Đa Chiều ngày 31/3 đưa tin, trước khi ông Tập Cận Bình đặt chân đến Washington, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken tuyên bố, Hoa Kỳ biết Trung Quốc không thích hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD mà Mỹ dự kiến đặt tại Hàn Quốc để đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên, nhưng Washington vẫn phải làm
"Chỉ cần Triều Tiên chưa dừng hoặc đảo ngược kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân, chúng tôi bắt buộc phải có biện pháp bảo đảm an ninh cho đồng minh. Những biện pháp này không nhằm vào Trung Quốc, nhưng việc Trung Quốc không thích một số biện pháp trong số đó cũng không phải điều gì khó hiểu", ông Anthony Blinken nói.
Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: The Wall Street Journal. |
Giới truyền thông Trung Quốc tin rằng, THAAD nếu được bố trí tại Hàn Quốc có thể phát hiện được mọi hoạt động của các tên lửa đạn đạo trong bán kính 2000 km. Hơn một nửa lãnh thổ Trung Quốc và một phần lãnh thổ vùng Đông Nam của Nga nằm trong phạm vi kiểm soát của hệ thống này. Bắc Kinh và Moscow xem đây là mối đe dọa với an ninh của họ.
Đa Chiều cho hay, việc Bình Nhưỡng theo đuổi vũ khí hạt nhân không chỉ khiến Mỹ - Hàn lắp đặt hệ thống THAAD trên bán đảo, mà bản thân hệ thống vũ khí hạt nhân ấy của Triều Tiên còn là một mối đe dọa hiện hữu đối với Bắc Kinh.
Có nhiều nguồn tin cho rằng, Bình Nhưỡng còn đang sở hữu một hệ thống "vũ khí tử thủ" dù còn chưa hoàn chỉnh. Nếu điều này là thật, trong trường hợp năng lực tên lửa đạn đạo và thu nhỏ đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên chưa đủ uy hiếp thì hệ thống "vũ khí tử thủ" này sẽ là mối đe dọa thực sự với Trung Quốc.
Hệ thống "vũ khí tử thủ" này được cho là hệ thống phản kích hạt nhân do Liên Xô phát minh. Trong trường hợp cơ quan đầu não quốc gia bị tiêu diệt, hệ thống "vũ khí tử thủ" sẽ tự động kích hoạt, các đầu đạn hạt nhân sẽ tự động phóng tới các mục tiêu được lập trình trước mà không cần thao tác của con người.
Tờ báo này nhận định, với những quốc gia theo đuổi vũ khí hạt nhân nhưng chưa đủ trình độ chế tạo tên lửa đạn đạo và đầu đạn hạt nhân thu nhỏ có thể tấn công đến các mục tiêu quốc gia đối thủ, thì những gì họ có sẽ được sử dụng cho hệ thống "vũ khí tử thủ" này. Lúc đó láng giềng là những đối tượng có nguy cơ bị đe dọa hạt nhân lớn nhất.
Sau khi Liên Xô tan ra, một phần tài liệu về hệ thống "vũ khí tử thủ" được cho là đã rơi vào tay Triều Tiên. Trên cơ sở này, Bình Nhưỡng đã tự "mày mò" chế tạo cho riêng mình một hệ thống "vũ khí tử thủ". Tất nhiên CHDCND Triều Tiên chưa bao giờ thừa nhận có sự tồn tại một hệ thống vũ khí hủy diệt như vậy.
Nhưng giới quan sát Trung Quốc cho rằng, trong trường hợp các nhà lãnh đạo Triều Tiên bị ép vào đường cùng, họ có thể sử dụng đến hệ thống này uy hiếp láng giềng để đổi lấy sự bảo vệ.
Đa Chiều lưu ý, trên thực tế ngay lần thử hạt nhân đầu tiên cố lãnh đạo Kim Jong-il khi đó đã nói, một khi nổ ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, các nước lớn xung quanh cũng khó "sống sót". Tờ Sankei Shimbun, Nhật Bản gần đây cũng đưa tin, đảng Lao động Triều Tiên có hẳn một chỉ thị đến từng chi bộ rằng, Bình Nhưỡng có thể gây áp lực tấn công hạt nhân để "đập tan vọng tưởng của Bắc Kinh muốn kiềm chế, trừng phạt Bình Nhưỡng".
Do đó vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đang trở thành nội dung chính của hội nghị thượng đỉnh hạt nhân tại Mỹ lần này. Hội nghị này trở thành diễn đàn để hai nhà lãnh đạo Obama và Tập Cận Bình tìm cách đối phó với ông Kim Jong-un. Đây cũng là thách thức đối với ông Tập Cận Bình trong chuyến công du tới Mỹ lần này.