Sáng nay 23/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Như Mai, đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội bày tỏ rất nhiều kỳ vọng vào sự phát triển vượt trội của 3 đặc khu.
Nhấn mạnh tại hội trường liên quan đến tính khả thi của dự án luật, đại biểu Vũ Thị Như Mai nêu băn khoăn đầu tiên là về nguồn lực thực hiện.
Theo ước tính để đầu tư cho 3 đặc khu, chúng ta cần khoảng 1,5 triệu tỷ đồng. Tín hiệu đáng mừng là vai trò của các thành phần kinh tế khác được phát huy.
Tuy nhiên, với tính chất đặc thù của cả 3 đặc khu về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh, chúng tôi hiểu rằng, nhiều công trình, dự án, hang mục không thể thiếu bàn tay nhà nước. Và vai trò của ngân sách nhà nước là bắt buộc.
Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Như Mai. (Ảnh: Quochoi.vn) |
“Do vậy, bài toán đặt ra là chúng ta phải đưa ra phương án tài chính hợp lý. Trong tổng số nguồn lực đó, nhà nước phải đầu tư bao nhiêu. Tính khả thi của phương án huy động nguồn lực, thời gian thực hiện”, đại biểu Mai nhấn mạnh.
Theo đại biểu, có một nguyên tắc là mọi khoản chi phải trong dự toán. Đó là nguyên tắc Hiến định.
“Vì vậy, chúng tôi muốn rằng các quy định của luật phải đặt trong mối quy định tổng thể với kế hoạch tài chính trung hạn, kế hoạch đầu tư công trung hạn để đảm bảo tính khả thi”, đại biểu Mai nói.
Về chính sách thuế, theo đại biểu, mặc dù dự thảo luật đã có nhiều tiếp thu, tuy nhiên, nhiều vấn đề chúng ta cần cân nhắc lại tính khả thi của các quy định.
Theo bà Mai, có một điểm đáng lưu ý là báo cáo của tổ chức Oxfam, các chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam chưa thực sự đem lại hiệu quả thiết thực.
Theo báo cáo của ngân hàng thế giới, 85% nhà đầu tư ngay trên lãnh thổ Việt Nam cho rằng, chính sách thuế chưa phải là vấn đề họ quan tâm.
“Hiện nay, theo kinh nghiệm quốc tế của nhiều nước cho thấy, quá trình phát triển các đặc khu không đặt ra thuế là điều kiện tiên quyết.
Vì vậy, chúng tôi đề nghị rà soát để đảm bảo tính khả thi. Cụ thể, tôi đề nghị bỏ quy định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với dịch vụ kinh doanh casino, kinh doanh đặt cược, trò chơi điện tử.
Ở đây mức miễn giảm không phải ít hay nhiều. Ở đây là bản chất của chính sách thuế. Thuế tiêu thụ đặc biệt gánh trên mình nhiệm vụ điều tiết, định hướng tiêu dùng.
Chúng ta chỉ nên áp dung theo lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhiều nước trên thế giới khi áp dụng chính sách ưu đãi cũng không áp dụng ưu đãi với thuế tiêu thụ đặc biệt”, bà Mai phân tích.
Không để “cò đất”, xã hội đen mua bán đất lộng hành đẩy giá lên cao |
Vì vậy, để phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính phù hợp với tính chất của thuế, bà Mai đề nghị bỏ việc miễn giảm đối với thuế tiêu thụ đặc biệt.
Về thuế thu nhập cá nhân, dự án luật đã có nhiều tiếp thu. Trong quy định, miễn thuế thu nhập cá nhân 5 năm đối với nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân khác làm việc tại đặc khu (Điều 40).
“Tôi nghĩ rằng việc khuyến khích thuế thu nhập cá nhân là cần thiết. Tuy nhiên, thuế thu nhập cá nhân về bản chất khi có thu nhập thì phải chịu thuế.
Nếu chúng ta đặt ra miễn thuế thu nhập cá nhân là chưa phù hợp. Vấn đề không phải xác định thế nào là khái niệm nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao. Vấn đề ở đây là tiêu chí để xác định. Vì vậy việc giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện xác định là chưa phù hợp.
Đề nghị, nếu không được luật hóa thì cũng phải bằng văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định của Chính phủ hoặc tương đương chứ không giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện”, bà Mai nêu quan điểm.
Về vấn đề quản lý sử dụng đất đai, theo quy định dự thảo luật, Ủy ban nhân dân có quyền thu hồi đất. Chúng ta phải quan tâm là việc khiếu kiện kéo dài do thu hồi đất.
“Chúng tôi mong muốn rằng trong dự thảo luật, đi đối với quy định quyền lực của cá nhân chủ tịch Ủy ban nhân dân cần làm rõ trách nhiệm cá nhân, làm rõ cơ chế đảm bảo quyền lợi của người bị thu hồi đất”, bà Mai bày tỏ.
Một vấn đề khác bà Mai quan tâm là nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch đặc khu trong đầu tư công.
Bà Mai nêu, hiện nay, theo quy định của dự thảo, chủ tịch đặc khu có thẩm quyền quyết định đầu tư với các dự án nhóm A.
Tuy nhiên, theo Điều 8 của Luật Đầu tư công, dự án nhóm A có đặc thù rất quan trọng gắn với môi trường, chính trị, an ninh quốc phòng… Vì vậy, chúng ta cần cân nhắc giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu quyết định các dự án nhóm A. Nhất là dự án sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.
Một vấn đề khác là quyết định các dự án đầu tư theo Điều 69 của dự thảo, chủ tịch đặc khu có thẩm quyền vừa lập dự án, thẩm định dự án, phê duyệt, ký kết hợp đồng dự án theo hình thức đầu tư phù hợp tại đặc khu.
“Chúng tôi thấy đây là một quy trình có nhiều công đoạn khác nhau. Hiện nay, việc này đang được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau.
Nếu như chúng ta chỉ giao cho một cá nhân có lẽ không đảm bảo tính khách quan, tính hợp lý. Rất có thể sẽ có trường hợp gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Vì vậy, tôi đề nghị cân nhắc để phù hợp Luật Đầu tư công”, bà Mai chỉ rõ.
Cùng bày tỏ lo ngại về quy định liên quan đến thu hồi đất, đại biểu Võ Thị Như Hoa, đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng cho rằng, quy định thu hồi đất quy định tại Điều 32 dự thảo luật, phạm vi thu hồi đất quá rộng.
“Đất đai là tài sản quan trọng gắn liền với cuộc sống người dân nên việc giới hạn phạm vi thu hồi đất là cần thiết.
Chẳng hạn như quy định thu hồi đất thực hiện dự án của nhà đầu tư chiến lược mà không đưa ra kèm bất cứ điều kiện gì tiềm ẩn nguy cơ lạm dụng, vì lợi ích nhà đầu tư chiến lược mà bỏ qua quyền lợi người dân”, đại biểu Hoa bày tỏ lo ngại.