Xung quanh những diễn biến mới về cuộc "khủng hoảng 17 giây" giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, đài CNN ngày 1/12 bình luận, cả Moscow và Ankara sẽ đều thiệt hại khi Nga thực hiện lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ vì vụ bắn rơi máy bay Su-24 trên biên giới với Syria.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, ảnh: The New York Times. |
Trừng phạt kinh tế để đổi lấy lời xin lỗi?
Hurriyet Daily News ngày 1/12 cho biết, ngày 28/11 Tổng thống Nga Putin đã ký lệnh áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm việc cấm các công ty Nga sử dụng nhân viên là công dân Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi có khoảng 90 ngàn người Thổ Nhĩ Kỳ đang làm việc tại Nga, chủ yếu trong các dự án xây dựng.
Putin cấm các doanh nghiệp du lịch Nga đưa khách sang Thổ Nhĩ Kỳ trong khi năm ngoái có hơn 4 triệu người Nga đã đi du lịch ở quốc gia này. Ngoài ra Nga chưa công bố danh sách chi tiết cấm vận các mặt hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng theo Phó Thủ tướng Arkady Dvorkovich hôm Thứ Hai cho biết, Nga có thể áp đặt các biện pháp hạn chế thương mại đối với mặt hàng thực phẩm và rau củ từ quốc gia này.
CNN dẫn ước tính của các nhà phân tích rằng, lệnh trừng phạt của Nga có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ mất 0,5% tăng trưởng hàng năm trong bối cảnh đồng Iira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất gần 20% giá trị so với đồng USD trong năm nay.
Các nhà xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ có thể lao đao phen này, nhưng các biện pháp trừng phạt của Nga có tác động tiêu cực với nền kinh tế của cả hai nước.
"Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ chiếm khoảng 1/4 nguồn cung tổng lượng thực phẩm nhập khẩu của Nga, việc tìm nguồn cung cho các mặt hàng này sau khi cấm vận sẽ buộc người tiêu dùng Nga phải trả giá cao hơn", William Jackson, nhà nghiên cứu kinh tế thị trường mới nổi từ Capital Economics cho biết. Lạm phát ở Nga đã tăng vọt trong năm nay, chồng chất áp lực lên trên một nền kinh tế đang suy thoái sâu hơn.
Tuy nhiên lệnh cấm du khách Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến Ankara mất đi 3 tỉ USD thu nhập, tương đương khoảng 0,4% GDP.
Tác động của lệnh trừng phạt từ Nga có thể được bù đắp một phần bởi viện trợ tài chính từ Liên minh châu Âu. EU đã đồng ý chi cho Thổ Nhĩ Kỳ 3,2 tỉ USD để hỗ trợ cho 2,2 tiệu người tị nạn Syria tại quốc gia này. Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý hành động hạn chế số lượng người di cư đến châu Âu.
Tờ International Business Times ngày 30/11 nhận định, Nga là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Thổ Nhĩ Kỳ với kim ngạch khoảng 6 tỉ USD. Hầu hết các giao dịch liên quan đến thực phẩm, hàng tiêu dùng và dệt may, tất cả đều có thể được thay thế bởi các thị trường khác như Đức và Trung Quốc. Tuy nhiên riêng năng lượng thì Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc khá lớn vào nguồn cung từ Nga, với 60%.
Ngược lại, sau lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga vì khủng hoảng Ukraine và Crimea, Moscow phải tìm nguồn cung các mặt hàng thực phẩm, rau củ từ Thổ Nhĩ Kỳ với tỉ trọng khoảng 20%. Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Alexander Tkachyov trấn an dư luận rằng, Nga có thể thay thế các mặt hàng nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách nhập của Azerbaijan, Uzbekistan, Morocco và Israel, nên nếu giá các mặt hàng này có tăng cũng là "tối thiểu".
Bình luận về các động thái này, Hurriyet Daily News cho rằng Nga muốn nhận một lời xin lỗi từ Thổ Nhĩ Kỳ thông qua một lệnh trừng phạt. Nhưng điều này khó xảy ra, tại sao lại như vậy?
