Hôm qua, 4-9, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân Ban Thường vụ Thành ủy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự và phát biểu chỉ đạo. Về phương pháp, phương châm và cách làm, Tổng Bí thư đề cao sự tự giác và cầu thị.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội
830 lượt ý kiến góp ý
Tại Hội nghị, thay mặt Thường vụ Thành ủy, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã báo cáo kết quả quán triệt, triển khai Nghị quyết và công tác chuẩn bị kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng bộ Hà Nội. Theo đó, Đảng bộ TP đã nghiêm túc triển khai và có nhiều sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện Nghị quyết. Hà Nội đã tổ chức học tập, quán triệt nội dung Nghị quyết Trung ương 4 gắn với Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 và 9 chương trình công tác của Thành ủy (khóa XV); xây dựng kế hoạch, ban hành văn bản hướng dẫn các cấp ủy trực thuộc tổ chức đúng tiến độ.
Đặc biệt, Hà Nội đã đóng góp ý kiến kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng, Chính phủ và một số bộ, ngành Trung ương. Các ý kiến góp ý đều hết sức thẳng thắn, có tính đấu tranh, được Trung ương đánh giá cao. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng được chú trọng, đẩy mạnh với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng để nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô về ý nghĩa sâu sắc, tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 4.
Bí thư Thành ủy cũng cho biết Đảng bộ TP đã nghiêm túc tiếp thu, học tập cách làm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tổ chức tốt việc lấy ý kiến của các đồng chí lãnh đạo thành phố đã nghỉ hưu, của cấp ủy trực thuộc, các sở, ban, ngành, MTTQ, đoàn thể đối với việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của tập thể Ban Thường vụ và từng cá nhân đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ một cách nghiêm túc, đầy đủ. Đến nay, đã có 107 cơ quan, đơn vị với hơn 830 lượt ý kiến góp ý về ưu, khuyết điểm, những vấn đề nổi cộm Thành ủy cần tăng cường chỉ đạo, là cơ sở quan trọng để Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình.
Đề phòng tư tưởng qua loa, chiếu lệ
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn ý thức Đảng bộ Thủ đô là Đảng bộ lớn nhất cả nước với lực lượng đông đảo, chất lượng cao từ cơ sở. Vì vậy, Trung ương Đảng mong muốn Hà Nội phải đi đầu thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, triển khai thật tốt, thật mẫu mực. Đồng chí đánh giá, thời gian qua, Đảng bộ Hà Nội đã chuẩn bị và triển khai Nghị quyết nghiêm túc. Đồng thời, có những ý kiến đóng góp chất lượng đối với các cơ quan của Trung ương.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư lưu ý Thành ủy Hà Nội, trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, cần thấm nhuần sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa của đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng này, coi đây là “việc làm hệ trọng, thiêng liêng” và “những vấn đề cấp bách, hệ trọng của Nghị quyết nêu ra không chỉ với một vài cán bộ, đảng viên mà rất quan trọng với toàn Đảng, toàn dân”. Tổng Bí thư cho rằng, nếu Ban Thường vụ Thành ủy kiểm điểm tốt sẽ làm tấm gương cho các đơn vị bên dưới. Ngoài ra, Đảng bộ Hà Nội cũng cần chú trọng kiểm điểm ở cơ sở, chứ không chỉ tập trung ở cấp trên.
Tổng Bí thư cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết là khó vì động chạm đến từng tổ chức, đảng viên, nhất là phải nhìn thấy khuyết điểm của mình và không ít người còn thói quen “khen hào phóng, chê dè sẻn”. Tổng Bí thư cũng nhận xét, việc kiểm điểm dễ sa vào kiểm điểm công tác, nặng về kể lể, không đi vào thực chất, ít đưa ra nguyên nhân chủ quan mà chủ yếu cho rằng tại khách quan. Đồng chí nhấn mạnh, trong quá trình kiểm điểm, việc gì kết luận được phải kết luận, nếu không thì phải tìm hiểu, điều tra để làm rõ, tránh để dây dưa.
Về phương pháp, phương châm và cách làm, Tổng Bí thư đề cao sự tự giác và cầu thị. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm khắc với bản thân, tổ chức mình sinh hoạt. Đồng chí nói: “Chúng ta không trách người góp ý cho ta, phải xác định ai chê ta chính là thầy ta”. Cùng với đó, phải đề phòng tư tưởng làm qua loa, chiếu lệ. Đây là vấn đề dư luận đang băn khoăn, lo lắng hiện nay. Bên cạnh đó, phải khắc phục tư tưởng thấy khó mà không làm. “Chúng ta phải có niềm tin và quyết tâm làm bằng được, nếu không sẽ dễ buông xuôi, đầu hàng. Không chỉ đóng cửa kiểm điểm, có những việc phải sửa ngay trong quá trình làm. Thậm chí phải chấp nhận loại bỏ một số cán bộ khỏi đội ngũ” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Về phương pháp, phương châm và cách làm, Tổng Bí thư đề cao sự tự giác và cầu thị. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm khắc với bản thân, tổ chức mình sinh hoạt. Đồng chí nói: “Chúng ta không trách người góp ý cho ta, phải xác định ai chê ta chính là thầy ta”. Cùng với đó, phải đề phòng tư tưởng làm qua loa, chiếu lệ. Đây là vấn đề dư luận đang băn khoăn, lo lắng hiện nay. Bên cạnh đó, phải khắc phục tư tưởng thấy khó mà không làm. “Chúng ta phải có niềm tin và quyết tâm làm bằng được, nếu không sẽ dễ buông xuôi, đầu hàng. Không chỉ đóng cửa kiểm điểm, có những việc phải sửa ngay trong quá trình làm. Thậm chí phải chấp nhận loại bỏ một số cán bộ khỏi đội ngũ” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Anh Phương/ANTĐ