Biên đội tàu tuần tra và máy bay trực thăng của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản |
“Mỹ có nghĩa vụ phòng thủ nhóm đảo Senkaku”
Hãng Kyodo vừa cho biết, hội nghị toàn thể Thượng viện Mỹ ngày 29/11 quyết định, đưa thêm vào điều khoản bổ sung trong dự luật trao quyền quốc phòng năm tài khóa 2013, quy định rõ ràng nhóm đảo Senkaku là đối tượng áp dụng thích hợp của điều 5 Hiệp ước Bảo đảm An ninh Nhật-Mỹ, điều khoản xác định nghĩa vụ quốc phòng của Mỹ đối với Nhật Bản.
Động thái này đã phối hợp thống nhất với lập trường của chính quyền Barack Obama, gia tăng kiềm chế đối với Trung Quốc – nước đòi hỏi chủ quyền đối với nhóm đảo Senkaku.
Tờ “Sankei Shimbun” Nhật Bản cho rằng, “Luật trao quyền quốc phòng” của Quốc hội Mỹ thường xác định tổng số tiền ngân sách năm tài khóa tiếp theo, rất ít đề cập tới vấn đề chủ quyền lãnh thổ của nước khác. Dự luật có điều khoản bổ sung nói trên do Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Mỹ Jim Webb, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain, Lieberman Joseph cùng đề xuất.
Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Jim Webb ra tuyên bố, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đồng minh Nhật-Mỹ, cho rằng điều này sẽ là “sự bày tỏ thái độ mạnh mẽ ủng hộ các đồng minh quan trọng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương” của Mỹ.
Jim Webb cho rằng: “Trong mấy năm qua, Trung Quốc liên tục có các hành động mang tính tấn công, chủ trương chủ quyền đối với nhóm đảo Senkaku và một loạt hòn đảo ở biển Đông. Luật sửa đổi này chỉ rõ Mỹ công nhận quyền quản lý của Nhật Bản đối với nhóm đảo Senkaku, lập trường này sẽ không vì mối đe dọa, sức ép hay hành động quân sự mà thay đổi”.
Sau khi hai viện của Quốc hội hiệp thương, dự luật sẽ được Tổng thống Obama ký kết thông qua.
Mỹ có "nghĩa vụ phòng thủ" nhóm đảo Senkaku của Nhật Bản. Trong hình là Mỹ-Nhật tiến hành diễn tập quân sự liên hợp do quân Mỹ công bố |
Điều khoản bổ sung của dự luật lần này chỉ ra “Mỹ không giữ lập trường cụ thể đối với việc sở hữu chủ quyền cuối cùng của nhóm đảo Senkaku, nhưng cho rằng nó nằm dưới sự quản lý của Nhật Bản”, đồng thời đã gián tiếp nhắc nhở Trung Quốc “hành động đơn phương của bên thứ ba sẽ không ảnh hưởng tới lập trường này của Mỹ”.
Ngoài ra, điều khoản này còn phản đối sử dụng vũ lực đe dọa hoặc giải quyết vấn đề chủ quyền biển Hoa Đông bằng phương thức vũ lực, đồng thời “tái khẳng định cam kết đối với Chính phủ Nhật Bản (lấy điều 5 của Hiệp ước làm cơ sở)”.
Trước đây, luật trao quyền quốc phòng quy định khung cơ bản của ngân sách quốc phòng cũng từng nhiều lần đưa vào điều khoản có liên quan đến vấn đề điểm nóng ngoại giao.
Các chính đảng Nhật Bản nhất trí cứng rắn với Trung Quốc
Cũng theo hãng Kyodo, ngày 30/11, tại Tokyo, lãnh đạo 11 chính đảng của Nhật Bản đã tham gia cuộc tranh luận trước khi tham gia cuộc bầu cử Hạ viện, đã tiến hành thảo luận về các vấn đề chính sách điện hạt nhân, kinh tế, tăng thuế tiêu thụ và ngoại giao trong tương lai.
Biện pháp ứng phó vấn đề nhóm đảo Senkaku và chính sách đối với Trung Quốc trở thành một trong những tiêu điểm, lập trường của các đảng hoàn toàn khác nhau.
