Trẻ 5 tuổi làm quen tiếng Anh: Trường MN khó triển khai vì mức chi trả quá thấp

08/06/2023 06:43
Trịnh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với mức chi trả từ 8.000-10.000 đồng/tiết/học sinh, nhiều trường mầm non vùng cao khó mời giáo viên trung tâm về dạy tiếng Anh.

Kể từ ngày 31/3/2021, Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo chính thức có hiệu lực.

Theo đó, việc dạy tiếng Anh ở các trường mầm non là không bắt buộc, chỉ ở nơi phụ huynh có nhu cầu và đảm bảo chất lượng dạy học thì nhà trường mới tổ chức lớp.

Việc tổ chức cho trẻ em mẫu giáo làm quen với tiếng Anh được tổ chức 35 tuần/năm, tối thiểu 02 hoạt động làm quen với tiếng Anh/tuần, mỗi hoạt động từ 25-35 phút.

Qua hơn 2 năm kể từ khi triển khai chương trình, một số trường vùng cao đã và đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Trẻ 5 tuổi làm quen tiếng Anh ở Bắc Quang, Hà Giang. Ảnh trong đợt kiểm tra vào tháng 3/2023, nguồn: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Quang.

Trẻ 5 tuổi làm quen tiếng Anh ở Bắc Quang, Hà Giang. Ảnh trong đợt kiểm tra vào tháng 3/2023, nguồn: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Quang.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hoàng Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang cho biết:

“Toàn huyện hiện có 5 trên tổng số 25 trường mầm non đã thực hiện cho trẻ 5 tuổi làm quen với tiếng Anh. Tổng số học sinh tham gia là 660 trẻ, thời lượng học là 1 tiết/tuần, mỗi tiết kéo dài 35 phút”.

Dù chương trình đã được triển khai được hơn 2 năm tại nhiều nơi, nhưng các trường mầm non của huyện mới bắt đầu thực hiện từ học kỳ 2 của năm học 2022-2023.

Những trường mầm non đang thực hiện chương trình cho trẻ làm quen với tiếng Anh gồm: Việt Quang I, Việt Quang II, Hoa Mai, Việt Vinh và Vĩnh Tuy.

Đây đều là những trường nằm tại khu vực trung tâm của huyện. Chương trình học sử dụng bộ tài liệu My Little Fun đảm bảo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Các hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh được thiết kế linh hoạt dưới nhiều hình thức học thông qua chơi, đảm bảo phát triển các kỹ năng ngôn ngữ: Nghe, Nói và Làm quen với đọc.

Qua đợt kiểm tra công tác triển khai, Phòng đánh giá trẻ tỏ ra phấn khởi, hăng hái trong giờ học và tích cực tương tác với giáo viên.

Tuy nhiên, cô Hiền nhận thấy vẫn có một số vướng mắc nhất định:

Thứ nhất, mức học phí phải theo đúng Nghị quyết số 33/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Giang.

Theo quy định, học phí của việc tổ chức dạy học cho trẻ làm quen với ngoại ngữ ở mẫu giáo không được quá 8.000 đồng/tiết/học sinh.

Tuy nhiên, kinh phí giảng dạy của các giáo viên tại trung tâm ngoại ngữ hiện cao hơn so với số tiền trên. Để tổ chức được các lớp học này, nhà trường, phụ huynh học sinh và trung tâm đã mất nhiều thời gian để thống nhất được mức học phí theo đúng Nghị quyết của tỉnh.

Thứ hai, số lượng giáo viên tiếng Anh còn hạn chế. Hiện nay trên địa bàn huyện Bắc Quang chỉ có một trung tâm ngoại ngữ nhưng số lượng giáo viên của trung tâm này cũng không nhiều.

Các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung ở thành phố Hà Giang, nơi cách trung tâm huyện gần 60km. Vậy nên phương án tìm kiếm giáo viên từ các trung tâm khác là không khả thi.

Với các trường còn lại trên địa bàn, cô Hiền cho rằng sẽ phải mất thêm một thời gian dài mới có thể triển khai cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh.

