Lương Chấn Anh, Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông đang bị người biểu tình yêu cầu từ chức. |
CNN ngày 2/10 bình luận, các cuộc biểu tình đường phố đã càn quét Hồng Kông từ cuối tuần qua đã đẩy lãnh đạo Trung Quốc vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Bắc Kinh gọi các cuộc biểu tình này là bất hợp pháp, Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Lương Chấn Anh nhiều lần khẳng định Trung Nam Hải sẽ không đảo ngược quyết định về việc kiểm duyệt nhân sự bầu cử năm 2017.
Mục tiêu của những người biểu tình ở Hồng Kông là thay đổi chính sách này, họ cho rằng phổ thông đầu phiếu sẽ trở nên vô nghĩa nếu ứng viên phải được Bắc Kinh gật đầu đồng ý trước. Chính điều này tạo ra rất ít không gian cho sự thỏa hiệp để cả hai bên thoát khỏi bế tắc, các nhà phân tích bình luận.
David Zweig, một giáo sư đại học Khoa học công nghệ Hồng Kông nói với CNN: "Tập Cận Bình không muốn bị xem là người không thể quản lý nổi các sinh viên tại Hồng Kông". Cho đến nay các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc phần lớn đều im lặng về những gì đang xảy ra ở Hồng Kông, Tập Cận Bình đã để cho các quan chức thấp hơn và giới truyền thông nhà nước thể hiện quan điểm của Bắc Kinh.
Tân Hoa Xã cho biết Trung Nam Hải hoàn toàn tự tin rằng chính quyền Hồng Kông có thể xử lý các cuộc biểu tình chiếm trung tâm ở Hồng Kông mà họ vẫn gọi là "tụ tập bất hợp pháp". Tân Hoa Xã vẫn bảo vệ quan điểm về quyết định "cải cách bầu cử" hôm 31/8 của quốc hội Trung Quốc là "bền vững".
Tập Cận Bình đã nổi lên như một nhà lãnh đạo cứng rắn, đặc biệt mạnh tay với các nhóm dân tộc thiểu số ở Tây Tạng hay Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Willy Lam, giáo sư trợ giảng đại học Trung Quốc tại Hồng Kông nói với CNN. Bắc Kinh cũng lo ngại rằng những gì đang xảy ra ở Hồng Kông có thể tạo ra một hiệu ứng domino với các thành phố khác ở Trung Quốc, đặc biệt là vùng duyên hải giàu có.
Cảnh sát Hồng Kông tay không tìm cách đối thoại với người biểu tình sau khi dùng hơi cay, dùi cui giải tán bất thành. |
"Đối với Tập Cận Bình để thỏa hiệp về Hồng Kông sẽ là lựa chọn mất mặt to lớn", WIly Lam bình luận. Victor Gao, một cựu phiên dịch của Đặng Tiểu Bình nói với CNN, những người biểu tình ở Hồng Kông sẽ "tưởng bở" nếu họ nghĩ rằng chính quyền trung ương sẽ lùi bước.
Tuy nhiên Zweig cho rằng vẫn có một số khả năng cải cách bầu cử cho Hồng Kông "dân chủ hơn" dự kiến vào kỳ bầu cử năm 2022, đó có thể là một lựa chọn.
Người tiền nhiệm của Lương Chấn Anh, ông Đổng Kiến Hoa - Trưởng đặc khu hành chính đầu tiên của Hồng Kông đã phải rời ghế năm 2005 trong bối cảnh mất lòng công chúng rộng rãi.
Những người biểu tình đòi Lương Chấn Anh từ chức và Willy Lam cho rằng, không phải không thể tưởng tượng chuyện Bắc Kinh có thể kéo Lương Chấn Anh xuống. "Đó là một tình huống khó khăn, nhưng tôi nghĩ rằng vẫn còn có chỗ để Bắc Kinh giải quyết vấn đề mà không phải dùng đến vũ lực, Lương Chấn Anh (mất chức) là một lựa chọn. Ông ấy là một nhân vật gây chia rẽ và không được lòng dân."
Trường hợp xấu nhất, phương sách cuối cùng Bắc Kinh có thể triển khai quân đội trên đường phố Hồng Kông. Quân đội Trung Quốc có khoảng 6000 lính đồn trú tại đây và vừa trải qua huấn luyện chống bao động qua vùng giáp ranh với Thâm Quyến.
"Tôi không nghĩ Bắc Kinh sẽ sử dụng vũ khí gây chết người, nhưng dù sao việc triển khai xe bọc thép trên đường phố có thể khiến những người biểu tình lo sợ mà phải rời đi. Nhưng đó là phương sách cuối cùng. Hình ảnh xe tăng lăn trên đường phố Hồng Kông sẽ rất có hại cho chính quyền Tập Cận Bình", Willy Lam bình luận.