Giàn khoan CNOOC 981 của Trung Quốc trên biển Đông - Ảnh: Tân Hoa xã |
Gần đây, Ủy ban Thường vụ Nhân dân tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã thông qua “Dự thảo sửa đổi Biện pháp thực hiện Luật Ngư nghiệp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của tỉnh Hải Nam” và có hiệu lực từ 1/1/2014.
Theo đó, người nước ngoài - tàu cá nước ngoài tự ý đi vào vùng nước tỉnh Hải Nam quản lý để thực hiện sản xuất ngư nghiệp và các hoạt động điều tra tài nguyên nghề cá sẽ bị xua đuổi, có thể bị tịch thu tài sản, xử phạt hành chính…
Ngày 24/12/2013, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã ra thông báo về thời gian nghỉ đánh bắt cá bằng lưới tại một số khu vực thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Phía Trung Quốc mới đây cũng đã cho ra mắt trang mạng và tờ báo giấy đầu tiên của cái gọi là “Thành phố Tam Sa;” nâng cấp cải tạo trạm khí tượng tự động ở một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa…
Cần nói thêm là đến giờ Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra bản đồ chỉ ra cụ thể của khu vực áp dụng bộ luật mới, trong bộ luật chỉ ghi là phần biển của đảo Hải Nam quản lý chứ không nêu chi tiết.
Trung Tân xã của Bắc Kinh nói phần biển Hải Nam quản lý bao gồm 2 triệu km2 vùng biển ở biển Đông (trên tổng diện tích khoảng 3,5 triệu km2). Theo Reuters, hành động này nếu áp dụng trên diện rộng sẽ gây căng thẳng với các nước trong khu vực.
Về động thái trên của Hải Nam (Trung Quốc), trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Nguyên Phó chính ủy quân khu Tây Bắc - Cục trưởng Tổng cục chính trị, nhận định: “Trung Quốc sẽ còn lấn lướt nữa chứ không chỉ dừng lại ở đây”.
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Nguyên Phó chính ủy quân khu Tây Bắc - Cục trưởng Tổng cục chính trị (Ảnh: Giáo dục Việt Nam) |
Tướng Hương đánh giá, có lẽ do thái độ giải quyết sự việc trên Biển Đông của các nước trong khu vực hơi mềm mỏng, do đó Trung Quốc chắc chắn sẽ còn đưa ra nhiều quy định “oái oăm” nữa.
Theo đồng chí nguyên Cục trưởng Tổng cục chính trị, quy định mới này của Hải Nam không chỉ gây khó khăn cho ngư dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giao thương, buôn bán của các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Tướng Hương nói: “Đây là chứng cứ rất rõ ràng để thấy được xu hướng “bành trướng” cũng như những hành động sai trái của Trung Quốc càng ngày càng lớn lên”.
Trước dự thảo kiểu “ngăn sông cấm chợ” của Hải Nam nói riêng và của Trung Quốc nói chung, tướng Hương cho rằng Việt Nam nên thực hiện hai việc song song, một là lên tiếng phản đối một cách quyết liệt và rõ ràng, hai là hỗ trợ ngư dân bằng những hành động thiết thực.
Theo quan điểm của ông, Việt Nam cần phải kết nối với những nước ở khu vực Biển Đông đang chịu ảnh hưởng từ quy định mới này của Trung Quốc để bàn bạc, thống nhất về phương án phản đối như thế nào.
Một điểm nữa mà tướng Hương muốn nhấn mạnh đó là từ trước đến nay, nhiều việc liên quan đến tình hình Biển Đông, Đảng và Nhà nước đã thông tin rõ ràng, cụ thể thì tới đây cần thông tin kịp thời và cụ thể hơn nữa với hân dân. Do đó tướng Hương mong muốn thời gian tới đây, những thông tin về biển Đông sẽ được báo chí trong nước cập nhật thường xuyên, cụ thể và chi tiết hơn để nhân dân nắm bắt.
“Có thể nhiều ngư dân đi biển bị “bắt nạt”, khó nhục lắm nhưng không biết kêu ai. Nếu những thông tin này đưa ra công khai, cụ thể thì chắc chắn sẽ nhận được hưởng ứng, hỗ trợ của nhân dân. Thêm nữa, đó cũng là để Trung Quốc thấy được có sự áp lực, có sự phản ứng rất lớn từ nhân dân Việt Nam trước những hành động “bành trướng” của “hàng xóm” – tướng Hương nêu quan điểm.
Cuối cùng tướng Hương tái khẳng định quan điểm, Việt Nam và các nước trong khu vực ở Biển Đông cần đoàn kết lại, cùng kêu gọi nhân dân hưởng ứng phong trào “lên án” những hành vi sai trái của Trung Quốc để “cô lập” sự bành trướng trái phép trên biển Đông, đồng thời yêu cầu Trung Quốc nghiêm túc thực hiện những công ước về Biển Đông đã thỏa thuận.
Ngày 10/1/2014, trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước những hoạt động trên của phía Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ:
"Những hoạt động nêu trên của phía Trung Quốc là bất hợp pháp và vô giá trị, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), không phù hợp với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc, làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những việc làm sai trái nói trên, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực”./.