Trung Quốc tăng cường trang bị tàu hải giám cỡ lớn để ép một số nước láng giềng từ bỏ chủ quyền ở biển Hoa Đông và biển Đông. Trong hình là tàu Hải giảm 137 lớp 3.000 tấn vừa bàn giao cho Tổng đội Đông Hải - Hải giám Trung Quốc ngày 14/11/2012. Con tàu này sẽ hoạt động tuần tra ở biển Hoa Đông, tham gia tranh chấp nhóm đảo Senkaku với Nhật Bản |
Lãnh đảo Đảng Dân chủ (DPJ), Thủ tướng Yoshihiko Noda đã tái khẳng định phương châm nhất quán đối với vấn đề nhóm đảo Senkaku, cho rằng “sẽ tiếp tục ứng phó bằng một thái độ kiên quyết”.
Đối với phương án đưa nhân viên chính phủ tới đóng ở nhóm đảo Senkaku do lãnh đạo Đảng Tự do Dân chủ (LDP) Shinzo Abe đưa ra, Thủ tướng Noda cho biết, cần xem xét tác động ảnh hưởng của việc thảo luận vấn đề này bây giờ đối với quan hệ Nhật-Trung, cho rằng cần tránh kích động Trung Quốc không cần thiết.
Ông Shinzo Abe phê phán chính sách đối với Trung Quốc của chính quyền Đảng Dân chủ “luôn lo ngại Trung Quốc gây ra thất bại về ngoại giao”, cho biết có ý định tăng cường kiểm soát thực tế đối với nhóm đảo Senkaku.
Ngoài ra, bày tỏ “ủng hộ toàn diện” đối với vấn đề quốc hữu hóa nhóm đảo Senkaku của chính quyền Noda. Về vấn đề không thăm viếng ngôi đền Yasukuni trong thời gian làm Thủ tướng trước đây, Shinzo Abe bày tỏ cảm thấy “rất hối hận”, nói bóng gió là sẽ xem xét thăm viếng ngôi đền này nếu tiếp tục được ngồi vào ghế Thủ tướng.
Lãnh đạo đảng Mặt trời (POS), ông Shintaro Ishihara cho rằng, quan hệ Nhật-Trung xấu đi “trách nhiệm do Trung Quốc”, chủ trương cần xây dựng đèn hiệu (hải đăng) và chỗ tránh nạn cho tàu thuyền ở nhóm đảo Senkaku. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP), ông Shii Kazuo cho rằng: “Cần bình tĩnh tiến hành giải quyết bằng đàm phán ngoại giao”.
Đại quân khu Nam Kinh diễn tập đổ bộ đoạt đảo |
Các nguồn tin cho biết, tranh chấp nhóm đảo Senkaku giữa Nhật-Trung đã diễn ra hết sức căng thẳng trong thời gian qua, nhất là khi Nhật Bản tiến hành quốc hữu hóa đối với đảo Senkaku.
Cuộc chiến “tiêu hao” lẫn nhau giữa Trung-Nhật tiếp tục diễn ra. Trung Quốc đã không chỉ sử dụng lực lượng công vụ/dân sự để đòi hỏi chủ quyền, mà cùng với sức mạnh quân sự không ngừng gia tăng, quân đội Trung Quốc cũng đã tiến hành các cuộc diễn tập quân sự có quy mô lớn để răn đe vũ lực đối với Nhật Bản.
Được biết, ngày 30/11, Hải giám Trung Quốc tiếp tục tuần tra ở vùng biển đảo Senkaku. Hãng Kyodo dẫn nguồn tin từ Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết, các tàu hải giám của Trung Quốc gồm Hải giám 46, Hải giám 49, Hải giám 66 và Hải giám 137 đều xuất hiện ở vùng biển gần đảo Senkaku.
Đáng chú ý là tàu Hải giám 137 là tàu tuần tra cỡ lớn lớp 3.000 tấn vừa đưa vào hoạt động ngày 14/11/2012. Đây cũng là lần đầu tiên con tàu này đến hoạt động ở vùng biển đảo Senkaku.
Trung Quốc đã sử dụng tàu hải giám luân phiên tiến hành tuần tra thường xuyên ở vùng biển đảo Senkaku, có ý đồ triển khai nhiều hơn tàu cỡ lớn, tăng cường “mức độ thị uy và đe dọa”, từ đó tiếp tục gây sức ép đối với Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản.
Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa đưa ra chiến lược xây dựng cường quốc biển. Trung Quốc đang đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các loại tàu chiến hiện đại để làm hậu thuẫn quân sự, trong đó có tàu sân bay, tàu ngầm, tàu vận tải/tấn công đổ bộ... Trong hình là tàu tấn công đổ bộ 081 đang được Trung Quốc phát triển. |