Phản ánh đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều phụ huynh và giáo viên Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu (tỉnh Sơn La) bức xúc về việc nhà trường cho người ngoài vào “xã hội hóa” nhà xe nhằm tận thu tiền trông xe của học sinh.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, một phụ huynh có con đang học lớp 10 (đề nghị không nêu tên) bức xúc cho biết: “Nhiều năm trước, học sinh được để xe miễn phí ở nhà xe của trường.
Năm học này nhà trường làm thêm 2 nhà xe nữa, phụ huynh nghĩ là trường làm để phục vụ miễn phí cho học sinh, nhưng thực tế nhà trường cho bên ngoài vào đầu tư làm nhà gửi xe để thu tiền của học sinh.
Đầu năm học nhà trường đã ấn định thu tiền trông giữ phương tiện giao thông của học sinh. Cụ thể, xe máy điện nhà trường thu 50.000 đồng/xe/tháng, còn xe đạp là 25.000 đồng/xe. Nhà trường thu cả năm học là 9 tháng, số tiền phụ huynh phải đóng tiền gửi xe lần lượt là 450.000 đồng và 225.000 đồng.
Còn học sinh nào không gửi xe theo tháng, gửi xe theo ngày tiền gửi cao hơn nhiều”.
Ban giám hiệu Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu "xã hội hóa" 2 nhà xe nhằm tận thu tiền gửi xe của học sinh mõi tháng 50.000 đồng. Ảnh: NVCC. |
Theo tính toán của phụ huynh, mỗi tháng nhà xe thu được trên dưới 20 triệu đồng tiền gửi xe của học sinh/tháng, tính ra cả năm học họ thu cả vài trăm triệu đồng. “Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo phải làm rõ nhà trường cố tình làm sai theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ rõ nhà trường không được thu tiền trông coi phương tiện của học sinh. Vậy mà ban giám hiệu nhà trường vẫn thu, số tiền thu được một năm không hề nhỏ, tính ra vài trăm triệu đồng mỗi năm sử dụng vào mục đích gì, có vào sổ sách hay không hay vào túi ai”, một phụ huynh đề nghị.
Một phụ huynh khác cũng bày tỏ sự lo lắng và bức xúc bởi thời gian gần đây nhà trường “vẽ” ra nhiều dịch vụ cho thuê nhằm mục đích kiếm tiền.
Phụ huynh này cho biết: “Nhà xe của trường trước đây học sinh được để xe miễn phí nay chỉ để một vài bộ bàn ghế hỏng và làm chỗ để ô tô cho giáo viên và người ngoài gửi. Điều này là rất vô lý.
Không chỉ “vẽ” ra dịch vụ gửi xe, nhiều năm nay họ cũng cho người ngoài vào làm 4 căng-tin trong nhà trường. Cảnh ăn quà vặt, tụ tập hút thuốc lào… rất phản cảm tại căng-tin khiến chúng tôi rất lo lắng”.
Hình ảnh học sinh Trường Tô Hiệu hút thuốc lào tại căng-tin trong trường rất phản cảm so với lứa tuổi các em. Ảnh: NVCC. |
Nhiều bậc cha mẹ có con em theo học tại Trường trung học phổ thông Tô Hiệu bày tỏ sự khó hiểu trước việc nhà trường ngày càng biến trường thành nơi kinh doanh, kiếm tiền cho một số người.
Theo nhiều phụ huynh và giáo viên Trường trung học phổ thông Tô Hiệu, hai nhà xe mới làm khá rộng có thể để được vài trăm xe.
Ngày 27/9, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh Thúy – Hiệu trưởng Trường Trường trung học phổ thông Tô Hiệu xác nhận: “Nhà xe đó là nhà nước đầu tư nay làm chỗ để xe cho giáo viên và học sinh thuộc đối tượng chính sách.
Còn 2 nhà xe mới là nhà xe của cán bộ, giáo viên trong trường đầu tư tiền để làm chỗ gửi xe cho học sinh có thu phí. Nhà trường cho mượn đất để cán bộ, giáo viên làm mái che làm nhà trông giữ xe cho học sinh.
Nhà trường tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên làm nhà trông giữ xe có thu phí chứ không cho người ngoài. Giáo viên trực tiếp đứng ra làm, sau đó họ thuê anh em, họ hàng, người ngoài trông giữ xe.
Nhà trường cho thuê 2 ô đất làm chỗ trông giữ xe có giá 15 triệu đồng/năm. 2 ô đất này làm 2 nhà trông giữ xe có thể chứa khoảng 400 xe.
Tiền gửi xe thu theo giá của hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La. Trường đang xin các cấp làm dịch vụ trong nhà trường”.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết, nhà trường chỉ cho thuê đất, còn đầu tư làm nhà xe là giáo viên. Nhà trường đang xin ý kiến làm dịch vụ trông giữ xe học sinh có thu phí. Ảnh: Cổng thông tin Trường Tô Hiệu. |
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy cũng thông tin về 4 căng-tin bán trong trường: “Dịch vụ căng-tin ở sân sau thuộc khu B. Diện tích của trường là 20.000 m2, tổng số học sinh khoảng 1.500 em.
Vì không có tiền đầu tư nên phần đất phía sau khu B vẫn để không, nên nhà trường cho thầy cô giáo thuê một phần đất làm căng-tin.
Cả 4 căng-tin đều là của các thầy cô trong trường làm, nhà trường cũng chỉ cho mượn đất”.
Bà Thúy khẳng định: “Trường không cho người ngoài thuê làm căng-tin mà chỉ cho giáo viên trong trường thuê, còn sau đó các giáo viên lại thuê người ngoài trường vào bán hàng.
Mỗi căng-tin nhà trường cho thuê với giá 20 triệu đồng/năm. Việc này trường đã xin Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La làm dịch vụ căng-tin và đã được chấp thuận”.
Trao đổi với phóng viên, một giáo viên cho biết: “Chúng tôi không được nhà trường thông báo hay đấu thầu công khai. Cả 4 căng-tin và 2 nhà xe đều do nhà trường tự quyết”.
Nhà xe của trường trước đây học sinh được để xe miễn phí nay nhường chỗ cho giáo viên nhằm ép học sinh phải gửi xe tại nhà xe có thu phí 450 ngàn đồng/9 tháng. Ảnh: NVCC. |
Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ những khoản nhà trường được thu sau khi thỏa thuận với đại diện cha mẹ học sinh nhằm tránh trường hợp lạm thu đầu năm.
Theo đó, những khoản nhà trường không được thu như tiền điện nước, tiền hỗ trợ kỳ thi; vệ sinh lớp học, trường; chụp ảnh lớp, trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp, giáo viên; tưới cây, chăm sóc cây; photocopy tài liệu, sách tham khảo; trông coi phương tiện giao thông của học sinh.
Đáng chú ý, đây là ngôi trường cấp 3 nằm ngay sau trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, cũng là ngôi trường mà ông Đặng Hữu Thủy – Phó hiệu trưởng nhà trường bị cơ quan công an khởi tố bị can, bắt tạm giam.
Ông Đặng Hữu Thủy là 1 trong những bị can mà Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La ra quyết định khởi tố ngày 31/7 vì liên quan đến gian lận điểm thi tại Hội đồng thi tỉnh Sơn La.
Trước đó, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin bạn đọc phản ánh Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu có nhiều thí sinh tự do, trong đó có thí sinh năm 1994, 1995... 1997 có điểm thi cao bất thường kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018.