Bởi, những điểm trường xa nhất tại đây cách trung tâm huyện khoảng 40-50km nên cần tính đến chi phí di chuyển của giáo viên. Với mức học phí không được quá 8.000 đồng/tiết/học sinh, sẽ rất khó để thu hút những giáo viên có đủ trình độ về dạy học.

Trong khi đó, những giáo viên dạy tiếng Anh hiện nay không khó để tìm được nhiều cơ hội việc làm tại các vùng có điều kiện thuận lợi hơn.

Thậm chí nếu có đủ giáo viên, đảm bảo được việc đi lại nhưng nếu không đáp ứng được điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ dạy và học ngoại ngữ thì cũng không mang lại hiệu quả.

Cô Hiền chia sẻ thêm, thành phần dân cư sinh sống trên địa bàn huyện chủ yếu là người dân tộc thiểu số Tày và Mông.

Nhiều bậc phụ huynh chưa nhận thấy được sự cần thiết của việc cho trẻ làm quen sớm với tiếng Anh. Cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn nên cũng không đáp ứng được mức học phí cho những lớp học này.

Cũng bày tỏ về vấn đề cho trẻ làm quen với tiếng Anh, thầy Trần Văn Bút - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang cho biết:

“Hiện nay trên địa bàn huyện có 34 trường mầm non, trong đó có 7 trường đã thực hiện cho trẻ 5 tuổi làm quen với tiếng Anh. Đây đều là các trường nằm gần trung tâm của huyện. Số lượng học sinh của mỗi trường không nhiều, có trường chỉ khoảng vài chục cháu tham gia.

Mỗi tuần, các cháu sẽ học 1 buổi, thời gian do trường tự sắp xếp. Sĩ số mỗi lớp từ 25-35 học sinh, giáo viên đứng lớp đến từ các trung tâm ngoại ngữ liên kết với trường. Mức học phí tuỳ các trường quy định, nhưng không được quá 10.000 đồng/tiết/học sinh theo đúng Nghị quyết của tỉnh”.

Được biết, ngày 3/7/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ra Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND quy định mức thu tối đa cho việc dạy tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo là 10.000 đồng/tiết/học sinh đối với giáo viên là người Việt Nam, 20.000 đồng/tiết/học sinh đối với giáo viên là người nước ngoài và 50.000 đồng/tiết/học sinh đối với giáo viên là người bản ngữ.

Nói về việc kiểm soát chất lượng giáo viên từ các trung tâm này, thầy Bút cho hay đây đều là các trung tâm đã được cấp phép hoạt động theo đúng quy định của Sở.

Trước khi tiến hành liên kết với các trường mầm non, các trung tâm ngoại ngữ đều phải cung cấp toàn bộ hồ sơ về đội ngũ giáo viên cũng như chương trình giảng dạy theo đúng quy định của Bộ.

Qua thời gian triển khai, các trường nhận xét học sinh có thái độ hào hứng, thích thú khi tham gia lớp học, mức độ tiếp thu nhanh và hiệu quả. Thấy được ảnh hưởng tích cực, nhiều trường mầm non khác trong huyện cũng mong muốn có thể sớm thực hiện chương trình.

Thầy Bút thông tin thêm, Phòng đặt mục tiêu mỗi năm có thêm từ 5 đến 7 trường thực hiện chương trình cho trẻ 5 tuổi làm quen với tiếng Anh. Từ đó, đến năm 2025 sẽ “phủ sóng” chương trình tới tất cả các trường mầm non trên địa bàn huyện Sơn Dương.

Để làm được điều đó, các trường đã thường xuyên phổ biến về những ưu điểm khi cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, kinh phí của những lớp học này do cha mẹ trẻ tự đóng góp. Nếu cho trẻ tham gia chương trình làm quen với tiếng Anh, phụ huynh phải gánh thêm một khoản chi phí nên công tác vận động chưa hiệu quả.

Vì cuộc sống còn nhiều mối bận tâm về kinh tế, các phụ huynh chưa thấy được lợi ích tức thời của việc cho trẻ tiếp xúc sớm với tiếng Anh. Nhiều người tỏ ra không quan tâm và phản hồi rằng họ không có nhu cầu.

Trịnh Trang