Kể từ ngày 31/3/2021, Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo chính thức có hiệu lực.
Kể từ đó nhiều địa phương đã tổ chức cho học sinh mầm non 5 tuổi làm quen với tiếng Anh. Tuy nhiên, hiện nay một số nơi ở khu vực miền núi đang gặp một số khó khăn nhất định trong việc triển khai.
Cả huyện chỉ 1 trường mầm non thực hiện được
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Nguyễn Sỹ Huấn – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đakrông (Quảng Trị) cho biết:
“Theo hướng dẫn của Thông tư 50 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phòng cũng nhận được những hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị để sau đó triển khai tới các trường.
Theo hướng dẫn, tùy vào điều kiện triển khai thực tế, nhu cầu và khả năng của trẻ, các cơ sở giáo dục mầm non phát triển kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện một cách linh hoạt, đảm bảo mục đích yêu cầu của việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Việc cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh được tổ chức 35 tuần/năm, tối thiểu 02 hoạt động làm quen với tiếng Anh/tuần, mỗi hoạt động từ 25-35 phút.
Tuy nhiên, khi triển khai, cả huyện Đakrông chỉ có 1 trường mầm non tại thị trấn thực hiện được chương trình cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Các trường khác trên địa bàn huyện dù cố gắng nhưng không thể thực hiện được do nhiều yếu tố.
Trên địa bàn huyện chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số nên phụ huynh cũng chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc làm quen với tiếng Anh cho trẻ 5 tuổi và cũng không có nhu cầu.
Bên cạnh đó, về cơ sở vật chất để phục vụ chương trình cho trẻ 5 tuổi làm quen với tiếng Anh tại các trường cũng còn thiếu nên việc triển khai cũng gặp nhiều khó khăn”, thầy Nguyễn Sỹ Huấn cho biết.
“Không chỉ về vấn đề nhu cầu của phụ huynh mà về đội ngũ giáo viên ở Đakrông không có giáo viên tiếng Anh cho cấp học mầm non.
Do vậy, các trường muốn cho trẻ 5 tuổi làm quen với tiếng Anh phải liên kết với trung tâm ngoại ngữ có nhân sự đủ yêu cầu của thông tư mới có thể triển khai. Chính vì thế các trường cũng gặp không ít khó khăn”, thầy Huấn nêu.
Bày tỏ quan điểm về việc nên có 1 vị trí việc làm giáo viên tiếng Anh trong trường mầm non, thầy Huấn cho rằng nếu có vị trí việc làm là giáo viên tiếng Anh trong cơ sở mầm non thì tốt nhưng cần phải tính toán sao cho phù hợp.
Bởi, theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đakrông, nếu phát sinh thêm 1 vị trí việc làm trong cơ sở giáo dục mầm non, sẽ liên quan đến rất nhiều thứ ví như định mức tiết dạy cho giáo viên mầm non có đủ hay không trong khi giáo viên mầm non có nhiều vấn đề đặc thù. Do vậy cần phải tính toán kỹ.
Phụ huynh khó khăn nên không đăng ký
Cũng bày tỏ về vấn đề cho trẻ 5 tuổi làm quen với tiếng Anh, cô giáo Nguyễn Thanh Nga – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa cho biết:
“Toàn huyện Hướng Hóa hiện có 10 trường thực hiện cho trẻ 5 tuổi làm quen với tiếng Anh với số lượng là 382 trẻ. Tại một địa phương miền núi còn nhiều khó khăn thì đây là một số lượng không nhỏ.
Các trường cho trẻ 5 tuổi làm quen với tiếng Anh chỉ thực hiện được đối với các trường tại trung tâm thị trấn và khu kinh tế đặc biệt Lao Bảo, những vùng có điều kiện. Còn các xã vùng khó khăn chưa thể thực hiện được”, cô Nguyễn Thanh Nga cho biết.
Nêu các vấn đề khó khăn của các trường khi cho trẻ 5 tuổi làm quen với tiếng Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Hướng Hóa cho biết, các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn huyện không có biên chế giáo viên chuyên dạy tiếng Anh cho trẻ, các trường chưa có phòng học, thiết bị dành riêng cho việc dạy và học tiếng Anh.
Trong điều kiện thực tế hiện nay, việc đầu tư phòng học, thiết bị riêng cho hoạt động này là rất khó khăn. Vì vậy, các cơ sở giáo dục mầm non đã triển khai việc cho trẻ 5 tuổi làm quen với tiếng Anh phải tận dụng và sử dụng tối đa, linh hoạt các phòng học, thiết bị hiện có của trường như: phòng học, máy tính, máy chiếu, loa và các học liệu phù hợp.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục mầm non không có chuyên môn tiếng Anh nên hợp đồng giáo viên của các trung tâm để tổ chức cho trẻ làm quen việc này gây khó khăn trong việc kiểm tra giám sát đối với hoạt động tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh với lý do cán bộ quản lý, giáo viên của các trường không biết, hoặc biết không nhiều tiếng Anh.
Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành Chương trình cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh. Chương trình do các Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thẩm định nên chưa có sự thống nhất chung trong cả nước về mục tiêu, nội dung, phương pháp giảng dạy cũng như các điều kiện đảm bảo để thực hiện.
Huyện Hướng Hóa có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao mà đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nên việc quan tâm đầu tư cho trẻ mầm non học ngoại ngữ còn hạn chế, một số phụ huynh chưa nhận thức rõ ý nghĩa của việc cho trẻ làm quen với ngoại ngữ hoặc cho rằng trẻ người dân tộc thiểu số chỉ cần học tốt tiếng Việt và tiếng của dân tộc mình là đủ, không cần học ngoại ngữ…