TPHCM: Gần 133.000 HS lớp 1 được thí điểm học bạ số, GV thuận lợi, bớt giấy tờ

29/07/2024 06:36
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Hiệu trưởng Trường tiểu học Đặng Trần Côn (Quận 4) Phạm Thúy Hà cho biết, việc áp dụng thí điểm học bạ số cho học sinh lớp 1 gặp rất nhiều thuận lợi.

Bắt đầu từ năm học 2023 – 2024, ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai thí điểm học bạ số cho gần 133.000 học sinh lớp 1 tại các trường tiểu học.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, học bạ số là hệ thống dữ liệu học bạ được số hóa, lưu trữ trên môi trường số, có ký xác thực điện tử của cá nhân và tổ chức có thẩm quyền, có giá trị pháp lý để sử dụng trên môi trường số.

Học bạ số đảm bảo lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin về học sinh và kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong quá trình học tập tại trường. Đồng thời đảm bảo nhất quán, toàn vẹn thông tin khi học bạ phát hành (không thể thay đổi thông tin).

Đây có thể được xem là bước khởi đầu quan trọng, hướng đến việc thực hiện học bạ số cho tất cả các khối lớp ở bậc phổ thông. Theo kế hoạch thì trong năm học sắp đến (2024 – 2025), thành phố sẽ tiếp tục áp dụng thí điểm học bạ số ở 128.000 học sinh khối lớp 6, năm học 2025 – 2026 thí điểm áp dụng ở khối lớp 10.

Giáo viên thuận lợi trong quá trình triển khai

Tại Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, ngay từ tháng 4/2024, nhà trường đã phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ tổ chức tập huấn xây dựng học bạ số cho toàn thể giáo viên nhà trường.

Một giáo viên dạy lớp 3 của trường chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, việc triển khai học bạ số dành cho học sinh hoàn toàn không gây khó khăn gì cho giáo viên, vì trước đây, dữ liệu về kết quả đánh giá học sinh đã được cập nhật rất đầy đủ trên cơ sở dữ liệu chung của toàn ngành.

Cho tới nay, 100% giáo viên của Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, Quận 1 đã được cấp chữ ký số.

Trong khi đó, cô Phạm Thúy Hà – Hiệu trưởng Trường tiểu học Đặng Trần Côn, Quận 4 cho rằng, việc triển khai học bạ số gặp nhiều thuận lợi hơn là khó khăn.

“Đó là việc lưu trữ các thông tin, hồ sơ của học sinh trên không gian mạng sẽ dễ dàng hơn là lưu trữ hồ sơ giấy. Phụ huynh sẽ dễ dàng truy cập để kiểm tra, thuận tiện hơn, giảm thiểu tối đa việc đi lại nếu phụ huynh muốn chuyển trường ở những khu vực xa xôi” – cô Phạm Thúy Hà khẳng định.

Ngoài ra, theo cô Phạm Thúy Hà, nếu sử dụng học bạ số thì dữ liệu sẽ mang tính đồng bộ cao, mang lại độ chính xác cao hơn.

ThuyHa.jpg
Cô Phạm Thúy Hà - Hiệu trưởng Trường tiểu học Đặng Trần Côn, Quận 4 (ảnh: NVCC)

Lúc đó, giáo viên chỉ cần nhập điểm của học sinh chính xác. Nhà trường thực hiện việc kiểm tra cẩn thận một lần duy nhất, thì những giấy tờ khác có liên quan như sổ liên lạc, kết quả giáo dục trong năm học sẽ đều được đồng bộ tất cả.

Còn với học bạ giấy thì trước đây, tất cả các công đoạn nhà trường đều phải kiểm tra, mất nhiều thời gian và có thể xảy ra sai sót nhiều hơn.

Cũng đồng quan điểm này, cô Lê Huỳnh Diễm Thúy – Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Trung Ngạn (Quận 8) chia sẻ, bắt đầu từ năm học 2023 – 2024, gần 200 học sinh lớp 1 của trường đã được sử dụng học bạ số.

