Vì sao Quốc hội có nhiều lãnh đạo tham gia?
Tổng Bí thư cho biết, hướng sắp tới sẽ tăng dần số đại biểu chuyên trách lên, nhưng không thể chuyên trách hết, vì Quốc hội Việt Nam khác nghị viện các nước khác ở chỗ không hoạt động thường xuyên quanh năm.
Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân chứ không chỉ là cơ quan lập pháp, vì vậy phải cải tiến dần từng bước, nâng cao dần trình độ Đại biểu Quốc hội.
“Vừa qua chất lượng chưa được đều, nhất là đại biểu cơ cấu như đại biểu trẻ, phụ nữ là người dân tộc. Nhưng không thể không có các đai biểu này, để họ còn nói lên tiếng nói của cử tri trong đối tượng đó”, Tổng Bí thư nêu quan điểm.
Cũng theo Tổng Bí thư, không khí Quốc hội ngày càng dân chủ hơn, điều đó tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực, đồng thời cho rằng: “Có nhiều người nói thoải mái, thậm chí có trường hợp nói thoải mái quá, nói xin lỗi là có trường hợp nói bạt mạng.
Không nghĩ rằng nói ở diễn đàn công khai, truyền hình trực tiếp nó ảnh hưởng đến bí mật quốc gia, ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế. Điều đó đòi hỏi phải rất là chính trị, rất là cân nhắc, đòi hỏi đại biểu phải rất tinh tế về chính trị”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thông tin với cử tri nhiều cơ hội tiềm năng của đất nước. ảnh: Ngọc Quang. |
Tổng Bí thư nhắc lại trường hợp của bà Châu Thị Thu Nga bị bãi miễn tư cách Đại biểu Quốc hội là rất kịp thời, hoàn toàn đúng trình tự, quy định.
“Riêng nhiệm kỳ này của Quốc hội đã có hai vị nữ doanh nhân bị bãi miễn tư cách Đại biểu, cho chúng ta một bài học về lựa chọn nhân sự khóa tới”, Tổng Bí thư chỉ rõ.
Trước những băn khoăn, tại sao lãnh đạo tham gia quốc hội nhiều thế? Tổng Bí thư lý giải: “Đảng phải lãnh đạo Quốc hội. Phải cho chủ trương có đại biểu để lắng nghe ý kiến của dân. Cơ cấu quốc hội Là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước ta và là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp. Quốc hội Việt Nam khác các nước ở chỗ đó.
Về chuyến thăm Hoa Kỳ, trao đổi với cử tri, Tổng Bí thư cho biết, tại cuộc gặp các học giả ở Viện nghiên cứu chiến lược tại Hoa Kỳ đã hỏi về Đại hội Đảng của Việt Nam sắp tới thế nào?
Điều đó đã cho thấy cả trong nước và quốc tế rất quan tâm. Kết quả chuyến thăm Mỹ đúng là không chỉ trong nước mà quốc tế cũng rất quan tâm, nhiều tờ báo quốc tế có đánh giá là vấn đề toàn cầu chứ không chủ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Khi tôi về nước được nhiều anh em gặp gỡ chúc mừng là thành công chuyến thăm lịch sử khi ngồi đối thoại với Tổng thống Hoa Kỳ tại phòng bầu dục của Nhà Trắng. Đó là chuyện chưa bao giờ có trong lịch sử nên các nước họ rất quan tâm.
Sự kiện hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ dự kiến chương trình là 45 phút nhưng thực tế lên đến 1h35 phút. Rồi tiệc chiêu đãi lúc đầu dự kiến có 30 người nhưng lên thành 230 người, đó là mới tính riêng của phía Hoa Kỳ.
Thống kê trong ngày 9 mà có 27.000 bài báo nói đến cho thấy dư luận quốc tế rất quan tâm. Riêng nước ta đã có 8.000 bài", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Quốc hội dứt khoát không thể có thị phi, gian dối, rơi vãi cả sự tôn nghiêm |
Tổng Bí thư cũng cho biết, chuyến thăm Hoa Kỳ lần này là tính toán trong chiến lược tổng thể. Hoa Kỳ mời Tổng Bí thư của Việt Nam sang thăm từ tháng 7/2012.
Nhiều tờ báo quốc tế cho rằng đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam và Mỹ mà mang tầm quốc tế, toàn cầu và dư luận sẽ còn tiếp tục bàn luận.
Tổng Bí thư phân tích: "Thế giới quan tâm xem ông cộng sản Việt Nam ra nước ngoài thế nào. Mà lại ngồi trong phòng bầu dục của Nhà Trắng đối thoại với Tổng thống Hoa Kỳ. Điều đó chưa bao giờ có trong lịch sử. Cuộc hội đàm dự kiến 45 phút, sau kéo dài đến 1h35 phút.
