Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc ở Naypyidaw, Myanmar. |
Reuters ngày 13/11 đưa tin, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề xuất một hiệp ước hữu nghị với các nước Đông Nam Á và cung cấp 20 tỉ USD cho vay vào Thứ Năm nhưng tiếp tục khăng khăng đòi đàm phán tay đôi với từng nước trong vấn đề Biển Đông.
"Trung Quốc sẵn sàng trở thành đối tác đối thoại đầu tiên ký với ASEAN một hiệp ước hữu nghị và hợp tác", Lý Khắc Cường phát biểu trước các nhà lãnh đạo ASEAN tại hội nghị thượng đỉnh ở Naypyidaw, Myanmar. Hiệp ước được xem như nỗ lực của Bắc Kinh để xua tan "mối đe dọa từ Trung Quốc".
Ông Cường cũng tuyên bố sẽ cung cấp cho các nước ASEAN 20 tỉ USD vốn vay ưu đãi đặc biệt để phát triển cơ sở hạ tầng, một đề nghị hấp dẫn cho khu vực vốn đang gặp khó khăn về tài trợ cho hệ thống giao thông, bến cảng, đường sắt rất cần thiết đối với tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên ông khẳng định lại "quyết tâm" của Trung Quốc để bảo vệ cái gọi là chủ quyền và vị thế của mình, các tranh chấp lãnh hải cần phải được giải quyết song phương chứ không phải là tập thể hoặc thông qua trọng tài. Philippines đã làm Bắc Kinh khó chịu vì vụ kiện đường lưỡi bò ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển.
Trong khi đó các nhà lãnh đạo ASEAN hy vọng sẽ thuyết phục được nước láng giềng khổng lồ có cách tiếp cận ít hiếu chiến hơn với những yêu sách chồng chéo trong cuộc họp kín hôm Thứ Năm. Nhưng bất chấp những gì xảy ra ở hậu trường, ASEAN vẫn tỏ ra miễn cưỡng đối kháng với Trung Quốc.
Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh ASEAN khẳng định: "Chúng tôi vẫn quan ngại về tình hình Biển Đông" mà không đề cập đến Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tổ chức cuộc gặp gỡ song phương với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Naypyidaw hôm Thứ Năm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Naypyidaw, Myanmar. |
"Chúng tôi rất chia sẻ với niềm tin rằng việc tất cả các nước trong khu vực dù lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ theo các quy tắc, chuẩn mực để giải quyết tranh chấp là rất quan trọng", ông Obama nói.
Theo tờ Stripes, bên lề hội nghị thượng đỉnh Đông Á Tổng thống Obama cũng khẳng định Mỹ và Việt Nam đang tham gia vào cơ hội hợp tác lớn hơn và sâu sắc hơn. "Rõ ràng Hoa Kỳ và Việt Nam có một lịch sử rất phức tạp và khó khăn, nhưng trong nhiều năm qua 2 nước đã tham gia vào cơ hội hợp tác lớn hơn và sâu sắc hơn những gì chúng ta nhìn thấy được", ông Obama nói.
Tờ báo dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Mỹ và Việt Nam tiếp tục có những cuộc đối thoại hiệu quả về các vấn đề như an ninh, quan hệ hai nước đã có những tiến bộ đáng kể.
Theo bình luận của tờ The Wall Street Journal, 6 tháng sau khi Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, Bắc Kinh đang miệt mài đưa ra các cam kết đầu tư và kinh doanh mới với Đông Nam Á như một phần của cách tiếp cận cây gậy và củ cà rốt để kiểm soát Biển Đông.
Cách thức Bắc Kinh làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác kinh tế với láng giềng hay hứa hẹn lợi ích cho các quốc gia nhỏ hơn đang háo hức chờ đợi đầu tư, với Trung Quốc đó là thủ đoạn chiến lược để xoa dịu các nước láng giềng sau một loạt hành vi hung hăng dưới thời Tập Cận Bình ở Biển Đông.
Các nước láng giềng của Trung Quốc đang phải đối mặt với một sự lựa chọn khó khăn: Nhận ra tham vọng của Trung Quốc muốn trở thành quyền lực thống trị châu Á và nắm lấy lợi ích kinh tế đi kèm với nó, hay bảo vệ yêu sách chủ quyền hàng hải của mình và đối đầu với Trung Quốc, mặc dù không có gì đảm bảo có sự hỗ trợ từ bên thứ 3 như Mỹ.