Theo cô Lê Huỳnh Diễm Thúy, các thầy cô dạy lớp 1 của trường đều cho biết rằng rất vui, thoải mái khi áp dụng học bạ số, thay vì trước đây ngồi viết thủ công, còn nay thì làm tất cả trên hệ thống mạng.

“Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 8 đã tập huấn, hướng dẫn rất kỹ cho trường việc này. Toàn thể giáo viên của trường cũng đã được nhà cung cấp tập huấn lại, nên ai cũng có thể làm được” – cô Lê Huỳnh Diễm Thúy nhấn mạnh.

Cô Lê Huỳnh Diễm Thúy cho biết, tất cả đều được số hóa, nên các thầy cô trong trường thực hiện rất là trơn tru, không có gì trở ngại.

Một vấn đề khác được đặt ra là khi sử dụng học bạ số, toàn bộ học sinh phải có mã số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu cần phải ổn định, đồng bộ chung với hệ thống dữ liệu của toàn ngành.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Phan Thị Thu Hiền – Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Thị Bưởi (thành phố Thủ Đức) thông tin, toàn bộ 100% học sinh lớp 1 của trường đều được cấp mã định danh cá nhân đầy đủ, đồng bộ đầy đủ với hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, nên mới thực hiện được tốt công tác học bạ số cho học sinh.

Song song đó, hệ thống mạng của nhà trường luôn được đảm bảo, nên học bạ số của học sinh luôn được duy trì tính ổn định.

Muốn phát huy hiệu quả của học bạ số thì cần làm gì?

Khó khăn lớn nhất khi triển khai học bạ số trong trường học, theo cô Phạm Thúy Hà là tư tưởng của giáo viên phải thật sự đổi mới, tiếp cận hơn với thế giới số, như là làm quen và biết dùng chữ ký số, biết ứng dụng nhiều hơn công nghệ thông tin vào cuộc sống hàng ngày.

Cô Phạm Thúy Hà – Hiệu trưởng Trường tiểu học Đặng Trần Côn, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh nêu kiến nghị: Muốn phát huy tốt những hiệu quả mà học bạ số mang lại cho phụ huynh, giáo viên, trước hết cần phải thực hiện đồng loạt tại các cơ sở giáo dục trong cả nước.

Đồng tình với quan điểm này, cô Phan Thị Thu Hiền – Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Thị Bưởi (thành phố Thủ Đức) cho rằng, không thể để trường dùng học bạ giấy, trường dùng học bạ số được.

Theo cô Phan Thị Thu Hiền, nếu học sinh muốn chuyển từ trường dùng học bạ giấy sang trường đã dùng học bạ số thì trường nhận học sinh chuyển đến sẽ mất rất nhiều thời gian khởi tạo học bạ số cho học sinh.

gdvn-hstuutruongnbk.jpg
Học sinh lớp 1 của Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1 (ảnh minh họa: V.D)

Đồng thời, lãnh đạo các trường tiểu học tại thành phố mong muốn, công tác tuyên truyền về học bạ số cần phải được thực hiện rộng rãi nhiều hơn nữa, để những giáo viên trẻ mới được tuyển dụng, hay giáo viên ít có sử dụng công nghệ thông tin hiểu và làm thành thạo hết mọi công đoạn, đảm bảo không gặp bất cứ khó khăn nào khi triển khai.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Bảo Quốc thông tin, Sở sẽ hỗ trợ các địa phương, các cơ sở giáo dục về mặt kỹ thuật, giải đáp các thắc mắc và băn khoăn trong quá trình triển khai học bạ số.

Trước đó, ngành giáo dục và đào tạo thành phố cũng đã có sự chuẩn bị chu đáo, từ việc tuyên truyền cho đến việc xây dựng hệ thống phần mềm, quy chế đảm bảo an toàn và bảo mật đối với dữ liệu thông tin của học sinh.

Việt Dũng