Triều Tiên theo đuổi hạt nhân để chống "âm mưu bá quyền" của Mỹ

23/05/2013 19:00
Nguyễn Hường (nguồn Interfax)
(GDVN) - Chiến lược toàn cầu của Mỹ, theo ông Kim Yong-jae là bá quyền trên toàn thế giới và châu Á - Thái Bình Dương không nằm ngoài kế hoạch này. Trong khi đó, Trung Quốc và Nga là hai đối thủ đáng gờm ở Đông Bắc Á mà Mỹ phải vượt qua nếu muốn gây ảnh hưởng tại đây.
Đại sứ Triều Tiên tại Nga Kim Yong-Jae cho rằng những nguyên nhân cơ bản nhất dẫn tới tình hình căng thẳng vừa qua trên bán đảo Triều Tiên cũng như những bất đồng giữa Bình Nhưỡng và Washington trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Interfax của Nga đăng tải hôm 20/5 là do Mỹ.

Mỹ là nguyên nhân chính gây bất ổn trong khu vực

Đại sứ Kim Yong-Jae
Đại sứ Kim Yong-Jae

Ông Kim Yong-jae cho biết, hiện đang có một sự gia tăng cường độ và quy mô của các hành động khiêu khích của Mỹ và Hàn Quốc nhằm gây mất ổn định cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên. 
Triều Tiên đã tiến hành phóng thành công tên lửa mang vệ tinh vào quỹ đạo trong tháng 12/2012. Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh đã thúc giục Liên Hợp Quốc thúc đẩy một hành động thù địch chống lại quyền lợi chính đáng này của Bình Nhưỡng bằng các lệnh trừng phạt. 
Điều đó đã tước đi quyền chinh phục không gian hợp pháp của Triều Tiên và giống như "một hành động chà đạp thô bạo lên phẩm giá của một quốc gia có chủ quyền", Đại sứ Triều Tiên nói, chính điều đó đã khiến Triều Tiên buộc phải thực hiện vụ thử hạt nhân dưới lòng đấy thứ 3 như một phản ứng mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền và an ninh của mình.
Vụ thử hạt nhân này dẫn tới một loạt các lệnh trừng phạt quốc tế thắt chặt khác. Những lệnh trừng phạt chưa khiến Bình Nhưỡng "nguôi giận" thì Mỹ và đồng minh lại châm ngòi cho một cơn giận khác có thể "kích động chiến tranh" bằng cuộc tập  trận chung quy mô lớn Đại bàng non kéo dài 2 tháng với sự tham gia của nhiều thiết bị quân sự hiện đại của Mỹ mà Bình Nhưỡng coi đó là mối đe dọa lớn nhất trong lịch sử nước này.
Tất cả những lý do trên đều là các nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên thời gian vừa qua, Kim Yong-jae khẳng định, Mỹ phải chịu trách nhiệm về điều này khi đã "đánh lừa dư luận thế giới, bóp méo sự thật bằng cách kêu gọi các phản ứng chống lại những hành động khiêu khích và mối đe dọa bị thổi phồng từ Triều Tiên", trong khi bản thân Mỹ là một cường quốc hạt nhân.
Triều Tiên theo đuổi hạt nhân để chống lại âm mưu bá quyền của Mỹ

Đại sứ Kim Yong-Jae cho rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm về những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Đại sứ Kim Yong-Jae cho rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm về những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Trả lời câu hỏi tại sao các nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn có khả năng quân sự mạnh mẽ, Đại sứ Triều Tiên cho rằng Triều Tiên buộc phải tìm kiếm các phương thức trả đũa cứng rắn để tự vệ. Khi đối mặt với mối đe dọa hạt nhân nghiêm trọng, trực tiếp và liên tục của Mỹ, Triều Tiên - với khả năng quân sự có hạn đã buộc phải lựa chọn sự tăng cường răn đe hạt nhân, được tạo ra để bảo vệ chủ quyền của đất nước, thúc đẩy hòa bình khu vực.
Ông Kim cũng cho rằng người duy nhất được hưởng lợi khi bán đảo Triều Tiên căng thẳng là Mỹ. Khấy động tình hình ở đây, Washington đã có cái cớ để đẩy mạnh sự chuyển hướng chiến lược tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, buộc các đồng minh phải tăng sự phụ thuộc vào mình để đối phó với kẻ thù chung, nhất là về mặt vũ khí.
Bất chấp phản đối từ Trung Quốc và Nga, thời gian này Mỹ đã có thể có được một bàn đạp để đẩy nhanh việc tạo ra hệ thống phòng thủ tên lửa trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, ông Kim nói.
Chiến lược toàn cầu của Mỹ, theo ông Kim Yong-jae là bá quyền trên toàn thế giới và châu Á - Thái Bình Dương không nằm ngoài kế hoạch này. Trong khi đó, Trung Quốc và Nga là hai đối thủ đáng gờm ở Đông Bắc Á mà Mỹ phải vượt qua nếu muốn gây ảnh hưởng tại đây. Bởi vậy, bán đảo Triều Tiên  đang trở thành nơi có vai trò địa chính đặc biệt.
Kim Yong-jae cũng nói rằng bản chất chiến lược của Mỹ tại Hàn Quốc là rào cản Triều Tiên, quốc gia được coi là cái gai trong mắt Washington vì cản trở kế hoạch thống trị của họ. Kế hoạch này đang thu hút sự tham gia chặt chẽ của Nhật Bản.
Đại sứ Triều Tiên tại Nga khẳng định trong cuộc phỏng vấn rằng Bình Nhưỡng có kế hoạch tiếp tục phóng vệ tinh trong tương lai và sẽ không dừng lại vì các chính sách thù địch của Mỹ hay sự căng thẳng kéo dài. 
Nguyễn Hường (nguồn Interfax)