô phải bỏ cả việc nhà đôi khi bỏ cả những tiết dạy để tập dợt, chuẩn bị cho học sinh múa hát, đóng kịch, giới thiệu trong các hội giao lưu. Được giải thì không sao, lớp không đạt giải cũng tại thầy cô chưa đầu tư xứng đáng.

Nhiều trường đã tự ban hành quy định riêng để khống chế giáo viên chủ nhiệm buộc các thầy cô giáo phải làm tốt tất cả những nội quy của trường đề ra. Đó là việc, xếp thứ hạng các lớp chủ nhiệm mỗi tuần.

Cứ vào sáng thứ Hai chào cờ, khi tên lớp chủ nhiệm của thầy cô giáo nào được vinh danh trong tốp đầu thì thầy cô giáo ấy cũng sẽ được khen. Ngược lại, cứ liên tục vài tuần đội sổ thì xem như giáo viên chủ nhiệm cũng bị lọt vào “sổ đen” của nhà trường. Nhẹ thì bị nhắc nhở, nặng sẽ bị điểm trừ thi đua.

Đã có những giáo viên cuối năm dù thành tích giảng dạy rất tốt nhưng vì bị kết luận công tác chủ nhiệm chưa tốt cũng chỉ được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ thậm chí là không hoàn thành nhiệm vụ.

b/ Từ phía phụ huynh

Ngoài áp lực từ phía nhà trường, giáo viên chủ nhiệm còn bị áp lực nặng nề từ phía phụ huynh học sinh. Mỗi lần có học sinh vi phạm, giáo viên chủ nhiệm ngoài việc nhắc nhở học sinh phải liên hệ với phụ huynh để phối hợp giáo dục.

Thế nhưng có phải phụ huynh nào cũng muốn nghe thầy cô giáo phản ánh sự thật chưa tốt về con mình. Thậm chí có người còn nổi đóa, "con tôi ở nhà ngoan tại cô (thầy) có ác cảm với nó nên mới thế".

Nào là, nó vi phạm trên trường thì nhà trường cứ nhắc nhở gọi cho phụ huynh làm gì cho mệt. Người thì phủi tay, chúng tôi còn lo ăn lo làm, có thì giờ nhiều đâu mà giáo dục. Người lại lớn tiếng, nó có hư mới nhờ đến nhà trường, nó mà ngoan, học giỏi cần gì phải cho đi học...

Thầy cô giáo không gọi điện về cho gia đình thông báo tình hình cũng bị mắng là không quan tâm đến học sinh mà gọi về cũng bị mắng là gọi hoài, gọi mãi, cứ thấy số điện thoại hiện lên là thấy ghét, chẳng muốn bốc máy…

Đã có những giáo viên chủ nhiệm bị gia đình học sinh hành hung cũng chỉ vì nhắc nhở các em khi vi phạm hoặc đã dùng biện pháp kỷ luật (theo quy định của nhà trường) với lý do ở nhà con tôi chẳng phải động tay động chân thứ gì sao cô (thầy) lại bắt nó quét sân trường, tưới cây, dọn vệ sinh?...

Trong khi giáo viên chủ nhiệm muốn được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ phải "trầy da tróc vảy" thì nhìn sang những giáo viên không chủ nhiệm thật sướng và thảnh thơi.

Những thầy cô giáo không chủ nhiệm chỉ cần giảng dạy tốt là đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình mà chẳng ai bắt bẻ gì.

Bị nhiều áp lực bủa vây nên không ít thầy cô giáo có tư tưởng xin không muốn làm chủ nhiệm cũng là chuyện thường tình.

Câu hỏi đặt ra là, để làm thế nào cho giáo viên không từ chối khi được phân công làm chủ nhiệm mà phải thấy mừng, thấy vinh dự khi mình được chọn làm giáo viên chủ nhiệm?

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Bùi Mạnh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trưng Vương tỉnh Quảng Trị về vấn đề này. Ông Dũng cho biết, nhà trường sẽ chọn giáo viên để giao cho công tác giáo viên chủ nhiệm. Các thầy cô giáo ở trường cũng rất vui khi được làm công tác chủ nhiệm.

Ông Dũng cho biết, đầu tiên là việc ưu đãi chế độ. Nhà trường giảm trừ cho giáo viên chủ nhiệm 5 tiết dạy/tuần, các thầy cô giáo vẫn sẽ dạy và tính thành tiền tăng tiết.

Bồi dưỡng cố định ít nhất 500 ngàn đồng/tháng, tùy theo lớp đông học sinh có thể tăng thêm tiền.

Hàng tháng, nhà trường có tiền thưởng cho cả trường nhưng riêng giáo viên chủ nhiệm được ưu tiên hơn. Ví dụ cả trường được thưởng 200 đến 300 ngàn thì giáo viên chủ nhiệm sẽ được 500 ngàn đồng.

Nếu cộng cả tiền tăng tiết từ các tiết chủ nhiệm thì một tháng giáo viên chủ nhiệm ở đây sẽ có hơn đồng nghiệp khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng.

Đây chính là sự khác biệt rất lớn của giáo viên chủ nhiệm trường công so với giáo viên chủ nhiệm trường tư thục.

Khoan hãy vội trách giáo viên không muốn làm công tác chủ nhiệm là thiếu nhiệt huyết với nghề mà sự hy sinh nào cũng cần được ghi nhận, công sức nào bỏ ra cũng cần được trả công xứng đáng.

Không muốn làm giáo viên chủ nhiệm đang là thực trạng ở nhiều trường học hiện nay. Một công việc không muốn nhưng vẫn buộc phải nhận thì kết quả chắc chắn sẽ không bằng sự xung phong đầy nhiệt huyết.

Làm gì để khơi dậy lòng nhiệt huyết của giáo viên? Chẳng có biện pháp nào hữu hiệu hơn ngoài việc giảm áp lực thành tích, phong trào cho các thầy cô giáo chủ nhiệm, xét thi đua cũng nên ưu tiên hơn cùng với đó cần tăng định mức giảm trừ tiết dạy cho các thầy cô giáo làm công tác chủ nhiệm.

Ngoài ra, cha mẹ học sinh cũng nên thấu hiểu, cảm thông và hợp tác nhiệt tình mỗi khi các thầy cô giáo chủ nhiệm liên hệ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên