Trong 5 năm, Đại học Duy Tân mở mới 22 ngành, nguồn thu NCKH có năm chưa đạt 1%

10/10/2024 06:18
Tuệ Nhi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Báo cáo ba công khai năm học 2022-2023 cho thấy, nguồn thu từ học phí là 544 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 99,2% trong tổng thu của Đại học Duy Tân. 

Trường Đại học Duy Tân chính thức chuyển thành Đại học Duy Tân từ 7/10/2024. Đây cũng là trường đại học tư thục đầu tiên ở nước ta trở thành đại học.

Theo Đề án tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2024 của Đại học Duy Tân, nhà trường tổ chức đào tạo 10 ngành trình độ tiến sĩ, 16 ngành trình độ thạc sĩ, 52 ngành trình độ đại học; hệ liên thông chính quy đào tạo 10 ngành; hệ văn bằng thứ hai 2 ngành; hệ từ xa 07 ngành và liên kết đào tạo với nước ngoài.

Thông báo công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế của cơ sở giáo dục đại học năm học 2023-2024 cũng cho biết, quy mô đào tạo hệ đại học chính quy của Đại học Duy Tân là 20.014 sinh viên.

Để tìm hiểu rõ hơn thông tin toàn cảnh về bức tranh đào tạo, tình hình tuyển sinh và cơ cấu nguồn thu, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tiến hành thống kê các dữ liệu liên quan từ Đề án tuyển sinh, báo cáo ba công khai các năm học của Đại học Duy Tân.

Trong vòng 5 năm, Đại học Duy Tân mở mới 22 ngành học

Căn cứ vào Đề án tuyển sinh của Đại học Duy Tân giai đoạn từ năm 2020-2024 cho thấy nhà trường mở thêm nhiều ngành mới.

tuyen sinh.jpg
Dữ liệu tổng hợp từ Đề án tuyển sinh của Đại học Duy Tân, giai đoạn từ năm 2020-2024.

Theo đó, năm 2020, Đại học Duy Tân công bố tuyển 5.700 chỉ tiêu cho 30 ngành đào tạo hệ đại học chính quy. Năm 2021, nhà trường tuyển 6.200 chỉ tiêu cho 44 ngành đào tạo hệ đại học chính quy.

Như vậy, so với năm 2020 thì năm 2021, Đại học Duy Tân mở thêm 14 ngành, bao gồm: Công nghệ kỹ thuật ô tô, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật điện, Thiết kế thời trang, Kỹ thuật y sinh, Quản trị nhân lực, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng, Marketing, Kinh doanh thương mại, Kiểm toán, Ngôn ngữ Nhật, Quản trị sự kiện, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Du lịch.

Năm 2022, Đại học Duy Tân tuyển 6.200 chỉ tiêu cho 47 ngành đào tạo. So với năm 2021, nhà trường mở thêm 3 ngành mới, đó là: Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu.

Năm 2023, nhà trường công bố chỉ tiêu tuyển sinh cho 47 ngành đào tạo là 6.300 sinh viên, không mở thêm ngành mới so với năm trước đó.

Năm 2024, Đại học Duy Tân tuyển 8.800 sinh viên (tăng 2.500 chỉ tiêu, tương đương tăng hơn 28% so với năm 2023) cho 52 ngành đào tạo hệ đại chính quy. So với chỉ tiêu năm trước, năm 2024, nhà trường mở thêm 5 ngành mới, đó là: Trí tuệ nhân tạo, Thương mại điện tử, Kinh tế đầu tư, Quan hệ công chúng, Kinh tế gia đình.

Năm 2022 có ngành "trắng" sinh viên nhập học

Để có thêm thông tin chi tiết về tình hình tuyển sinh của Đại học Duy Tân trong ba năm qua, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tiến hành thống kê dữ liệu được công khai tại Đề án tuyển sinh năm 2023 và năm 2024 của đại học này.

chi tieu nhap hoc.jpg
Chỉ tiêu tuyển sinh và số sinh viên trúng tuyển nhập học theo nhóm ngành tại Đại học Duy Tân. Dữ liệu tổng hợp từ Đề án tuyển sinh năm 2023 và năm 2024 của đại học này.

Từ bảng trên có thể thấy, một số nhóm ngành có số sinh viên trúng tuyển nhập học nhiều hơn chỉ tiêu được kê. Cụ thể:

Nhóm ngành II năm 2021được phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh là 100 sinh viên nhưng có 108 sinh viên trúng tuyển nhập học. Năm 2022, nhóm ngành này chỉ tiêu là 163 nhưng có 166 sinh viên trúng tuyển nhập học.

