LTS: Trao đổi về chủ trương bỏ biên chế trong ngành giáo dục, thầy giáo Trần Quốc Thường, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Biểu (Đức Thọ, Hà Tĩnh) bày tỏ sự ủng hộ với chủ trương này.
Đồng thời, tác giả cũng đưa ra một số kiến nghị để công cuộc đổi mới hiệu quả, hạn chế những tiêu cực.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Tôi có 12 năm giảng dạy, 27 năm làm quản lý trường học luôn trăn trở với ngành, với nghề.
Cách đây hơn 6 năm, tôi (Quốc Thường) đã viết bài “Trước hết cần đổi mới quản lí giáo dục” với bút danh La Chuan và đã được báo đăng.
Nay Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương xóa biên chế giáo viên, trùng với cách nghĩ mà tôi đã nêu ra trước đây, quan điểm tôi là tiếp tục ủng hộ chủ trương này của Bộ trưởng và ngành giáo dục.
Theo tôi, mỗi khi cái mới xuất hiện sẽ có nhiều người phản biện, lắm kẻ phản đối, đó là điều tất nhiên.
Hoặc là do tình thương đồng nghiệp, hoặc là mất niềm tin vào ngành giáo dục khi bao năm qua họ cứ loay hoay đi từ cải cách này đến cải cách nọ mà ít hiệu quả.
Bỏ biên chế là chủ trương đúng đắn nhưng làm thế nào để hạn chế tiêu cực. (Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn) |
Khi thực hiện xóa biên chế sẽ có cán bộ giáo viên mất việc, một bộ phận cán bộ công chức sẽ khốn đốn trong cuộc mưu sinh. Đây là cái giá tất yếu cán bộ viên chức phải trả.
Nhưng không thể bằng tấm lòng nhân đạo thương người mà cưu mang số công chức làm việc kém hiệu quả, làm trì trệ sự phát triển của đất nước nói chung và của ngành giáo dục nói riêng.
Chất lượng giáo viên quyết định chất lượng giáo dục. Hàng chục triệu học sinh, sinh viên đạo đức ngày một suy giảm, chất lượng yếu là nỗi lo lớn cần giải quyết hơn là cái mất việc của một số cán bộ giáo viên.
Rất nhiều nhà trường, nhiều cán bộ giáo viên yếu kém. Giáo viên mất đạo đức tư cách, chửi, đánh học sinh, làm những điều vô nhân tính, nhiều cuốn sách in sai cả về tư tưởng, khoa học lẫn thẩm mỹ.
Nhiều thầy cô dạy sai kiến thức, thờ ơ vô cảm, vô trách nhiệm với học sinh mà xã hội đang hàng ngày lên án. Không thể để số cán bộ giáo viên này trong bộ máy giáo dục được.
Hàng năm số sinh viên giỏi, yêu nghề của ngành sư phạm không có việc, phải đi làm trái nghề, ngành phải để cho các em có chỗ đứng trên bục giảng.
Thương một bộ phận đồng nghiệp không đủ điều kiện đứng lớp sẽ làm hại bao thế hệ học trò.
Chúng ta không thể để tồn tại có số quan chức, cấp phó đông đúc như hiện nay, hiện tượng cả nhà, cả họ làm quan,... rồi 30% công chức trong đó có cán bộ giáo viên làm ăn theo kiểu "Sáng vác ô đi tối vác về".
Cách hiệu quả nhất, lâu bền nhất, đó là cắt giảm biên chế. 30% số cán bộ công chức “sáng vác ô đi tối vác về” phải loại ra khỏi bộ máy, không thể chậm trễ hơn nữa.
Việc Bộ trưởng Nhạ cho làm thí điểm là cẩn trọng, để đánh động và tránh sai sót khi triển khai đại trà.
Cuối cùng xin chốt lại là: cái khó nhất, ta lo sợ nhất là bộ máy tuyển dụng như thế nào?
Rồi lại ngựa theo đường cũ, sẽ lách luật, cậy quyền lực, chức vụ làm mất dân chủ, rồi thao túng, vụ lợi, tạo "lợi ích nhóm" để tham ô, hối lộ, làm cho cán bộ giáo viên giỏi không có chỗ nương thân?
Ai muốn có việc phải "chạy" như chạy biên chế thời gian qua?. Đã có việc tiêu cực để xin biên chế thì cũng có chuyện tiêu cực để có hợp đồng.
Vô hình trung chủ trương này đã tạo một mảnh đất mới, béo bở cho quan chức chưa tốt làm giàu bất chính.
Nếu chưa làm tốt điều này thì Bộ trưởng Nhạ khoan nói đến việc giảm biên chế, với xóa biên chế.
Mong sao Chính phủ cũng ủng hộ, thật sự coi "Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu" và cả hệ thống chính trị vào cuộc, may ra ý tưởng của Bộ trưởng Nhạ mới thành công được.