Triển vọng nào cho quan hệ Trung - Hàn sau Đại hội 19?

26/10/2017 10:43
PHẠM DOÃN TÌNH
(GDVN) - Hàn Quốc đang bị kẹt ở cái thế mà khó có giải pháp vẹn toàn, do đó triển vọng về việc làm ấm lại mối quan hệ Trung - Hàn có lẽ cũng chỉ mang tính biểu trưng.

Hàn Quốc đang bị kẹt ở cái thế mà khó có giải pháp nào thu xếp được vẹn toàn, do đó triển vọng về việc làm ấm lại mối quan hệ Trung - Hàn có lẽ phần nhiều cũng chỉ mang tính biểu tượng.

Những rạn nứt trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc gia tăng trong những năm gần đây liên quan đến việc Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.

Trung Quốc phản ứng giận dữ với động thái này vì cho rằng, THAAD không phải để chống lại mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên mà là nhằm vào Trung Quốc.

Một vị trí triển khai hệ thống THAAD ở Hàn Quốc (Ảnh: Yonhap)
Một vị trí triển khai hệ thống THAAD ở Hàn Quốc (Ảnh: Yonhap)

Tín hiệu mới cho việc cải thiện mối quan hệ

Yonhap ngày 25/10 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo đã có cuộc hội đàm trong khoảng thời gian 30 phút tại Clark, Philippines bên lề khuôn khổ các hoạt động Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 11.

Một quan chức Hàn Quốc giấu tên tuy không tiết lộ chi tiết về cuộc hội đàm nhưng cho biết:

Đây là cuộc hội đàm cấp Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên giữa hai nước trong vòng hai năm qua, bởi những bất đồng xung quanh việc Hàn Quốc triển khai hệ thống THAAD.

Cuộc hội đàm song phương giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng có ý nghĩa rất quan trọng.

Vì nó thể hiện mong muốn của cả hai bên để cải thiện mối quan hệ, mặc dù đã có những bất đồng trong việc Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối”, quan chức Hàn Quốc nói.

Cảnh sát Hàn Quốc ngăn chặn người biểu tình tiếp cận các xe chở thiết bị cấu thành THAAD tới điểm triển khai ở Seongju (Ảnh: CNN)
Cảnh sát Hàn Quốc ngăn chặn người biểu tình tiếp cận các xe chở thiết bị cấu thành THAAD tới điểm triển khai ở Seongju (Ảnh: CNN)

Ông Zhang Tuosheng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách đối ngoại của Viện Nghiên cứu chiến lược Trung Quốc cho rằng:

Các cuộc đàm phán sẽ được hoan nghênh vì mối đe doạ ngày càng gia tăng của chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Đối mặt với một Bình Nhưỡng ngày càng nguy hiểm, Bắc Kinh dần dần sẽ hiểu được những lo ngại về an ninh của Seoul.

Hội nghị quốc phòng song phương, mặc dù không thể giải quyết được sự khác biệt giữa hai nước, nhưng đó là một dấu hiệu rất tích cực cho sự hợp tác an ninh giữa hai nước”, ông Zhang nói.

Ông Zhang lưu ý thêm:

Thái độ của Bắc Kinh đối với các vấn đề an ninh khu vực đang thay đổi, đặc biệt là sau khi các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Hàn Quốc đã làm tổn thương mối quan hệ kinh tế song phương giữa hai nước.

Giờ đây, Trung Quốc đang cần nhiều đối tác hơn là kẻ thù”.

Triển vọng ấm lại mối quan hệ chỉ mang tính biểu tượng

Các dấu hiệu hy vọng cho việc hàn gắn mối quan hệ Trung - Hàn cũng đã xuất hiện trước khi diễn ra cuộc hội đàm giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng.

Triển vọng nào cho quan hệ Trung - Hàn sau Đại hội 19? ảnh 3

Trung Quốc dùng đám đông phục vụ mục đích ngoại giao có thể phản tác dụng

Hai nước đã đồng ý gia hạn thoả thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 64 nghìn tỷ won (55 tỷ USD) hồi đầu tháng này.

Đây là động thái được nhiều người xem như là dấu hiệu của sự tan băng trong quan hệ song phương.

Giáo sư Kim Han-kwon của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hàn Quốc bày tỏ kỳ vọng vào việc hạ nhiệt mối quan hệ hai nước sẽ diễn ra sau Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Bởi Trung Quốc có thể chủ động hơn trong việc hàn gắn quan hệ với các nước láng giềng nói chung, trong đó có Hàn Quốc, dựa trên sự lãnh đạo mạnh mẽ và đổi mới.

