Chuyên gia Ian Storey. |
Washington Post ngày 21/5 bình luận, việc nhà cầm quyền Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ của người Việt, nhưng hiện vẫn chưa có công cụ nào hữu hiệu để đánh bật giàn khoan Trung Quốc khỏi Biển Đông.
Các nước Đông Nam Á đều có lợi ích của mình trong việc tránh chọc giận Bắc Kinh, đã và đang lảng tránh bất kỳ một hành động tập thể nào để ngăn chặn Trung Quốc không ngừng khẳng định yêu sách chủ quyền (bất hợp pháp) của họ trên Biển Đông và có thể dẫn đến một cuộc sung đột lớn tiếp theo trên thế giới.
Mặc dù Trung Quốc vẫn tiếp tục bắt nạt, nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục điều tàu tuần tra (Cảnh sát biển, Kiểm ngư) chống đỡ "hạm đội" tàu Trung Quốc đông áp đảo để bảo vệ hoạt động bất hợp pháp của giàn khoan Hải Dương 981.
Sự chia rẽ đã tồn tại trong khối ASEAN, nhưng Trung Quốc lại rất "chuyên nghiệp" trong việc khai thác nó, Ian Storey, một chuyên gia về chính trị khu vực từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á đặt tại Singapore bình luận. Sự thiếu thống nhất trong phản ứng của ASEAN càng kích thích Bắc Kinh theo đuổi mạnh mẽ hơn yêu sách của họ.
Trung Quốc hiện tại điều chỉnh sự hung hăng của họ tùy thuộc vào các sự kiện xung quanh và những phản ứng họ nhận được. Cho đến nay hành động của Bắc Kinh chủ yếu nhằm vào Philippines và Việt Nam trong khi vẫn để lại Malaysia và Brunei. Để tránh leo thang quá nhanh, Bắc Kinh thường dựa vào lực lượng Cảnh sát biển (trá hình) chứ không phải hải quân (công khai) đối đầu với nước khác.
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm nay tại Myanmar đã bày tỏ quan ngại về vụ giàn khoan 981 |
Hiện tại người ta vẫn chưa rõ tại sao Trung Quốc chọn thời điểm ngày 1/5 để hạ đặt (trái phép) giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Trong khi Bắc Kinh nói rằng động thái này chỉ đơn giản là tìm kiếm dầu khí, nhưng một số người cho rằng họ muốn "nắn gân" Việt Nam, cảnh báo người Việt không có quan hệ an ninh gần gũi hơn với Hoa Kỳ.
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm nay diễn ra 1 tuần sau khi Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, ASEAN đã bày tỏ quan ngại nhưng không chỉ đích danh Trung Quốc.
Tan See Seng từ đại học Công nghệ Nam Dương Singapore cho rằng, một số nước Đông Nam Á có thể muốn tránh để Bắc Kinh nghi ngờ họ đang ngả theo Mỹ, động thái Washington tăng cường hiện diện quân sự tại châu Á sau 1 thập kỷ chiến tranh Trung Đông đã đặc biệt "chọc giận" Bắc Kinh.
Cho đến nay Mỹ đã chỉ hỗ trợ các đối thủ của Bắc Kinh trên Biển Đông bằng thông điệp đầu lưỡi: "các vấn đề phải được giải quyết một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, không thay đổi hiện trạng, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực".
Những thông điệp như vậy nhạt nhẽo hơn nhiều so với khẳng định chắc chắn của ông Obama với Nhật Bản, Mỹ sẽ bảo vệ quần đảo Senkaku nếu nó bị xâm phạm.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Obama "uống rượu bàn quốc sự" sau khi ông chủ Nhà Trắng tuyên bố dõng dạc, Mỹ sẽ bảo vệ Senkaku. |
Trung Quốc có thể tự làm tổn hại uy tín của mình bằng cách bắt nạt các nước láng giềng nhỏ hơn trong khi họ lại muốn được xem như một "ông trùm khu vực hiền lành" ngày nào đó sẽ thay thế Mỹ.
Mặc dù Trung Quốc nói rằng giàn khoan Hải Dương 981 sẽ chấm dứt hoạt động (bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam) vào đầu mùa mưa bão trong tháng Tám, nhưng có khả năng Bắc Kinh sẽ tiếp tục thúc đẩy các hành động củng cố yêu sách của họ ở Biển Đông.
Một khả năng (nguy cơ - PV) được đặt ra là Bắc Kinh sẽ đơn phương tuyên bố áp đặt vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông như đã từng làm ở Hoa Đông, Ian Storey cho rằng đó chỉ còn là vấn đề thời gian.
Hồng Thủy