LTS: Câu chuyện về việc tổ chức căng tin trong nhà trường như thế nào vẫn có rất nhiều ý kiến trái nhiều.
Thầy giáo Thiên Ấn chia sẻ bài viết để mong rằng các cơ sở giáo dục sẽ thực hiện tuân thủ đúng quy định, tránh gây ra những phản ánh tiêu cực trong việc tổ chức các dịch vụ trong trường học.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Thời bao cấp, kinh tế còn khó khăn, ở các trường phổ thông gần như không có căng tin, vì học sinh không có nhu cầu, làm gì có tiền để ăn sáng, ăn quà vặt…
Hàng quán xung quanh khu vực trường cũng rất ít.
Nhưng nhiều năm trở lại đây, kinh tế gia đình của nhiều phụ huynh được cải thiện, khấm khá hơn, hay cho tiền con trẻ mỗi ngày, học sinh đến trường, lớp có thói quen và nhu cầu ăn sáng, ăn quà vặt ngày càng cao.
Có cầu ắt có cung. Hàng quán xung quanh khu vực trường mọc lên san sát, bán đủ thứ, thậm chí gây mất an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị và mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhiều nhà trường tổ chức hoạt động căng tin trong trường để phục vụ nhu cầu của học sinh. Song mỗi trường làm mỗi kiểu khác nhau.
Việc mở căng tin trong trường học vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh minh hoạ: Baobariavungtau.com.vn |
Trường thì xin phép cấp trên hẳn hoi, trường thì âm thầm, lặng lẽ làm. Trường thì tổ chức đấu giá, ai bỏ giá cao nhất thì làm.
Trường thì cho thầy cô giáo, nhân viên hoặc người thân của họ có nhu cầu vào làm, hằng tháng ấn định một khoản tiền đóng góp cho nhà trường hoặc tổ chức công đoàn nhà trường.
Những trường có số lượng học sinh đông, ở nơi đô thị, kinh tế phát triển, dịch vụ căng tin hoạt động ở trong trường thường “ăn nên làm ra”.
Không ít cơ sở giáo dục, vào cuối năm, Tết Nguyên đán, có mức chi lương tháng 13 (gọi là tiết kiệm chi) cho cán bộ, giáo viên, nhân viên khá cao, trên chục, vài chục triệu đồng, cũng là nhờ một phần lớn của nguồn trích lại từ lợi nhuận của căng tin và một số dịch vụ khác.
Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra đột xuất căng tin Trường Nguyễn Văn Linh |
Tuy nhiên, một số trường khi tổ chức hoạt động căng tin này thì nảy sinh các ý kiến trái chiều từ cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh học sinh.
Người ủng hộ, bảo tốt, cần thiết và tiện lợi cho con em phụ huynh, không phải chạy ra ngoài hàng quán mua…
Người phản đối, bảo nhà trường làm sai quy định khi cho người khác sử dụng tài sản, cơ sở vật chất của nhà trường (nhà nước) để mở căng tin, trông giữ xe.
Có tình trạng tranh giành không lành mạnh về đối tượng khách hàng (học sinh) giữa căng tin trong trường và các hàng quán bên ngoài cổng trường.
Mấy năm trước đây, Phòng thanh tra của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi thỉnh thoảng có nhận một số đơn thư tố cáo, khiếu nại của công dân về việc một số trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh cho mở căng tin trái phép trong nhà trường, đề nghị Sở đến kiểm tra và xử lý nghiêm.
Hai, ba năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi đã ra văn bản nghiêm cấm các cơ sở giáo dục không được tổ chức hoạt động căng tin tại nhà trường.
Trước kiến nghị của nhiều trường (được phép cho tổ chức hoạt động căng tin trong trường), thời gian hè năm 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi yêu cầu các đơn vị lập đề án, làm tờ trình về nhu cầu mở căng tin tại trường, để tổng hợp và xin chủ trương, chờ đồng ý phê duyệt của Sở Tài chính và Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi.
Không riêng gì Quảng Ngãi, mới đây, Báo Giáo dục và Thời đại đưa tin, Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, tạm dừng việc sử dụng đất hoặc cơ sở vật chất, tài sản khác gắn liền với đất của nhà trường để cho thuê hoặc cho mượn làm căng tin, nơi trông giữ phương tiện tham gia giao thông cho học sinh có thu phí trong nhà trường.
Yêu cầu này được đưa ra sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La tiếp nhận phản ánh từ nhân dân và báo cáo của các đơn vị về việc một số trường học trong tỉnh đã tổ chức căng tin, trông giữ phương tiện tham gia giao thông cho học sinh có thu phí trong nhà trường gây nên ý kiến trái chiều, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng không tốt đến môi trường giáo dục.
Để các hoạt động tổ chức căng tin, thu phí trông giữ phương tiện tham gia giao thông cho học sinh trong nhà trường đảm bảo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với môi trường giáo dục, với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh, ngoài yêu cầu trên, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã và đang yêu cầu các trường học căn cứ vào tình hình thực tế tại các đơn vị, rà soát lại quy trình, thủ tục cho thuê, cho mượn đất hoặc cơ sở vật chất.
Nếu các đơn vị đảm bảo được điều kiện cơ sở vật chất theo quy định tại Điều 55,57 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Điều 43, 44, 46 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công mà không làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục và chức năng, nhiệm vụ được giao thì đơn vị, trường học phải xây dựng Đề án sử dụng cơ sở vật chất nhà trường vào mục đích cho thuê theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 144/2017/TT-BTC về việc hướng dẫn một số nội dung Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.
Căn cứ tại Khoản 3, Điều 12 Thông tư số 144/2017/TT-BTC, Đề án của các đơn vị trực thuộc gửi Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.
Đề án của các đơn vị trực thuộc Uỷ ban nhân dân huyện, thành gửi phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố xem xét, gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện thẩm định, trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt theo quy định.
Các Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, khi Đề án của các trường học chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các trường học không được tự ý sử dụng đất và cơ sở vật chất, tài sản khác gắn liền với đất của nhà trường vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
Các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh chỉ được triển khai thực hiện khi được cấp có thẩm quyền cho phép theo đúng quy định của pháp luật.
Mở căng tin và các dịch vụ khác trong nhà trường là cần thiết, có lợi cho các em học sinh hiện nay, được đông đảo phụ huynh đồng tình, ủng hộ.
Nhưng không thể làm trái phép, khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án.
Hoạt động tổ chức căng tin và các dịch vụ khác trong nhà trường cần được thực hiện đúng theo trình tự, quy định của Nhà nước.