Sáng ngày 20/9, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi khảo sát về tình hình thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 – 2022.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, ông Hà Phước Thắng – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì buổi khảo sát.
Ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đại diện lãnh đạo Sở tham gia buổi khảo sát này.
Theo báo cáo của Sở này cho biết, số lượng giáo viên tiểu học trong và ngoài công lập toàn thành phố hiện nay có 24.849 giáo viên trên tổng số 32.146 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Tỷ lệ giáo viên tiểu học/lớp hiện là 1,36 chưa đáp ứng đủ để tổ chức dạy đủ các môn học và dạy học 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học.
Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu (ảnh: P.L) |
Khi thực hiện dạy học 2 buổi/ngày thì dự kiến số giáo viên sẽ tăng. Việc đảm bảo 1 giáo viên dạy nhiều môn/lớp là một trong những thách thức đối với một số quận/huyện có tỷ lệ phòng học/lớp còn thấp. Tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng được yêu cầu.
Nhiều quận, huyện đạt tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp, nhưng cũng vẫn còn có nhiều nơi chưa đạt được tỷ lệ này.
Số giáo viên tiểu học đạt chuẩn đào tạo, trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 là 83%, trong đó công lập đạt 74%. Số giáo viên chưa đạt chuẩn là vấn đề mà các đơn vị cần quan tâm trong thời gian tới.
Sở sẽ phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán tiểu học, Học viện Quản lý Giáo dục bồi dưỡng cho cán bộ quản lý cốt cán. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, tổ trưởng chuyên môn cốt cán đã tham gia tập huấn, bồi dưỡng do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức về triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đảm bảo cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng và hoàn thành chương trình bồi dưỡng, được cơ sở bồi dưỡng cấp giấy chứng nhận hoàn thành.
Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đại trà, chủ động liên kết với các trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sài Gòn…tổ chức các lớp bồi dưỡng các module để đảm bảo điều kiện đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Tiếp tục thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, kế hoạch bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thuộc ngành giáo dục thành phố.
Tạo điều kiện để tất cả các cán bộ quản lý, giáo viên (cả trường công lập và tư thục) được tham gia các đợt tập huấn nâng cao năng lực quản lý, tổ chức dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sáng ngày 20/9 (ảnh: P.L) |
Thực hiện việc đổi mới hình thức bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, bồi dưỡng nâng cao năng lực triển khai các nhiệm vụ cho giáo viên đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết – Phó Trường đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trong bối cảnh 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 với nhiều thách thức.
Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến vấn đề trang bị sách giáo khoa cho học sinh, chất lượng dạy và học khi triển khai chương trình mới, cũng như chế độ chính sách dành cho giáo viên.
Ngoài ra, chương trình có sự thay đổi lớn khi triển khai một số môn học theo hình thức đa môn, thay cho việc dạy đơn môn trước đây.
Song song đó, các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, nâng chuẩn trình độ giáo viên và khó khăn trong việc tuyển dụng đội ngũ là những thách thức đang đặt ra cho Thành phố Hồ Chí Minh.