Có vẻ như ông Tập Cận Bình, ở một chừng mực nào đó đang chịu gánh nặng chính trị trong nước.

Và điều này có thể mang lại động lực để cải thiện mối quan hệ giữa Seoul và Bắc Kinh”, ông Kim nói.

Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn còn hoài nghi về sự thay đổi lập trường của Bắc Kinh sau Đại hội 19, thậm chí có người lại lo lắng rằng mọi thứ có thể trở nên khó khăn hơn.

Ông Choi Kang, Phó Viện Nghiên cứu Chính sách Asan cho rằng:

Mặc dù trong Đại hội 19, ông Tập không đề cập đến bất kỳ vấn đề cụ thể nào liên quan đến các nước láng giềng của Trung Quốc cũng như các nước khác, mà chỉ nhấn mạnh đến sự hợp tác và cùng tồn tại, nhưng Bắc Kinh sẽ không ngồi yên khi lợi ích quốc gia của họ bị tổn thương.

Có những kỳ vọng rằng mọi thứ sẽ tiến triển tốt hơn sau đại hội, nhưng thực tế có vẻ như Trung Quốc sẽ không tìm cách tiếp cận mới khi nói đến các chính sách đối với bán đảo Triều Tiên.

Trung Quốc có thể cảm thấy bị gánh nặng khi sử dụng áp lực quá mức có thể thúc đẩy Hàn Quốc tiến về phía Mỹ - dẫu vậy, rất khó để mong đợi bất kỳ cử chỉ hòa giải đột ngột nào từ Bắc Kinh”, ông Choi lưu ý.

Một cuộc biểu tình kêu gọi tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc ở tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc hồi đầu tháng 3 năm nay. (Ảnh: CNN)
Một cuộc biểu tình kêu gọi tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc ở tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc hồi đầu tháng 3 năm nay. (Ảnh: CNN)

Cùng quan điểm với ông Choi, ông Yang Gab-yong, nhà nghiên cứu hàng đầu của Viện Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Sungkyunkwan nói rằng:

Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không tìm kiếm một sự thay đổi đáng kể nào trong các hướng chính sách hiện tại.

Tuy nhiên, ông Yang cũng bày tỏ hy vọng rằng, hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa Mỹ và Trung Quốc vào tháng 11 cũng như một cuộc họp có thể diễn ra giữa các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Trung Quốc vào cuối năm nay, có thể cung cấp một bước đột phá cho việc giải quyết mối quan hệ đang bế tắc hiện nay.

Đối với vấn đề THAAD, sẽ rất khó để khôi phục mối quan hệ căng thẳng giữa Hàn Quốc và Trung Quốc.

Không có cách nào khác ngoài việc phải tìm ra một bước đột phá giữa các nhà lãnh đạo hai nước”, ông Yang nói.

Như vậy, mặc dù đã có những tín hiệu cho việc làm ấm lại mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, nhưng nhiều chuyên gia vẫn hoài nghi về những tín hiệu này.

Bởi Trung Quốc luôn cho rằng, việc Hàn Quốc triển khai hệ thống THAAD có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc, và coi quyết định này đã “dội gáo nước lạnh” vào mối quan hệ giữa hai nước.

Trung Quốc với tư cách là một nước lớn, chắc chắn sẽ không chấp nhận “cái gai” [THAAD] trước mắt mình.

Vì vậy, nếu Hàn Quốc muốn cải thiện mối quan hệ song phương với Trung Quốc thì buộc phải có những thay đổi trong kế hoạch triển khai hệ thống THAAD.

Điều này xem ra Hàn Quốc cũng sẽ khó có thể chấp nhận được, bởi mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đang khiến nước này lo lắng.

Tuy nhiên, ngay cả khi Hàn Quốc muốn thay đổi kế hoạch triển khai THAAD, thì cũng vấp phải sự phản đối của Mỹ bởi những toan tính địa chính trị chiến lược ở khu vực này.

Bởi vậy, xem ra Hàn Quốc đang bị kẹt ở cái thế chông chênh mà khó có giải pháp nào thu xếp được vẹn toàn.

Triển vọng về việc làm ấm lại mối quan hệ Trung - Hàn có lẽ phần nhiều cũng chỉ mang tính biểu tượng và dễ đổ vỡ một khi THAAD vẫn còn hiện diện, như chính sự chia rẽ trong nhận định của giới chuyên gia.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2116941/china-south-korea-defence-ministers-hold-first-meeting

[2] http://english.yonhapnews.co.kr/northkorea/2017/10/25/Mixed prospects for S. Korea-China ties after Xi tightens grip on power

PHẠM DOÃN TÌNH