LTS: Trước thông tin sắp tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thí điểm không còn công chức, viên chức giáo viên, cô giáo Phan Tuyết với 20 năm kinh nghiệm trong nghề cho rằng việc này khiến cô lo nhiều hơn mừng.
Bởi như thế, Hiệu trưởng sẽ càng lộng quyền và những giáo viên chân chính ngày càng không dám lên tiếng bởi giáo viên phải đối diện với nguy cơ bị sa thải rất cao.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Dạo gần đây, báo chí nhắc nhiều đến chuyện dân chủ trong các trường học. Để tình trạng mất dân chủ diễn ra phần do Hiệu trưởng lộng quyền, phần do nhiều giáo viên luôn sống cam chịu mà không dám phản kháng.
Bởi thế, Hiệu trưởng đã trở thành “vua” một cõi nắm quyền sinh sát trong tay. Điều đáng nói là tất cả những giáo viên này vẫn đang nằm trong diện biên chế của ngành.
Để đuổi việc những thầy cô giáo ấy cũng chẳng đơn giản chút nào trừ khi họ tự ý vi phạm kỉ luật.
Nay nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, hướng tới Bộ sẽ thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên. Các thầy cô sẽ làm việc theo chế độ hợp đồng “có vào - có ra”.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, sắp tới sẽ thí điểm không còn công chức, viên chức giáo viên. (Ảnh: Vietnamnet.vn) |
Bản thân là một nhà giáo có thâm niên hơn 20 năm trong nghề cảm thấy băn khoăn và lo sợ. Bởi “Làm không khéo người tài bị sa thải chỉ còn kẻ cơ hội”.
Giáo viên biên chế đã chẳng dám phản kháng dù lãnh đạo làm sai. Còn giáo viên hợp đồng thì sao? Chắc chắn họ cũng chẳng bao giờ dám lên tiếng. Bởi họ hiểu hơn ai hết “đấu tranh thì tránh đâu”.
Có thể hôm nay, thầy cô vẫn là nhà giáo nhưng chỉ ngày mai thôi sẽ trở thành kẻ thất nghiệp khi hồ sơ không được lãnh đạo kí tuyển dụng tiếp theo. Bạn muốn biết lý do ư?
Có vô vàn lý do khi người ta đã muốn sa thải mình. Đối với ngành Giáo dục lại càng dễ tìm ra lý do bắt bẻ. Bởi, sản phẩm của giáo dục không đơn giản như việc cày một thửa ruộng hay gặt một sào lúa hết bao nhiêu thời gian.
Đó là cả một quá trình học tập và rèn luyện của học sinh trong suốt thời gian dài.
Tôi phản đối "tối ngày đầy công", ủng hộ bỏ biên chế trong ngành giáo dục |
Hình thức được nhiều người áp dụng nhất là việc dự giờ tiết dạy trên lớp.
Người yêu thương nói rằng “giờ dạy đảm bảo mục tiêu, học sinh tiếp thu bài tốt…”.
Người không ưa lại có cái nhìn khác như “chưa chú ý đến mọi đối tượng học sinh, giáo viên chưa khơi gợi được niềm hứng khởi của các em với môn học”…
Chuyện xếp tiết dự giờ loại Khá hay Tốt cũng nhờ tâm trạng của người dự vui hay buồn. Vì những lý do như thế, giáo viên sẽ chẳng bao giờ dám phản ứng với cấp trên. Họ sẽ sống trong vỏ bọc để tự ru ngủ mình.
Với mục đích của việc xóa bỏ biên chế trong ngành giáo dục, làm thay đổi cách làm việc, cách suy nghĩ “bình chân như vại” của không ít thầy cô giáo đang trong biên chế hiện nay.
Từ đó, tạo động lực cho những giáo viên hiện đang công tác biết phấn đấu để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, biết rèn luyện và tu dưỡng đạo đức để đáp ứng cho nhu cầu công việc.
Bên cạnh đó, sẽ góp phần loại bỏ được những giáo viên có tay nghề chuyên môn yếu kém thiếu tinh thần trách nhiệm và hay bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ.
Ý tưởng thì hay nhưng để làm được những điều này chúng ta phải có một đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ cấp Phòng, Sở Giáo dục năng động, làm việc hết trách nhiệm, chí công vô tư, biết đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân…
Nghĩa là người quản lý phải hội tụ đủ cả “tâm và tầm”.
Có như vậy người tài mới được trọng dụng còn những kẻ cơ hội sẽ chẳng có chỗ nương thân.
Nhưng trong thực tế hiện nay, chúng ta đã có được đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ cấp Phòng, Sở như thế này chưa? Chắc chắn là chưa.
Vậy nếu xóa bỏ biên chế chỉ còn là giáo viên hợp đồng ai dám chắc được không có chuyện người tài (khi không được lòng cấp trên) sẽ bị sa thải còn những kẻ cơ hội (luôn luồn cúi, được lòng cấp trên) lại chẳng đàng hoàng tại vị?
Giáo viên 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cho nghỉ |
Khi đó, giáo viên vì nơm nớp lo sợ mình bị sa thải bất cứ lúc nào thay vì tập trung nâng cao trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức lại quay sang lo nghĩ cách nào đó lấy lòng được cấp trên.
Ngay thời điểm này, giáo viên đang nằm trong biên chế còn sợ Ban giám hiệu như sợ…cọp.
Dù đúng dù sai, mệnh lệnh của họ đưa ra phần lớn giáo viên nhiều trường chỉ biết “cúc cung chấp hành”.
Thử hỏi đến lúc đứng giữa lằn ranh “tiếp tục được kí hợp đồng” hay “sẽ chấm dứt ngay hợp đồng” thầy cô nào chẳng trở thành “con cừu non” chỉ biết tuân lệnh chủ.
Rồi chuyện hàng năm tuyển giáo viên hợp đồng, có ai dám chắc những người giỏi, người tài sẽ được nhận vào giảng dạy? Hay lại cảnh “bằng lòng vẫn hơn bằng cấp?”
Việc kí tuyển dụng giáo viên biết đâu sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho nhiều cán bộ có chức quyền tha hồ thao túng.
Trong thời buổi tư tưởng “mạnh vì gạo bạo vì tiền” lên ngôi thì việc “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” sẽ trở thành phương châm sống cho nhiều người.
Thời gian vừa qua, đã có biết bao huyện thị trong cả nước đã ồ ạt tuyển dụng giáo viên hợp đồng từ đủ các nguồn chỉ vì những bổng lộc đằng sau đó.
Rồi sẽ không tránh khỏi nhiều trường vì muốn giảm số tiền phải trả cho giáo viên lâu năm họ sẽ tìm mọi lý do để chấm dứt hợp đồng để kí với những thầy cô giáo trẻ vì mức lương phải trả thấp hơn nhiều.
Lúc đó, giáo viên sẽ nơm nớp sống trong tâm trạng mất việc bất cứ lúc nào thì làm sao còn tâm trí để đầu tư cho việc giảng dạy và giáo dục học sinh?