Bangkok Post ngày 2/4 đưa tin, chính phủ Thủ tướng Prayut Chan-o-cha sẽ tiếp tục thúc đẩy dự án mua tàu ngầm giá rẻ của Trung Quốc vốn gây tranh cãi và bị trì hoãn một thời gian dài.
Cả Thủ tướng Prayut lẫn cấp phó của ông, Prawit Wongsuwon đã kiên quyết bảo vệ dự án trị giá 36,5 tỉ baht, bất chấp hoài nghi rằng, mua tàu ngầm giá rẻ Trung Quốc sẽ là một sự lãng phí tiền thuế của dân.
Thủ tướng Prayut Chan-o-cha khẳng định, 3 tàu ngầm Trung Quốc có giá hời, trong khi cấp phó của ông cam kết rằng quá trình mua bán là hoàn toàn minh bạch.
Theo Thủ tướng Thái Lan, hợp đồng mua bán có chữ ký chính thức của đại diện chính phủ Thái Lan và Trung Quốc đang được tái kiểm tra để đảm bảo "độ chính xác tuyệt đối".
Sau khi hoàn thành, hợp đồng sẽ được trình lên nội các bất cứ lúc nào.
Theo kế hoạch, Thái Lan sẽ dành 13,5 tỉ baht để mua tàu ngầm Trung Quốc đầu tiên, 2 chiếc sau trị giá hơn 20 tỉ baht và đã được chấp thuận về nguyên tắc.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, ảnh: ft.com. |
Theo quan điểm của chính phủ đương nhiệm, sở hữu các tàu ngầm là nhu cầu cần thiết để tăng cường sức mạnh quân sự Thái Lan, vì các nước khác trong khu vực (Đông Nam Á) cũng có tàu ngầm.
Tuy nhiên, Bangkok Post cho rằng, đầu tiên chính phủ cần phải làm rõ các mối đe dọa an ninh quốc gia Thái Lan là gì mà phải cần mua tàu ngầm.
Trong khi trên thực tế Thái Lan hiện không có nguy cơ tham gia một cuộc chiến tranh quy mô lớn đòi hỏi phải sử dụng tàu ngầm, ngay cả hiện tại và tương lai.
Bởi lẽ Thái Lan không phải một bên tranh chấp ở Biển Đông, nơi có nguy cơ nổ ra chiến tranh thực sự. Đồng thời, Thái Lan và các nước Đông Nam Á đang xây dựng một cộng đồng.
Hơn nữa, một số nhà phê bình lưu ý rằng quan hệ Thái - Trung đã trở nên gần gũi hơn về mặt quân sự kể từ cuộc đảo chính năm 2014, vì Bắc Kinh hỗ trợ chính quyền quân sự, trong khi các nước phương Tây lên án và quay lưng.
Tuy nhiên chính phủ Thái Lan đã quên rằng, Trung Quốc là "diễn viên chính" trong cuộc xung đột ở Biển Đông, quan hệ quân sự với Bắc Kinh có thể khiến một số nước bạn bè trong ASEAN không thoải mái. Đó sẽ là một cái giá đắt.
Hơn nữa, Thái Lan cũng cần rút ra bài học về việc mua tàu sân bay HTMS Chakri Naruebet vào năm 1997, do thực tế duy trì hoạt động của tàu sân bay rất đắt.
Con tàu mua với giá 8,4 tỉ baht chủ yếu nằm trong cảng, nó cũng chẳng có máy bay. Nên rất có khả năng nếu mua các tàu ngầm Trung Quốc, kết cục lại chẳng khác gì tàu sân bay này.
Quyết định thành lập hạm đội tàu ngầm và các phương tiện liên quan khác là một sai lầm ngay từ đầu.
Trong khi đồng ý với việc hải quân Thái Lan cần được trang bị tốt hơn, Bangkok Post cho rằng bất kỳ hoạt động mua sắm nào cần phải tính toán cho phù hợp với sứ mệnh, nhiệm vụ cụ thể, bao gồm chống buôn người, đánh bắt bất hợp pháp, các hoạt động cứu trợ.
Tờ báo viết:
"Khi tướng Prayut cho biết các tàu ngầm Trung Quốc có giá rẻ, số tiền tương đương này cho phép chúng tôi mua lại tàu đã qua sử dụng của Đức, ông nên nhớ rằng, một baht chi cho bất kỳ thứ gì không sử dụng hoặc không thể tận dụng, có nghĩa là sản phẩm đó quá đắt, chứ đừng nói đến hơn 30 tỉ baht.
Khi chính phủ đã bị phàn nàn rất nhiều về tình trạng thiếu ngân sách cho một số chương trình y tế và xã hội, thì không nên vung tay quá trán trong thương vụ mua tàu ngầm, mà kết cục có thể lại như số phận tàu sân bay".
Nguồn:
http://www.bangkokpost.com/opinion/opinion/1225376/the-cheap-submarine-deal