Hàng loạt xe chở các mặt hàng nông sản Thổ Nhĩ Kỳ bị tắc lại ở biên giới sau khi ông Putin ký lệnh áp đặt trừng phạt. Ảnh: International Business Times. |
Putin và Erdogan như "anh em sinh đôi"
The New York Times ngày 30/11 bình luận, khủng hoảng Nga - Thổ thực chất được thúc đẩy bởi sự giống nhau trong tính cách giữa hai nhà lãnh đạo, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Cách đây không lâu Putin ca ngợi Erdogan là một người đàn ông mạnh mẽ, sẵn sàng đứng lên chống lại phương Tây. Nhưng kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiếc Su-24 của Nga, Putin đã gọi Erdogan là "kẻ đâm sau lưng". Erdogan không bình luận trực tiếp về nhận xét của Putin, nhưng ngay cả khi Putin đã dịu giọng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vẫn từ chối đưa ra lời xin lỗi.
Mâu thuẫn Nga - Thổ đã nhen nhóm trong nhiều năm vì hai bên đứng ở hai đầu trong cuộc nội chiến Syria. Nga can thiệp để bảo vệ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lại tìm cách hạ bệ Tổng thống Syria.
Trong vụ "khủng hoảng Nga - Thổ 17 giây", tích cách cá nhân của Putin và Erdogan với thái độ không thỏa hiệp càng như đổ thêm dầu vào lửa. Ivan Krastev, một nhà khoa học chính trị từ Trung tâm Chiến lược tự do ở Sofia, Bulgaria nói: "Vấn đề là cả hai Tổng thống ddeeuf ở trong trạng thái cương". Cả hai ông đều không biết làm thế nào để rút lui, cũng không quen xin lỗi. Họ giống như anh em sinh đôi.
Cả hai nhà lãnh đạo này được xem như nổi tiếng với tính dân tộc, cứng rắn và khát khao quyền lực. Trong khi ông Putin thay đổi vị trí giữa Tổng thống và Thủ tướng để tiếp tục nắm quyền điều hành nước Nga thì ông Erdogan muốn cải tổ Hiến pháp để thêm quyền cho Tổng thống.
Cả Putin lẫn Erdogan đều đang cố gắng khôi phục lại ánh hào quang đã mất, Liên Xô thời hùng cường và đế chế Ottoman lúc hoàng kim. Lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny tuần trước đã chỉ trích 2 Tổng thống: "Cả hai đều nói chuyện vô nghĩa về chính sách đối ngoại để đánh lạc hướng người dân khỏi những vấn đề nội bộ".
Nga đã kéo S-400 sang Syria khiến Mỹ lo ngại, ảnh minh họa: Russia Today. |
Mỹ lo ngại khủng hoảng Nga - Thổ vượt tầm kiểm soát
Đài VOA ngày 30/11 cho biết, các nhà ngoại giao và quan chức quân sự Hoa Kỳ đang kêu gọi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hạ bớt giọng hùng biện của mình để tránh căng thẳng leo thang, bùng phát thành xung đột. Hôm Thứ Hai, Lầu Năm Góc cho biết họ đã nhận thấy lần đầu tiên Nga đưa một số chiến đấu cơ Su-34 sang Syria và mang theo tên lửa không đối không.
"Mọi người đều muốn tránh sai lầm", một quan chức Mỹ giấu tên nói với VOA. Lầu Năm Góc đang ngày càng lo ngại với việc, dường như Nga có ý định sử dụng việc can thiệp vào Syria như một cơ hội để "trình làng" vũ khí mới của họ.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis cho biết: "Cho dù mang tên lửa không đối không trên máy bay hay đặt tên lửa phòng không dưới mặt đất, rõ ràng mục đích đều không phải nhằm tiêu diệt khủng bố IS, bởi IS không có chiếc máy bay nào".
Để góp phần hạ nhiệt căng thẳng, tân Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ, tướng Joshep Dunford đã điện đàm với Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang liên bang Nga Valery Gerasimov. Chi tiết cuộc thảo luận không được tiết lộ, nhưng cuộc nói chuyện được cho là rất chuyên nghiệp.
Những diễn biến mới nhất xoay quanh "khủng hoảng Nga - Thổ 17 giây" cho thấy, cuộc chiến chống lực lượng khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đang diễn biến thành một cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng chiến lược quyết liệt giữa Nga và phương Tây. Đồng thời nó ngày càng cho thấy rõ, IS chính là "vi rút sổng chuồng" của các ông lớn toàn cầu, một công cụ tìm kiếm lợi ích địa chiến lược và quay lại "đập lưng ông" mà thôi - PV.