Trưng mũ ngành công an lên ô tô "hù" CSGT phạm tội gì?

04/07/2012 16:00
Theo Kienthuc.net.vn
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược - Bộ Công an, việc để mũ ngành công an lên ô tô để "hù" CSGT là vi phạm pháp luật.

Sau loạt ảnh “Để mũ ngành công an lên ôtô "hù” CSGT?” của phóng viên, nhiều bạn đọc đã đặt vấn đề: Phải chăng căn nguyên của chuyện này xuất phát từ chính sự chưa nghiêm minh của CSGT?

Tội giả danh công an?

Trao đổi với PV, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược - Bộ Công an nhận định: “Đây là một hành động không lành mạnh về mặt đạo đức và không đúng về mặt luật pháp. Nếu công an phát hiện ra phải xử lý ngay.

Thấy mũ của công an, bộ đội, CSGT và các cơ quan làm nhiệm vụ dọc đường cũng ngại Như vậy mục đích của người đặt mũ lên trước hoặc sau xe là trốn tránh luật pháp, muốn được ưu tiên nào đấy từ lực lượng bảo vệ pháp luật. Nhưng việc này là vi phạm pháp luật".

"Những người ngay thẳng và trung thực không ai làm thế. Mọi người đi ô tô mà chắc tay lái, đi đúng làn đường, đúng tốc độ cho phép, không phóng nhanh vượt ẩu thì việc gì phải làm thế? Bản thân người này làm thế là bao giờ cũng có những động cơ riêng của người ta và động cơ này không lành mạnh”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng đây có thể coi là hành vi giả danh lực lượng chức năng và có thể được coi là một tội: “Dù đây chỉ là cấp độ thấp nhưng chúng ta vẫn phải lên án. Hành động này cần phải làm nghiêm, làm rõ trắng đen".

Theo Thiếu tướng, cũng phải thấy rằng hiện có nhiều nơi bán quần áo, trang phục y như trang phục của quân đội, công an. Cái này cũng cần có quy định, xiết chặt lại. Ở các nước khác, quân phục, quần áo của quân đội, công an thì “không được đùa” như vậy. Cái này dứt khoát không được.

"Cá nhân tôi rất phản đối chuyện này. Người ngoài ngành để mũ công an trong xe cần phải xử lý. Người bỏ qua cũng không được", Thiếu tướng bày tỏ quan điểm.

CSGT đã nghiêm minh?

Trước thắc mắc nếu trong ngành làm nghiêm thì sẽ không có việc đó xảy ra? Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng nghiêm hay không nghiêm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hiện nay cảnh sát đang làm rất nghiêm, tất nhiên là vẫn có những chuyện “ngoài cái lý ra còn có cái tình”.

(Xem thêm: Chủ nhà hàng trưng mũ công an trên xế hộp để "hù" CSGT)

“Nói chung thì việc như thế thì sai rồi, không ai có thể bao che được. Thế nhưng tùy theo mức độ vi phạm mà ta đánh giá. Không thể từ một vài việc như vậy mà khái quát thành cái chung.

Anh em CSGT thấy mũ cảnh sát trong xe thì đôi lúc người ta bỏ qua những lỗi nhỏ. Chuyện này cũng không nên xếp nó vào loại tiêu cực được. Tiêu cực phải là chặn xe lại vòi tiền. Tất nhiên chuyện này là chuyện không đúng nhưng việc nhích hơn tốc độ quy định một chút thì có thể nhân nhượng được, đó là cái tình của con người.

Nhưng nếu lực lượng nào lợi dụng cái này thì nó lại là chuyện vi phạm. Tuy nhiên chúng ta cũng phải đánh giá đến mức độ thế nào thì có thể nhân nhượng được. Vượt quá giới hạn đó thì không thể chấp nhận được”, Thiếu tướng cho biết.

Phản biện thêm về chuyện nghiêm minh, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, nói nghiêm minh sẽ không dẫn đến tình trạng đó chỉ là lý thuyết thuần túy: “Dù có nghiêm minh trăm phần trăm rồi thì chuyện đó vẫn có thể xảy ra. Chỉ có mức độ ít hơn thế nào thôi chứ không thể cho rằng nghiêm minh là không có. Với tình hình kinh tế, xã hội của nước ta hiện nay làm sao có thể đòi hỏi vuông thành sắc cạnh được. Như tội phạm ma túy, giết người cướp của,.. chúng ta làm nghiêm rồi mà nó vẫn diễn ra”.

Người trong ngành được ưu ái?

Đối với câu hỏi liệu người trong ngành có được “ưu ái”? Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh: Phải khẳng định rõ ràng là chủ trương chung thì không có chuyện này, không có ưu tiên gì hết. Nhưng cuộc đời bên cạnh cái lý còn có cái tình, cũng nên thông cảm vì “đấy là con người”.

“Đây là vận dụng tức thời trong một tình huống cụ thể của người thi hành công vụ thôi và việc này cần phải được nhắc nhở và dứt khoát không được như vậy. Tất nhiên phải nêu ra để khắc phục nhưng cũng không nên quy kết nó là tiêu cực.

Cái khó của lực lượng thừa hành là xe đang lưu thông như vậy rất khó có thể dừng xe họ lại để kiểm tra xem anh có phải công an, quân đội không. Giả dụ như họ đang lưu thông đúng làn đường, đúng tốc độ thì lực lượng chức năng có lí do gì để dừng xe họ lại kiểm tra thẻ ngành?", Thiếu tướng nói.

Ông cũng cho rằng, về mặt luật pháp thì người thi hành cũng có những vướng mắc: “Có thể nghi họ không phải là công an, quân đội nhưng chuyện dừng họ lại kiểm tra không phải đơn giản. Họ còn quyền tự do công dân, không được xâm phạm tài sản, danh dự của họ”.
Theo Kienthuc.net.vn