Tổng thống Philippines Benigno Aquino |
Mạng “Tin tức bình luận Trung Quốc” ngày 8 tháng 9 đưa tin, Tổng thống Philippines Benigno Aquino sẽ tiến hành chuyến thăm 1 tuần tới 4 nước châu Âu, thảo luận với các nhà lãnh đạo châu Âu về vấn đề hợp tác kinh tế thương mại, đồng thời cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ đối với lập trường của Philippines trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
Trợ lý Bộ trưởng phụ trách vấn đề châu Âu, Bộ Ngoại giao Philippines, bà Maria Collinson ngày 8 tháng 9 tuyên bố, vào trung tuần tháng này, ông Benigno Aquino thăm Tây Ban Nha, Bỉ, Pháp và Đức.
Theo hãng tin Central News Agency (CNA) Đài Loan, bà Maria Collinson cho biết, ông Aquino sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo châu Âu đối với lập trường dựa vào luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng phương thức trọng tài của Philippines.
Trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông, Liên minh châu Âu nhiều lần tái khẳng định sẽ không lựa chọn đứng về bên nào, nhưng Nghị viện châu Âu vào tháng 3 năm 2013 từng thông qua “Báo cáo quan hệ EU-Trung Quốc” (EU-China Relations), ủng hộ Philippines đưa tranh chấp Biển Đông ra trọng tài quốc tế, đồng thời kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế.
Bà Maria Collinson cho biết, chuyến thăm lần này của ông Benigno Aquino hy vọng các nước châu Âu có thể ra tuyên bố lại, bởi vì, sau khi công bố “Báo cáo quan hệ EU-Trung Quốc”, tình hình Biển Đông đã có rất nhiều thay đổi.
Bà Maria Collinson cho biết thêm, bất kể thế nào, ông Benigno Aquino sẽ tận dụng cơ hội lần này, trực tiếp thông báo tình hình mới nhất của Biển Đông cho các nhà lãnh đạo châu Âu.
Ngoài vấn đề Biển Đông, ông Benigno Aquino sẽ còn thông báo vắn tắt những nỗ lực tấn công đánh bắt cá phi pháp của Philippines, đồng thời tranh thủ các thương nhân châu Âu đến Philippines đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực như du lịch và công nghệ thông tin.
Xung đột giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến “tranh chấp Biển Đông” những năm gần đây ngày càng trầm trọng hơn. Manila chủ trương sử dụng “cơ chế đối thoại đa phương” để giải quyết tranh chấp, song Bắc Kinh lại kiên trì “cơ chế song phương” để tiến hành đàm phán.
Được biết, vào tháng 1 năm 2013, Philippines đã đưa vấn đề Biển Đông ra trọng tài quốc tế, Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố sẽ không tham gia trọng tài (tức không chấp nhận dựa vào luật pháp quốc tế để giải quyết vấn đề).
Theo dư luận Philippines và Trung Quốc, Trung Quốc đang hành động bất hợp pháp "biến đá ngầm thành đảo" ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. |