The Straits Times ngày 16/7 đưa tin, hội nghị thượng đỉnh Á - Âu tại Mông Cổ kết thúc ngày hôm qua 16/7 mà không đề cập trực tiếp đến Biển Đông trong tuyên bố chung. Các nhà ngoại giao cho biết, tranh luận kín về Biển Đông tại hội nghị này khá căng thẳng.
Trung Quốc từ chối công nhận phán quyết trọng tài của Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 xét xử vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, trong đó hủy bỏ yêu sách bành trướng với cả Biển Đông.
Ông Lý Khắc Cường, Thủ tướng Trung Quốc sang dự hội nghị thượng đỉnh Á - Âu tại Mông Cổ, ảnh: zimbio.com |
Nước này đã tìm cách gạt Biển Đông khỏi chương trình nghị sự tại Mông Cổ. Tuy nhiên tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh Á - Âu vẫn nhấn mạnh cam kết thúc đẩy hợp tác an ninh hàng hải, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, không đe dọa dùng vũ lực hay dùng vũ lực.
Tuyên bố chung cũng kêu gọi, các tranh chấp nên được giải quyết thông qua luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc và UNCLOS 1982.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói với các phóng viên, ông hy vọng phán quyết của trọng tài sẽ tạo ra động lực tích cực trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp. Tuy nhiên không phải chuyện dễ dàng trong việc thuyết phục Trung Quốc chấp nhận điều này.
Hôm Thứ Sáu 15/7, Liên minh châu Âu tuyên bố trung lập trong vấn đề Biển Đông, còn Anh, Pháp và Đức tuyên bố rõ, yêu cầu Bắc Kinh phải tôn trọng luật pháp quốc tế khi vị thế toàn cầu của họ ngày càng lớn hơn. EU khó thống nhất trong vấn đề này khi Hungary và Hy Lạp còn đang phụ thuộc lớn vào đầu tư từ Trung Quốc.
Không có cuộc gặp song phương nào giữa Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường với Ngoại trưởng Philippines, mặc dù ban đầu Trung Quốc yêu cầu bố trí một cuộc gặp như vậy.
Trong suốt thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh Á - Âu, các quan chức Trung Quốc không nói chuyện với phóng viên nước ngoài. Ông Lý Khắc Cường thì nói với ông Shinzo Abe hôm trước rằng, Nhật Bản đừng can thiệp vào Biển Đông.
Thủ tướng Nhật Bản đã gặp gỡ Thủ tướng Việt Nam và Ngoại trưởng Philippines, ông Shinzo Abe cam kết rằng Nhật Bản sẽ hợp tác với Việt Nam và Philippines trong việc thi hành phán quyết trọng tài này.