Nhóm ngành III năm 2021 tuyển 1.400 sinh viên nhưng có 1575 sinh viên trúng tuyển nhập học (nhiều hơn 175 chỉ tiêu, tương đương 12,5%). Năm 2022 chỉ tiêu được phê duyệt là 1.460 nhưng số sinh viên trúng tuyển nhập học là 1.495 (nhiều hơn 35 chỉ tiêu). Năm 2023 chỉ tiêu được phê duyệt là 1.700 nhưng có 1.733 sinh viên trúng tuyển nhập học (nhiều hơn 33 chỉ tiêu).

Nhóm ngành V năm 2021 tuyển 2.200 chỉ tiêu, nhưng có 2.327 sinh viên trúng tuyển nhập học (nhiều hơn 127 chỉ tiêu, tương đương 5,7%). Năm 2022 tuyển 2.410 nhưng có 2.425 sinh viên trúng tuyển nhập học (nhiều hơn 15 chỉ tiêu). Năm 2023, tuyển 2.110 chỉ tiêu, có 2.116 sinh viên trúng tuyển nhập học (nhiều hơn 6 chỉ tiêu).

Nhóm ngành VI năm 2021 tuyển 900 chỉ tiêu, có 915 sinh viên trúng tuyển nhập học (nhiều hơn 15 chỉ tiêu). Năm 2022 tuyển 700 chỉ tiêu, có 715 sinh viên trúng tuyển nhập học (nhiều hơn 15 chỉ tiêu). Tuy nhiên, đến năm 2023, tuyển 850 chỉ tiêu nhưng chỉ có 770 sinh viên trúng tuyển nhập học.

Nhóm ngành VII năm 2021 tuyển 1.460 chỉ tiêu nhưng có 1.598 sinh viên trúng tuyển nhập học (nhiều hơn 138 chỉ tiêu, tương đương 9,4%). Năm 2022 tuyển 1.417 chỉ tiêu nhưng có 1.434 sinh viên trúng tuyển nhập học (nhiều hơn 20 chỉ tiêu). Năm 2023 tuyển 1.490 chỉ tiêu, có 1.495 sinh viên trúng tuyển nhập học (nhiều hơn 5 chỉ tiêu).

Các ngành thuộc các nhóm ngành được đào tạo tại Đại học Duy Tân như sau:

Nhóm ngành II bao gồm các ngành: Thiết kế đồ họa; Thiết kế thời trang.

Nhóm ngành III: Quản trị kinh doanh; Tài chính - Ngân hàng; Kế toán; Marketing; Kinh doanh thương mại; Quản trị nhân lực; Quản trị sự kiện; Kiểm toán; Hệ thống thông tin quản lý; Luật; Luật kinh tế.

Nhóm ngành IV: Công nghệ sinh học.

Nhóm ngành V: Kỹ thuật phần mềm; An toàn thông tin; Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ kỹ thuật môi trường; Công nghệ thực phẩm; Kiến trúc; Kỹ thuật xây dựng; Công nghệ kỹ thuật ô tô; Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Kỹ thuật điện; Kỹ thuật y sinh; Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; Khoa học máy tính; Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu; Khoa học dữ liệu.

Nhóm ngành VI: Y khoa; Dược học; Điều dưỡng; Răng - Hàm - Mặt.

Nhóm ngành VII: Việt Nam học; Ngôn ngữ Anh; Ngôn ngữ Trung Quốc; Ngôn ngữ Hàn Quốc; Ngôn ngữ Nhật; Văn học; Quan hệ quốc tế; Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị khách sạn; Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống; Du lịch; Quản lý tài nguyên và môi trường; Truyền thông đa phương tiện.

Tuy nhiên năm 2022, Đại học Duy Tân có 20 ngành có số sinh viên trúng tuyển nhập học thấp hơn so với chỉ tiêu. Đó là các ngành: Thiết kế thời trang; Quản trị nhân lực; Quản trị sự kiện; Hệ thống thông tin quản lý; Luật Kinh tế; Công nghệ sinh học; Công nghệ kỹ thuật môi trường; Công nghệ thực phẩm; Kiến trúc; Kỹ thuật điện; Khoa học máy tính; Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu; Điều dưỡng; Răng - hàm - Mặt; Việt Nam học; Ngôn ngữ Nhật; Văn học; Du lịch; Quản lý tài nguyên và môi trường; Truyền thông đa phương tiện.