Tôi nói rằng, gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai. Quá khứ không bao giờ thay đổi, nhưng vì lợi ích của hai nước nên gác lại quá khứ để hướng tới tương lai.
Khi tôi gặp kiều bào họ tự hào về đất nước lắm, bà con đi đâu cũng tự hào là người Việt Nam đem hình ảnh người Việt Nam ra nước ngoài và bày tỏ tin tưởng vào Đảng chống lại các việc làm tiêu cực.
Nói như thế để chúng ta thấy được những thành tựu to lớn đã đạt được của đất nước, vị thế trên trường quốc tế ngày càng nâng cao".
Chống tham nhũng còn nhiều hạn chế
Phát biểu ý kiến trước Tổng Bí thư, cử tri Vũ Kim Ngọc (Phường Lý Thái Tổ) cho rằng, việc phát hiện tham nhũng và phòng chống tham nhũng còn hạn chế; việc thu hồi tài sản tham nhũng còn quá thấp.
Vì thế, cử tri đề nghị cần kiên quyết phòng chống tham nhũng, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí.
Cử tri Lâm Quang Lộc (Phường Hàng Mã) nói: "Cử tri bức xúc về tình hình tham nhũng, sai phạm khi trong 6 tháng đầu năm cơ quan chức năng đã phát hiện vi phạm kinh tế - tài chính hơn 11 nghìn tỷ đồng; nợ thuế 72 nghìn tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2014.
Nhưng bức xúc nhất chính là việc doanh nghiệp nợ thuế kéo dài nhưng vẫn bình chân như vại khi mua sắm ô tô, siêu biệt thự, vì thế cần xử lý nghiêm minh".
Cũng theo ông Lộc, cử tri thấy có lợi ích nhóm khi giá điện, xăng dầu tăng cao nên Quốc hội cần giám sát vấn đề này, đặc biệt cần tăng cường giám sát chi tiêu ngân sách không duyệt chi quá ngân sách trong xây dựng trụ sở.
Nhà nước có nhiều cơ quan nhưng không ngăn chặn được tình trạng hàng giả hàng nhái. Để xảy ra ảnh hưởng đến sức khỏe của dân thì trách nhiệm thuộc về ai?
Nhiều cử tri bày tỏ bức xúc trước tình hình tham nhũng. Tổng Bí thư cho biết công tác phòng chống tham nhũng vẫn đang rất quyết liệt. ảnh: Ngọc Quang. |
Đồng quan điểm, cử tri Nguyễn An Vang (Phường Thành Công) phản ánh, tình trạng tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng. Những vụ án tham nhũng lớn thường được phát hiện ở các doanh nghiệp Nhà ước, ngân hàng.
Nhiều vụ quan tham thoái hoá đạo đức vẫn chưa phát hiện được trong khi thực tế quan chức rất giàu. Chỉ khi báo chí vào cuộc thì vụ việc mới được phát hiện.
“Ở Trung Quốc xử lý hàng ngàn quan tham còn ở ta thì rất hạn chế. Tài sản thu hồi tham nhũng chỉ 10% thì hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng chưa cao vì tài sản Nhà nước bị thất thoát.
Vì thế khi lấy ý kiến về Bộ luật hình sự sửa đổi cần chú ý tội cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng, tránh bỏ án tử hình với tội tham nhũng, cần tham khảo mức án chung thân vĩnh viễn và không được giảm án như các nước đã áp dụng. Phải chống tham nhũng mới lấy dược lòng tin trong nhân dân", ông Vang nói.
Cử tri Nguyễn Văn Kiên (Hàng Bông) cũng phản ánh: "Đảng ta đã nhận định chống tham nhũng là nhiệm vụ hàng đầu nhưng trong thời gian qua đấu tranh chưa quyết liệt mạnh mẽ, phát hiện tham nhũng chưa được nêu cụ thể cá nhân tập thể trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vì vậy cần công khai để nhân dân biết và hưởng ứng nhiệt tình".
Trao đổi với cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, công tác phòng chống tham nhũng vẫn đang tiếp tục được thúc đẩy quyết liệt, nên cử tri chờ thêm.
Tổng Bí thư bày tỏ: "Đang trong giai đoạn điều tra mà nói thêm thì nó biết chạy mất. Rồi báo chí tạo dư luận sức ép là không đúng, bởi phải xử đúng pháp luật chứ chưa xử báo chí cứ thông tin xử bao nhiêu năm.
Đến khi xử phạt mức khác lại cho rằng là xử nhẹ, rồi oan sai. Như thế là không đúng bởi xét xử cũng phải đúng theo quy định của pháp luật. Nghị quyết Trung ương 4 đã đề ra các giải pháp nhưng đúng là làm chưa như mong muốn, vì vậy phải làm lâu dài thường xuyên mới xong".