Sau khi Trung Quốc đơn phương thiết lập cái gọi là vùng nhận diện phòng không gọi tắt là ADIZ (bất hợp pháp) ở biển Hoa Đông, giới quan sát quốc tế đã lo ngại về khả năng Bắc Kinh có thể có hành động tương tự ở Biển Đông. Điều này được xem như nỗ lực của Bắc Kinh theo đuổi chính sách bành trướng lãnh thổ, hàng hải và tăng cường sức mạnh hải quân ở Đông Bắc Á.
Trang Air Transport World tiết lộ rằng, một chiếc máy bay của hãng hàng không Lao Airlines của Lào bay qua khu vực ADIZ (trái phép) của Trung Quốc trong cuối tháng 7 đã bị buộc quay trở lại nơi xuất phát vì không tuân thủ yêu cầu báo cáo trước của Bắc Kinh.
Máy bay của hãng hàng không Lao Airlines bị Trung Quốc buộc phải quay trở lại Hàn Quốc như một thí điểm cho cái gọi là ADIZ (trái phép) ở Biển Đông. Ảnh minh họa. Nguồn pacificsentinel |
Nguồn tin riêng xin được giấu tên vì lý do nhạy cảm của vấn đề nói với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, vụ việc xảy ra khi chiếc máy bay của Lào đang trên đường từ Hàn Quốc tới Vientiane hôm 25/7. Sự cố đã buộc chiếc máy bay này phải quay trở lại nơi cất cánh.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc kịch liệt bác bỏ và nói rằng sự kiện này không liên quan đến ADIZ (trái phép) ở Hoa Đông, còn chính phủ Lào thì im lặng. Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá rằng hành động trên của Bắc Kinh có thể được xem là một thử nghiệm và báo hiệu việc quốc gia này chuẩn bị áp đặt ADIZ (trái phép) ở Biển Đông.
Nguồn tin riêng nói với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, vụ việc trên có thể được xem như là một động thái gây áp lực với chính phủ Lào về lập trường không được ủng hộ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.
The Diplomat ngày 19/10 đăng bài phân tích của học giả Alice Slevison - một nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Chiến lược Úc ở Canberra, Australia, lên tiếng bày tỏ quan ngại về khả năng Trung Quốc đơn phương áp đặt cái gọi ADIZ ở Biển Đông và kêu gọi các nỗ lực quốc tế ngăn cản một động thái như vậy.
Theo Slevison, yêu cầu thiết lập AIDZ của Trung Quốc không có giá trị về mặt pháp lý, không phù hợp với bất kỳ quy định quốc tế nào, vi phạm rõ ràng Điều 87 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Trung Quốc cũng tham gia, trong đó đề cập tới quyền tự do bay qua lại của tàu thuyền và máy bay các nước khác; vi phạm Công ước 1944 về Hàng không dân dụng quốc tế hay còn gọi là Công ước Chiago chống lại những nỗ lực đơn phương hạn chế chuyển hướng không khí bên ngoài lãnh hải của các quốc gia.
Slevison đánh giá, nhằm duy trì kiểm soát các vùng biển xung quanh lãnh thổ của mình, Trung Quốc đã thúc đẩy việc tạo ra một tiền lệ bên ngoài luật pháp quốc tế hiện hành. Đó là một động thái nguy hiểm.
Đáng lo ngại hơn nữa là Bắc Kinh gần đây đã báo hiệu sự sẵn sàng áp đặt ADIZ như một phần bành trướng yêu sách chủ quyền của mình ở Biển Đông.
Theo Slevison, việc Trung Quốc áp đặt ADIZ (trái phép) ở Biển Đông tạo ra sự không khắc chắn hơn nữa đối với nỗ lực bảo vệ quyền tự do hàng không ở vùng biển quốc tế.
Để giảm nguy cơ leo thang ở Hoa Đông và khả năng Trung Quốc công bố thiết lập ADIZ (trái phép) ở Biển Đông, Mỹ cần phải có phản ứng cứng rắn hơn nữa.
Mặc dù Mỹ đã có những phát biểu mạnh mẽ ngay lập tức sau tuyên bố thành lập ADIZ ở Hoa Đông và sau đó điều hai chiếc B-52 bay qua khu vực này như một hành động phản đối, tuy nhiên các phản ứng tiếp đó của Washington là tương đối nhẹ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra những lời lẽ cứng rắn khi nhắc lại Điều V trong Hiệp ước Hợp tác An ninh Mỹ-Nhật như một đảm bảo "bọc thép" để bảo vệ quần đảo Senkaku đối với đồng minh Nhật Bản, nhưng Mỹ vẫn thiếu các hành động cứng rắn và hữu hình để buộc Trung Quốc từ bỏ tuyên bố chủ quyền của mình đối với quần đảo tranh chấp.
Theo Slevison, Mỹ cần phải tiếp tục thực hiện đầy đủ quyền của mình, đưa máy bay quân sự của mình bay qua Hoa Đông.
Là một cường quốc trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, Úc cũng có một vai trò trong việc giữ gìn quyền tự do hàng không ở vùng lân cận. Việc Ngoại trưởng Julie Bishop lên án ban nỗ lực thiết lập ADIZ ở Hoa Đông của Trung Quốc là cần thiết và chính phủ Canberra cũng cần phải hành động mạnh mẽ hơn nữa để tránh điều đó lặp lại ở Biển Đông.
Ngoài ra, điều quan trọng hơn nữa là Úc cũng cần phải đưa máy bay quân sự của mình bay qua lại khu vực ADIZ của Trung Quốc ở Hoa Đông hoặc công khai thể hiện sự ủng hộ đối với các đồng minh có hành động như vậy nhằm tránh sự xuất hiện của một hiện trạng mới, trong đó cho phép Trung Quốc thống trị vùng biển xung quanh.
Úc phải hành động nhanh chóng để bảo vệ quyền tự do di chuyển qua lại vùng biển và không phận quốc tế ở Biển Đông hoặc một ngày nào đó sẽ đối mặt với tình huống phải xin phép Trung Quốc để thực hiện các quyền tự do quốc tế của mình, Slevison nhấn mạnh./.