Năm 2023, có 24 ngành số sinh viên trúng tuyển nhập học thấp hơn so với chỉ tiêu, bao gồm: Thiết kế thời trang; Kiểm toán; Luật; Công nghệ sinh học; Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng; Công nghệ kỹ thuật môi trường; Công nghệ thực phẩm; Kỹ thuật xây dựng; Kỹ thuật điện; Kỹ thuật y sinh; Khoa học máy tính; Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu; Khoa học dữ liệu; Y khoa; Dược học; Điều dưỡng; Răng - Hàm - Mặt; Việt Nam học; Ngôn ngữ Nhật; Văn học; Quan hệ quốc tế; Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống; Du lịch; Quản lý tài nguyên môi trường.

Đáng chú ý, ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường và ngành Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu năm 2022 có chỉ tiêu tuyển sinh lần lượt là 60 và 50 nhưng không có sinh viên nào nhập học. Đến năm 2023, chỉ tiêu của ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường là 50, có 48 sinh viên trúng tuyển nhập học; ngành Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu tuyển 100 chỉ tiêu, có 97 sinh viên trúng tuyển nhập học.

Nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chưa đến 1%

Theo tổng hợp số liệu từ báo cáo ba công khai các năm học của Đại học Duy Tân cho thấy, giai đoạn từ năm học 2019-2020 đến năm 2023-2024 tổng thu của nhà trường có biến động. Cụ thể:

thu chuan.gif

Theo báo cáo ba công khai năm học 2023-2024, về tài chính theo số liệu bảng kê ghi ngày 8/11/2023, tổng nguồn thu năm học này cao nhất trong 5 năm qua, đạt 635,87 tỷ đồng, tăng 87,87 tỷ đồng, tương đương tăng 16% so với năm trước.

Theo báo cáo ba công khai năm học 2020-2021, tổng nguồn thu của trường tăng mạnh so với năm học trước đó, đạt 536 tỷ đồng, tăng 123 tỷ đồng, tương đương tăng 29,7% so với năm học 2019-2020 (413 tỷ đồng).

Theo số liệu trong báo cáo ba công khai các năm học, nguồn thu từ học phí vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu của Đại học Duy Tân.

NGUON THU 19-20.gif
NGUON THU 23-24.gif
ty le nckh.jpg
Tỷ lệ nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ so với tổng thu của Đại học Duy Tân. Dữ liệu tổng hợp từ báo cáo ba công khai các năm học.

Báo cáo ba công khai năm học 2019-2020 cho thấy, tổng thu từ học phí là 400 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 96,8%). Năm học 2020-2021, tổng nguồn thu từ học phí là 524,92 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 97,93%). Năm học 2021-2022, tổng nguồn thu từ học phí là 467,9 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 94,16%). Đặc biệt, năm học 2022-2023, tổng nguồn thu từ học phí là 544 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 99,2%). Năm 2023-2024 (theo bảng thống kê đến ngày 8/11/2023), tổng nguồn thu từ học phí là 603,84 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 95%).

Theo báo cáo ba công khai năm học 2019-2020, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lần lượt là 8,5 tỷ đồng. Năm học 2020-2021, trường thu 9,62 tỷ đồng từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, là năm cao nhất trong 5 năm vừa qua. Nhưng từ báo cáo ba công khai năm học 2021-2022 trở đi, nguồn thu này giảm 8,12 tỷ đồng, chỉ còn 1,5 tỷ đồng (tương đương giảm 84,4%).

Nguồn thu từ nguồn hợp pháp khác lại có sự tăng trưởng mạnh qua các năm. Báo cáo ba công khai năm học 2021-2022, 2022-2023 cho thấy nguồn thu này tăng 25,97 tỷ đồng (tăng 94,4%) so với báo cáo ba công khai năm học 2020-2021. Đến năm học 2023-2024 nguồn thu hợp pháp khác của trường là 30,53 tỷ đồng (tăng 3,03 tỷ đồng, tương đương tăng 11% so với năm học trước).

Tiêu chí 6.1, Tiêu chuẩn 6, Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT yêu cầu, tỉ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ (có tính trọng số theo lĩnh vực), tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5%. Thời điểm chốt số liệu là ngày 31 tháng 12 hằng năm.

Thông tin từ báo cáo ba công khai, Đại học Duy Tân khẳng định các nguồn thu của trường được sử dụng đúng mục đích, phục vụ cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nộp nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tuệ Nhi